Chỉ bán căn hộ nhà cao tầng trong nội đô cho người có hộ khẩu Hà Nội?

'Chỉ bán, cho thuê nhà cao tầng nội đô cho người có hộ khẩu thường trú tại phường, quận có dự án' là đề xuất của Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng để giảm nhồi dân vào nội đô.

Khu vực nội đô Hà Nội (tính từ đùong vành đai 2 trở vào khu trung tâm), mật độ dân số rất cao. Ảnh: P. Hiếu

Giảm nhồi dân vào nội đô

Tại hội thảo Quản lý phát triển công trình cao tầng khu vực nội đô lịch sử mở rộng thành phố Hà Nội vừa diễn ra trong ngày 25.10, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng mục tiêu giảm dân số nội đô (tính từ đường vành đai II trở vào) từ 1,2 triệu xuống còn 0.8 triệu), trong thực tế đã chứng minh quy định này hầu như không thực hiện được.

Theo Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cần phải có giải pháp hạn chế tối đa tăng dân số cơ học vào nội đô. Từ quan điểm này, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam đưa ra một số giải pháp.

Thứ nhất, chỉ bán, cho thuê nhà cao tầng nội đô cho người có hộ khẩu thường trú tại phường, quận có dự án. Tốt nhất là phục vụ di dân phố cổ chứ không phải là dân phố cổ phải đi sang Long Biên, Gia Lâm còn người ngoại tỉnh lại di dân vào Trung tâm thì sẽ không thành công.

Thứ 2, khi cải tạo, xây dựng khu chung cư cũ, dự án tiểu khu đô thị cần chú trọng yêu cầu thành tiểu khu đồng bộ không chỉ là khu nhà ở như trước đây mà là nhà tổng hợp bao gồm các cửa hàng (thậm chí cả 2 tầng có lối lên xuống thống giữa các tầng nhà), các nhà Văn phòng, các công trình phục vụ công cộng đồng bộ như trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, chợ … để dân không phải di chuyển ngang nhiều gây ách tắc giao thông. Cần phải dành quỹ đất nội đô, kinh phí phù hợp, tổ chức đồng bộ mà trước hết là trách nhiện quản lý nhà nước thì mới triển khai hiệu quả nhà cao tầng tại các khu vực này.

Thứ ba, dành toàn bộ các khu đất khi di dời các cơ quan, nhà máy…. Các khu đất trống. Để phục vụ nhà tái định cư khi cải tạo chung cư cũ, dành quỹ đất xây thêm các công trình công cộng phục vụ xã hội nhà trẻ, mẫu giáo, cung thiếu nhi, vườn hoa, cây xanh. Từ nay không cấp phép xây thêm nhà cao tầng phục vụ nhà ở thương mại trong khu nội đô từ vành đai I trở vào.

Xây sai phép không xử lý gây nhức nhối dư luận

Cũng theo ông Hùng, việc quản lý cấp phép xây nhà cao tầng và xử lý việc xây dựng trái phép đang là vấn đề rất lớn. Hàng loại loạt dự án xây trái phép vượt tầng, vượt mật độ điển hình là Khu Linh Đàm, 8 B Lê Trực, Hàng trăm nhà cao tầng chung cư mini xây vượt vài ba tầng phá vỡ quy hoạch, cảnh quan đô thị đến mức thành phố không thể cấp sổ đỏ… nhưng không được xử lý triệt để gây nhức nhối trong dư luận .

Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định, đa số công trình cao tầng được cấp phép theo cơ chế Xin – cho (và có “giá” của nó khi xin thêm 1, vài tầng cao mà dư luận biết và đặt câu hỏi) mà nguyên nhân là chậm lập và phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1: 500.

“Thiết kế đô thị tuyến phố (kể cả việc phê duyệt so với quy hoạch chung) mà điển hình là 8 B Lê Trực nhà cao tầng Khu Linh Đàm, và hàng loạt công trình cao tầng dày đặc đường Lê Văn Lương kéo dài, khu Kim Mã, Thủ Lệ hiện có phù hợp với quy hoạch chung THủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 1259 năm 2011”, ông Hùng nêu dẫn chứng.

Theo tài liệu dẫn ra từ hội thảo trước năm 1980, cả thành phố Hà Nội chỉ có một công trình cao tầng duy nhất là khách sạn Hà Nội cao 11 tầng. Từ sau quy hoạch chung thành phố Hà Nội được duyệt 1981, với yêu cầu bảo tồn kiến trúc trong khu vực nội đô, các công trình xây dựng phát triển trong gian đoạn này chủ yếu là 4, 5, 7 tầng.

Trước 2004 có khoảng chục công trình cao tầng. Từ 2004 tới nay hơn 200 công trình nhà cao tầng. Và hiện tại vẫn còn 90 dự án cao tầng đang chờ xem xét điều chỉnh.

THÔNG CHÍ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/chi-ban-can-ho-nha-cao-tang-trong-noi-do-cho-nguoi-co-ho-khau-ha-noi-638039.ldo