Chỉ cấm ép uống rượu bia với người dưới 18 tuổi, vậy trên 18 tuổi ép nhau thoải mái?

Ép nhau uống đến chảy nước mắt, đến say mèm và gây nhiều hệ lụy nhưng dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được QH thảo luận ngày 16.11 chỉ cấm ép với người dưới 18 tuổi và quy định này được nhiều ĐB tham gia thảo luận.

ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận). Ảnh PV

Nên cấm người dưới 18 tuổi sử dụng bia, rượu

Tại khoản 4, Điều 5 của dự luật quy định “cấm ép người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia”. Quy định này là vấn đề được nhiều ĐB quan tâm từ những buổi thảo luận ở tổ đến phát biểu ở hội trường.

Xuất phát từ thực tế, người 18 tuổi và dưới 18 tuổi hiện nay uống rượu bia không phải ít và việc ép người khác uống rượu bia là điều nên cấm với tất cả mọi người chứ không chỉ với người dưới 18 tuổi.

ĐB Quàng Thị Vân (Điện Biên).

Theo đó, ĐB Quàng Thị Vân (Điện Biên) cho rằng, quy định như vậy là chưa chặt chẽ vì ranh giới giữa ép uống, mời uống, tự uống là khó xác định. “Theo tôi, nên quy định rõ là cấm người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia. Như vậy sẽ đầy đủ và bao hàm các đối tượng, hành vi bị cấm” – ĐB nói.

Băn khoăn với quy định này, ĐB Nguyễn Thị Thảo (Nghệ An) đặt câu hỏi thế nào là hành vi ép buộc? Khi có hành vi ép buộc thì ai là người xử lý? Xử lý như thế nào? Đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ thêm.

ĐB Trương Thị Yến Linh - Cà Mau.

Đề xuất có 2 khoản cấm

Để giải quyết vấn đề này, ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) đề xuất cần tách ra thành 2 khoản cấm, một là cấm mọi hình thức cho người dưới 18 tuổi sử dụng rượu bia, hai là cấm ép buộc người sử dụng rượu, bia chứ không chỉ cấm ép buộc đối với người dưới 18 tuổi.

ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) là một trong nhiều ĐB rất băn khoăn về quy định này. ĐB đặt vấn đề trường hợp người dưới 18 tuổi chủ động cùng uống hoặc mời những người khác cùng uống thì sao? Những người trên 18 tuổi cùng uống trong buổi tiệc đó và có phải chịu trách nhiệm gì về hành vi chủ động uống rượu, bia của người dưới 18 tuổi này không. Ngược lại, có những người mặc dù trên 18 tuổi, không uống được rượu, bia và thuộc đối tượng yếu thế nhưng bị ép buộc uống lại không được quy định trong luật.

Từ những phân tích đó, ĐB đề nghị quy định không được cho người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia và sử dụng người dưới 18 tuổi trong hoạt động sản xuất và buôn bán rượu, bia.

ĐB Đàng Thị Mỹ Hương - Ninh Thuận.

ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đề nghị cần làm rõ như thế nào là "ép buộc" uống rượu, bia. Nếu mức độ "ép buộc" thế nào để gọi là vi phạm điều cấm. Đồng thời, nếu người dưới 18 tuổi không bị ép buộc mà chủ động tham gia tự uống rượu, bia thì có cấm không?

ĐB Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) cho rằng, quy định như dự thảo dễ làm cho mọi người hiểu chỉ cấm ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia. Còn trên 18 tuổi không cấm nên ép cũng không sao. Thực tế thì 18 tuổi trở lên mới là đối tượng uống rượu, bia nhiều và tuổi đó mới ép nhau nhiều, bạn bè ép nhau, anh em ép nhau, đồng nghiệp ép nhau. Đã có những trường hợp ép nhau mà không uống thì bị cho là coi thường nhau dẫn đến ẩu đả, thù hằn và chém giết nhau cho hả giận.

Thực tế, ở Việt Nam, số người trẻ tuổi uống rượu ngày càng nhiều. Trước kia rượu bia là của người lớn vào những dịp trọng đại thì nay, rượu bia có ở khắp nơi, người trẻ uống nhiều hơn người lớn và cách uống rượu bia nhiều nơi rất hoang dã, rất mất văn hóa, đặc biệt việc ép nhau uống. Uống lấy được, uống cho bằng say và đã xảy ra rất nhiều hệ lụy, nhiều tai nạn đau lòng từ việc này.

Từ thực tế trên, nhiều ĐB thống nhất cho rằng cần có quy định về việc sử dụng rượu bia một cách văn minh, không ép nhau và phải nên có nhiều loại bia rượu để phù hợp với từng người chứ không phải ai cũng uống như nhau…

Hùng - Trung - Nguyên

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/chi-cam-ep-uong-ruou-bia-voi-nguoi-duoi-18-tuoi-vay-tren-18-tuoi-ep-nhau-thoai-mai-641752.ldo