Chỉ các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường

Chiều ngày 17-11-2020, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi), với 443/466 đại biểu tán thành, chiếm 91,91%.

Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) gồm 16 chương, 171 Điều, quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Đáng quan tâm, Luật quy định 07 nguyên tắc bảo vệ môi trường, trong đó nêu rõ bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân. Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển. Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi

Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, công khai, minh bạch; ưu tiên dự báo, phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường, quản lý rủi ro về môi trường, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác giá trị tài nguyên của chất thải…

Các chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường cũng được quy định rõ, trong đó Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường.

Luật cũng quy định cụ thể 14 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường, như: vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Xả nước thải, xả khí thải ra môi trường chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường…

Về đối tượng thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự luật cho biết, kết quả xin ý kiến đại biểu, cả hai phương án đều chưa quá bán tổng số ĐBQH và không có sự khác biệt nhiều. Dự thảo Luật được thông qua đã quy định chỉ các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (Nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Đồng thời, Luật được thông qua cũng được chỉnh lý theo phương án như ý kiến đa số các vị ĐBQH là giao UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư trên địa bàn thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Bộ, cơ quan ngang Bộ, trừ các dự án thuộc trách nhiệm của Bộ TN&MT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Để nâng cao năng lực chuyên môn của các địa phương và tăng cường sự phối hợp, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong quá trình phối hợp với UBND cấp tỉnh thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chi-cac-du-an-co-nguy-co-tac-dong-xau-den-moi-truong-muc-do-cao-moi-phai-danh-gia-so-bo-tac-dong-moi-truong-217784.html