Chỉ 40% chủ xe mô tô tham gia bảo hiểm bắt buộc

Trong giai đoạn 2008 - 2017, tỷ lệ tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trong tổng số xe đang lưu hành vào khoảng 90% đối với xe ô tô và 40% đối với xe mô tô, theo Bộ Tài chính. Hiện bộ này đang đề nghị Chính phủ xây dựng nghị định mới về bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc.

Bộ Tài chính đề nghị cho phép bán bảo hiểm thông qua các phương tiện điện tử để người mua có thể dễ dàng tiếp cận. Ảnh: TL

Báo cáo đánh giá tác động của chính sách xây dựng Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới do Bộ Tài chính soạn thảo cho thấy trong giai đoạn 10 năm nói trên, lượng xe cơ giới tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới khoảng 110,3 triệu lượt xe các loại. Trong đó, xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh, xe gắn máy chiếm 84,9%; xe ô tô chiếm vào khoảng 10,1%...

Theo đánh giá, tỷ lệ tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới trong tổng số xe đang lưu hành vào khoảng 90% đối với xe ô tô và 40% đối với xe mô tô.

Các doanh nghiệp bảo hiểm đã giải quyết được 593.658 vụ tai nạn giao thông, trong đó có 70.421 trường hợp tử vong. Tổng số tiền bồi thường giai đoạn 2008-2017 khoảng 5.300 tỉ đồng (chưa kể dự phòng bồi thường gần 2.000 tỉ đồng). Trong đó, bồi thường về người khoảng 2.950 tỉ đồng, về tài sản khoảng 2.350 tỉ đồng.

Lý giải nguyên nhân việc thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô thấp, Bộ Tài chính cho rằng một số nội dung của chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới hiện không còn phù hợp và chưa đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, một số nội dung chưa được quy định rõ dẫn đến cách hiểu khác nhau giữa các doanh nghiệp bảo hiểm, giữa doanh nghiệp bảo hiểm và cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan như phạm vi bồi thường thiệt hại; trường hợp loại trừ bảo hiểm khi lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe...

Hành vi gian lận bảo hiểm diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp, dưới nhiều hình thức và diễn ra tại hầu hết các khâu của chuỗi giá trị trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Một số trường hợp còn có sự tiếp tay của nhân viên của doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm nên công tác phòng, chống và xác minh hành vi gian lận bảo hiểm ngày càng gặp nhiều khó khăn.

"Một số quy định hiện hành chưa theo kịp với thực tiễn phát triển của thị trường, chưa tạo lập được cơ sở pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai mở rộng hình thức tiếp cận, phục vụ khách hàng (bán hàng trực tuyến, cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử; kéo dài thời hạn bảo hiểm...)", Bộ Tài chính viết trong báo cáo.

Với dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP và 214/2013/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, Bộ Tài chính đưa ra giải pháp cho phép bán bảo hiểm thông qua các phương tiện điện tử để người mua có thể dễ dàng tiếp cận.

"Bỏ quy định về mẫu và việc triển khai theo mẫu Giấy chứng nhận bảo hiểm mà chỉ quy định những thông tin bắt buộc để doanh nghiệp chủ động; ứng dụng công nghệ thông tin trong cấp giấy chứng nhận (bán bảo hiểm qua các phương tiện điện tử như internet, mạng viễn thông, ứng dụng chữ ký điện tử, chữ ký số)", cơ quan này đề xuất.

Thời hạn bảo hiểm cũng được quy định linh hoạt hơn theo hướng cho phép giao kết hợp đồng bảo hiểm có thời hạn dài hơn 1 năm đối với các loại xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy nhằm mục tiêu thúc đẩy việc triển khai bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe mô tô đã nêu ở điểm trên.

Hải Minh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/282631/chi-40-chu-xe-mo-to-tham-gia-bao-hiem-bat-buoc.html