Chỉ 35% sách giáo khoa sử dụng lại được còn 65% là 'bỏ đi'

Sách giáo khoa được xem như là giáo trình chuẩn để học sinh bám theo đó học tập kiến thức theo chương trình học Bộ GDĐT đưa ra, ở đây cần phân biệt rõ sách giáo khoa và sách bài tập bởi như trong thiết kế sách trước đây phần lý thuyết và thực hành bài tập tách rời nhau, học sinh giải bài tập sau mỗi bài học ra vở ở ngoài sách. Còn từ khi bộ SGK mới được đưa vào sử dụng (2002), tới nay đã bộc lộ rõ nhiều bất cập…

Câu chuyện về sách giáo khoa “nóng” trên mọi diễn đàn trong suốt hai tháng qua có lẽ là bởi những câu trả lời chưa thực sự sâu sát và thỏa đáng với vấn đề dư luận quan tâm, đặc biệt là với hai vấn đề thiếu sách giáo khoa đầu năm học, liệu có lợi ích nhóm trong biên soạn và phát hành sách giáo khoa và những ‘gợi ý’ để học sinh điền trực tiếp vào sách giáo khoa. Thực tế là nhiều cuốn sách giáo khoa ngay từ lớp 1 trong chương trình phổ thông đã có những phần nội dung được hướng dẫn ghi trực tiếp vào sách.

Trước thực trạng học sinh trong quá trình học đã điền trực tiếp vào SGK, gây ra lãng phí và để sách có thể tái sử dụng cho các năm học sau, ngày 24/9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ra chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Lý giải về việc trong SGK có những phần để học sinh ghi trực tiếp vào sách là do quá trình biên soạn sách giáo khoa, các tác giả đã thiết kế một số bảng số liệu để trống nhằm hướng dẫn học sinh tiến hành các thí nghiệm; xây dựng hệ thống bài tập đa dạng về hình thức (tự luận, trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi) nhằm rèn luyện cho học sinh các thao tác tư duy phù hợp với từng nội dung kiến thức, hướng dẫn học sinh tự học, đồng thời giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập khác nhau trong kiểm tra, đánh giá theo xu hướng chung của các nước trên thế giới.

Theo chỉ thị, để học sinh không viết vào SGK trong quá trình thực hiện các hoạt động học, Bộ yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng SGK, nhắc nhở học sinh có ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào sách để sử dụng SGK được lâu bền. Tuy nhiên, việc sử dụng lại SGK hiện mới đạt khoảng 35%, đồng nghĩa với việc 65% còn lại bị không dùng lại được.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, tăng tỉ lệ SGK được sử dụng lại nhiều lần, Bộ trưởng Bộ GDĐT yêu cầu Giám đốc các cơ sở GDĐT chỉ đạo các phòng GDĐT, các CSGD phổ thông ở địa phương chỉ đạo giáo viên tiếp tục thực hiện nghiêm hướng dẫn, tổ chức quán triệt đến từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn, bảo quản SGK để sử dụng và sử dụng lại lâu bền, hướng dẫn học sinh nghiên cứu SGK để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả vào vở, không viết, vẽ vào SGK. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm quy định Thông tư 21/2014/TT-BGDĐT.

Đồng thời, Giám đốc các cơ sở GDĐT cần phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sử dụng SGK và xuất bản phẩm tham khảo trong các CSGD phổ thông; xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.

Cũng theo chỉ thị này, Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam phải tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành SGK hiện hành để có phương án chỉnh sửa bản thảo SGK nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào SGK trong quá trình học tập, và báo cáo Bộ về kết quả rà soát, đánh giá và phương án chỉnh sửa bản thảo SGK trước khi tái bản.

Có thể nói, đây là những nỗ lực của Bộ GDĐT trước những tồn tại, bất cập về sử dụng SGK, để sao cho đỡ lãng phí nhiều tỉ đồng mỗi năm, thế nhưng liệu hiệu quả có được như mong đợi nhất là trong năm học tới (2019-200), theo kế hoạch của Bộ này, học sinh lớp 1 sẽ bắt đầu học bộ SGK mới, và các năm tiếp theo sẽ là các lớp 6 và lớp 10.

Minh Vy

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/giao-duc/chi-35-sach-giao-khoa-su-dung-lai-duoc-con-65-la-bo-di-366438.html