Chi cả trăm triệu đồng gửi 'kim bài sức khỏe' máu cuống rốn

Máu cuống rốn được coi là 'tài sản vàng' để dành phòng bất chắc cho sức khỏe trong tương lai. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần cân nhắc thật kỹ.

Chi cả trăm triệu đồng gửi máu cuống rốn

Sau sinh con, chị Lê Lan Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) và chồng quyết định gửi lại máu cuống rốn cho con tại một bệnh viện tư ở Hà Nội với chi phí 132 triệu đồng.

Chị Hương cho biết đây là chi phí bảo quản trong 10 năm, sau đó gia đình có thể hủy bỏ mẫu bảo quản.

Hai bé đầu sinh từ chục năm trước chưa có kinh tế nên chị Hương không gửi, đến bé thứ ba chị giữ lại. Chị Hương quan niệm đó chỉ là “bảo hiểm” sức khỏe cho các con của mình. Máu cuống rốn này nếu một trong ba con mắc bệnh lý hiểm nghèo đều có thể sử dụng được.

Chị Nguyễn Phương Thanh (Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng làm hợp đồng gửi máu cuống rốn cho con gái đầu lòng với một bệnh viện công ở Hà Nội. Chi phí gửi máu cuống rốn là 25 triệu đồng/năm đầu tiên. Các năm tiếp theo chi phí này chỉ còn 1/10. Với mức chi trả này chị Thanh thấy phù hợp với gia đình mình.

Tế bào gốc máu dây rốn được điều chế trong phòng sạch xử lý vô trùng tại Viện Huyết học và truyền máu trung ương.

Tế bào gốc máu dây rốn được điều chế trong phòng sạch xử lý vô trùng tại Viện Huyết học và truyền máu trung ương.

Trong diễn đàn các bà mẹ mang thai lần đầu, nhiều thai phụ cũng tìm hiểu về dịch vụ lưu trữ máu cuống rốn của con lại lúc sinh.

Chị Hà Thị Nhung (Linh Đàm, Hà Nội) cho biết chị gửi luôn máu cuống rốn của con chị tại bệnh viện phụ sản khi sinh. Các bác sĩ sẽ cắt máu dây rốn và gửi luôn vào ngân hàng để phòng bất trắc trong tương lai.

Chị Nhung cho rằng không ai mong muốn phải sử dụng tới nó nhưng phòng rủi ro. Chi phí chị Nhung gửi là 23 triệu đồng/năm. Các năm tiếp theo đóng 2 triệu đồng/năm, đóng hàng năm nên không quá căng thẳng về tài chính.

Tế bào gốc được sử dụng để điều trị rất nhiều bệnh lý khác nhau. Đó thường là các bệnh mà tế bào của cơ quan đã tổn thương không hồi phục, cần phải thay thế và tái tạo bằng tế bào gốc như: suy tủy xương, ung thư máu, tan máu bẩm sinh, cơ xương khớp, xơ gan, đái tháo đường, tổn thương giác mạc, tổn thương cơ tim, da…

Tế bào gốc máu cuống rốn còn có tiềm năng của y học tái tạo cơ quan, bộ phận cơ thể trong tương lai.

Ai nên gửi?

Theo TS Bạch Quốc Khánh – Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương gửi máu cuống rốn trong trường hợp mắc các bệnh bẩm sinh cần máu dây rốn như não bẩm sinh nhưng đây mới chỉ là nghiên cứu chưa có điều trị thường quy. Khi các cháu bị bệnh người ta sử dụng máu từ dây rốn đó để tiêm vào tủy sống cho trẻ giúp trẻ phục hồi.

Tuy nhiên, khi trẻ bị các bệnh ác tính như ung thư thì chúng ta cũng không dùng máu cuống rốn vì chưa biết bản thân mẫu máu từ tế bào cuống rốn này có an toàn hay không.

Trong trường hợp này, nếu ghép tế bào gốc từ máu cuống rốn thì bác sĩ sẽ dùng tế bào gốc máu dây rốn của các trường hợp khác để ghép cho trẻ.

Trước trào lưu gửi máu cuống rốn cho con sau sinh coi như một tấm “kim bài sức khỏe”, TS Khánh cho rằng chúng ta không cần thiết phải gửi mẫu máu cuống rốn. Vì thực tế trên thế giới người ta từng nghiên cứu cách đây vài năm có 5 – 6 triệu đơn vị máu dây rốn được gửi với hình thức dịch vụ nhưng số sử dụng chưa đến 1 nghìn đơn vị. Điều này cho thấy việc sử dụng máu cuống rốn vô cùng ít.

Hơn nữa, TS Khánh cho biết với một số bệnh ung thư ác tính ghép tế bào gốc cho bệnh nhân chỉ là biện pháp bổ trợ cho người bệnh chống lại tác dụng phụ của các đợt điều trị hóa chất quá mạnh còn tế bào này không tiêu diệt được tế bào ác tính.

Khánh Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/nhung-ai-nen-gui-mau-cuong-ron-khi-sinh-5007980.html