Chỉ 30% xe máy tham gia bảo hiểm, vì sao?

Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới đã thực hiện được hơn 10 năm. Tuy nhiên, tỷ lệ xe máy tham gia bảo hiểm mới chỉ đạt khoảng 30%. Điều này cho thấy, người dân chưa mặn mà với bảo hiểm xe máy. Vậy, nguyên nhân do đâu?

Tỷ lệ bồi thường bảo hiểm bắt buộc xe máy chỉ khoảng 6%

Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16-9-2008 về chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm đã giải quyết bồi thường bảo hiểm cho 593.658 vụ tai nạn giao thông với số tiền trung bình 9 triệu đồng/vụ; trong đó có 101.214 vụ tai nạn xe máy với số tiền trung bình 5 triệu đồng/vụ.

Riêng năm 2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc xe máy là 765 tỷ đồng, số tiền bồi thường là 45 tỷ đồng. Như vậy, tính ra, tỷ lệ bồi thường trên tổng doanh thu đối với bảo hiểm xe máy chỉ khoảng 6%.

Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự là giấy tờ phải có khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: Internet

Đáng chú ý, tỷ lệ tham gia bảo hiểm của xe máy chỉ đạt khoảng 30% trong tổng số gần 60 triệu xe máy so với tỷ lệ tham gia lên đến 90% đối với xe ô tô trong tổng số trên 3 triệu xe ô tô.

Bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với chủ xe máy là loại bảo hiểm mà công ty bảo hiểm sẽ thay chủ xe để bồi thường cho quyền lợi của nạn nhân (bên thứ ba) nếu chủ xe không may gây tai nạn. Pháp luật bắt buộc chủ xe phải mua bảo hiểm này nhằm khi xảy ra tai nạn giao thông, nạn nhân luôn nhận được quyền lợi bồi thường từ phía công ty bảo hiểm dù người gây tai nạn có điều kiện tài chính hay không.

Với tính nhân văn đó, lẽ ra việc mua bảo hiểm bắt buộc TNDS với chủ xe máy được người dân đón nhận. Tuy nhiên, tỷ lệ xe máy tham gia bảo hiểm ở mức thấp.

Lý giải nguyên nhân trên, bà Nguyễn Thị Vân Anh, phụ trách Marketing và truyền thông Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cho rằng, do người dân chưa hiểu được hết các quyền lợi của mình được hưởng. Ngoài ra, do tâm lý ngần ngại nên nhiều người dân tự thỏa thuận bồi thường cho người bị hại hơn là chờ đợi các thủ tục bồi thường từ doanh nghiệp bảo hiểm.

Hồ sơ bồi thường bảo hiểm gồm chủ xe có trách nhiệm cung cấp các tài liệu liên quan đến xe, lái xe (giấy đăng ký, giấy phép lái xe, giấy tờ tùy thân của lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm); tài liệu chứng minh thiệt hại về người; tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản; doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập các bản sao tài liệu của cơ quan có thẩm quyền về vụ tai nạn (cảnh sát giao thông, cơ quan cảnh sát điều tra…). Thông thường, sau 15 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả bồi thường.

Sẽ đơn giản hóa thủ tục bồi thường

Thực tế cho thấy, với thủ tục rườm rà trên, nhiều người dân mua bảo hiểm chỉ để đối phó khi lực lượng chức năng kiểm tra, chứ không trông chờ vào việc được bảo hiểm chi trả khi xảy ra tai nạn.

Anh Nguyễn Huy Thắng (chung cư An Bình City, quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Thủ tục bồi thường bảo hiểm xe máy khá phức tạp, phải chờ đợi lâu. Điều này đã không khuyến khích được người dân tham gia bảo hiểm dù biết đó là việc bắt buộc. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến người dân đổ xô đi mua bảo hiểm như một cách đối phó với cơ quan chức năng trong những ngày vừa qua”.

Những ngày qua, nhiều người đổ xô mua bảo hiểm xe máy.

Ngoài ra, theo anh Thắng, mức bồi thường cũng là yếu tố khiến tỷ lệ xe máy tham gia bảo hiểm thấp. Trên thực tế, có những vụ tai nạn giao thông, hậu quả thiệt hại về người lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng khi nạn nhân phải nhập viện điều trị dài ngày rồi tử vong nhưng bảo hiểm quy định mức trách nhiệm bảo hiểm thiệt hại về người chỉ là 100 triệu đồng.

Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Phùng Ngọc Khánh cũng thừa nhận thủ tục bồi thường bảo hiểm xe máy cần sửa đổi, bổ sung. Ông Khánh cho rằng, mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định hiện hành chưa theo kịp với biến động ngày càng tăng về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí sửa chữa, thay thế tài sản bị thiệt hại...

Để giải quyết tình trạng trên, theo Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP theo hướng đơn giản hóa thủ tục hồ sơ bồi thường, giảm nhẹ gánh nặng thủ tục cho chủ xe, lái xe, tăng tính chủ động và trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thu thập hồ sơ bồi thường, rút ngắn thời gian tạm ứng bồi thường; mở rộng phạm vi và mức chi hỗ trợ bồi thường nhân đạo từ Quỹ bảo hiểm xe cơ giới; tăng cường giám sát hậu kiểm nhằm tránh trục lợi bảo hiểm.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã yêu cầu Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm khẩn trương hoàn thiện để Bộ trình Chính phủ dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới (thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16-9-2008 của Chính phủ) ngay trong tháng 5 này.

Hương Thủy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/968332/chi-30-xe-may-tham-gia-bao-hiem-vi-sao