Chỉ bảo hiểm tiền gửi đối với tiền Việt Nam

Ngày 2-11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã trình bày tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG)

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII:

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng đã trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật này.

Theo tờ trình dự án Luật BHTG, pháp luật hiện hành đã có những quy định rõ ràng về mục tiêu của BHTG nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì ổn định của các tổ chức tín dụng. Việt Nam đã áp dụng cơ chế BHTG có hạn mức ngay từ khi thiết lập hệ thống BHTG và ban đầu hạn mức trả tiền bảo hiểm giới hạn ở mức 30 triệu đồng, sau đó được tăng lên 50 triệu đồng.

Việc áp dụng cơ chế BHTG có hạn mức đã giúp giảm thiểu rủi ro đạo đức và phù hợp với thông lệ quốc tế. Pháp luật BHTG cũng quy định việc trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền phải được thực hiện trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Tòa án mở thủ tục phá sản hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác định tổ chức tham gia BHTG không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành về BHTG vẫn còn bất cập chưa phù hợp với hệ thống pháp luật về ngân hàng; đặc biệt là với các quy định tại văn bản pháp luật được hiện hành trong thời gian gần đây làm ảnh hưởng hiệu quả hoạt động của BHTG.

Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật BHTG nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động BHTG, khắc phục những bất cập hiện nay và bảo đảm sự đồng bộ với hệ thống pháp luật chung cũng như tiệm cận với thông lệ quốc tế về BHTG. Đồng thời, việc ban hành Luật BHTG sẽ góp phần duy trì và nâng cao niềm tin của người gửi tiền, góp phần giám sát hiệu quả hoạt động của các tổ chức tham gia nhận tiền gửi, tạo cơ chế xử lý minh bạch và theo nguyên tắc thị trường; đồng thời tạo môi trường hoạt động bình đẳng, khách quan, lành mạnh cho hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, đối với quyền và trách nhiệm người được BHTG, tổ chức tham gia BHTG, tổ chức BHTG, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, dự án Luật này chưa quy định rõ và cụ thể quyền và trách nhiệm của người được BHTG, tổ chức tham gia BHTG, tổ chức BHTG.

Do đó, để thực hiện mục tiêu là bảo vệ lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, Ủy ban Kinh tế Quốc hội yêu cầu dự án Luật cần quy định rõ quyền và trách nhiệm của người gửi tiền, các tổ chức tín dụng, BHTG Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đồng thời quy định rõ các nhóm quyền kinh tế, về cung cấp thông tin… của 3 nhóm đối tượng chịu tác động của Luật, nhất là bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền được bảo hiểm.

Liên quan đến loại tiền gửi được bảo hiểm , Điều 18 của Dự án Luật quy định , tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân, không bảo hiểm đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và các loại tiền gửi khác quy định tại Điều 19 của Dự án Luật. Ủy ban Kinh tế nhất trí với quy định này với lý do cần thực hiện thống nhất chủ trương, chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam.

Chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam ngoài việc cấm sử dụng ngoại tệ trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam, còn không khuyến khích người dân tích trữ ngoại tệ mà nên bán lại cho ngân hàng. Do vậy, không nên quy định bảo hiểm cho các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ. Mặt khác, q uy định như vậy cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, không bảo hiểm tiền gửi ngoại tệ và kim loại quý khác.

Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng chính sách bảo hiểm tiền gửi nên hướng tới bảo vệ số đông người gửi tiền nhỏ lẻ, trường hợp tổ chức tín dụng gặp rủi ro thì vẫn nhận được một khoản tiền gửi tối thiểu; tiếp tục giữ mô hình BHTG như hiện nay và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý.

Đây là loại hình doanh nghiệp được thành lập và hoạt động nhằm giải quyết đổ vỡ dây chuyền của hệ thống tín dụng, không vì mục tiêu lợi nhuận. Trong điều kiện nền kinh tế có nhiều biến động, không nên quy định cố định mức phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức bảo hiểm tiền gửi trong Luật nhằm bảo đảm tính linh hoạt khi thực hiện.

Theo Thông tấn xã Việt Nam

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/557014/chi-bao-hiem-tien-gui-doi-voi-tien-viet-nam-tpol.html