Chỉ 30% trẻ em Việt Nam từ 6-14 tuổi biết bơi

Đó là thông tin được đưa ra trong hội thảo đánh giá sơ bộ Chương trình Can thiệp phòng chống đuối nước trẻ em tại 8 tỉnh của Việt Nam diễn ra sáng ngày 25/6 tại Hà Nội.

Hội thảo đánh giá sơ bộ Chương trình Can thiệp phòng chống đuối nước trẻ em tại 8 tỉnh của Việt Nam diễn ra sáng ngày 25/6 tại Hà Nội.

Hội thảo đánh giá sơ bộ Chương trình Can thiệp phòng chống đuối nước trẻ em tại 8 tỉnh của Việt Nam diễn ra sáng ngày 25/6 tại Hà Nội.

Theo báo cáo đánh giá của Trường ĐH Y tế công cộng, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em Việt Nam. Cụ thể, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000-2.500 trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước. Con số này cao hơn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 8 lần các nước có thu nhập cao, làm ảnh hưởng đến quyền của trẻ, đặc biệt là quyền sống còn.

Nguyên nhân chính là do trẻ thiếu các kỹ năng an toàn và do sự xao nhãng, bất cẩn của cha mẹ, người giám hộ. Theo khảo sát, chỉ có 30% trẻ em từ 6-14 tuổi biết bơi, trên 50% trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông, suối và tắm biển không có người lớn đi kèm.

Việc dạy bơi tại một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn do thiếu đội ngũ giáo viên dạy bơi, thiếu bể bơi, nhất là các địa phương nghèo, vùng sâu vùng xa.

Trước thực trạng đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ từ thiện Bloomberg, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) và Tổ chức vận động chính sách y tế toàn cầu Hoa Kỳ (GHAI) tổ chức triển khai Chương trình hợp tác về phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam.

PGS.TS. Phạm Việt Cường, Trường ĐH Y tế Công cộng báo cáo đánh giá kết quả sơ bộ chương trình.

Chương trình can thiệp bắt đầu triển khai từ tháng 1/2019 tại 21 huyện của 8 tỉnh trên cả nước, gồm có: Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Đắk Lắk. Đây cũng là những địa phương có tỷ lệ trẻ em tử vong vì đuối nước cao nhất cả nước.

Ba can thiệp chính để giảm các yếu tố rủi ro, tăng cường bảo vệ an toàn cho trẻ em bao gồm: dạy bơi an toàn, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước, tăng cường giám sát trẻ em tại gia đình và nhà trường.

Kết quả sơ bộ của chương trình được đánh giá là đáng khích lệ, với 8.915 trẻ em được dạy bơi an toàn; 90,9% đạt tiêu chuẩn biết bơi an toàn; 4.778 cha mẹ có con dưới 6 tuổi và 765 giáo viên mầm non được đào tạo kỹ năng giám sát trẻ an toàn để phòng tránh đuối nước.

Tỷ lệ biết bơi chung hiện nay tại 8 tỉnh thực hiện chương trình là 25.5% so với 14,7% vào thời điểm trước can thiệp (năm 2018).

Cũng theo báo cáo, 90% phụ huynh hài lòng với các lớp dạy bơi an toàn của chương trình. 42,2% phụ huynh sẵn sàng chi trả 500 nghìn đồng cho các hoạt động dạy bơi; 36,3% sẵn sàng chi trả 300-500 nghìn đồng; 21,5% sẵn sàng chi tối thiểu dưới 200 nghìn đồng.

Tỷ lệ phụ huynh đồng ý mức chi trả cao cho khóa học của chương trình ở các tỉnh như Thanh Hóa, Quảng Bình và Lào Cai. Tỷ lệ này thấp hơn ở Đồng Tháp, Sóc Trăng và Ninh Bình.

Chương trình lắp đặt và tài trợ 8 bể bơi mới, huy động được 35 bể bơi để tổ chức các lớp học bơi tại 8 tỉnh.

Mặc dù đã đạt được những thành công ban đầu, song tỷ lệ trẻ em biết bơi ở 8 tỉnh này vẫn ở mức khá thấp. Chính vì thế, ban quản lý chương trình đề xuất xây dựng kế hoạch 3-5 năm phòng chống đuối nước ở địa phương, không chỉ dựa trên sự hỗ trợ của chương trình mà nên mở rộng sự tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp tư nhân.

“Chương trình sẽ kết thúc sau một số năm can thiệp, vì thế các địa phương cần nâng cao tính tự chủ, sự chủ động và đưa các hoạt động chương trình thành hoạt động thường quy” - PGS.TS. Phạm Việt Cường, Trường ĐH Y tế công cộng đề xuất trong báo cáo.

8.915 trẻ em đã được dạy bơi an toàn trong vòng 1 năm thực hiện chương trình can thiệp. Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Chia sẻ tại hội thảo, bà Đoàn Thị Thu Huyền - Giám đốc quốc gia Tổ chức GHAI cho biết, để có được sự thành công ban đầu này, không chỉ nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các lãnh đạo ban ngành, mà còn nhờ chính các tấm gương điển hình từ cộng đồng, địa phương.

“Nhiều gia đình đã tình nguyện chia sẻ bể bơi tư nhân cho chúng tôi sử dụng, các trung tâm văn hóa huyện cũng ưu tiên bể bơi cho các cháu học bơi, các phụ huynh đồng bào dân tộc thiểu số đã nỗ lực đưa con đi hơn 20km mỗi ngày để học bơi, những thầy cô dạy bơi miễn phí cho trẻ…”.

Bà Huyền cũng khẳng định, cùng với các ban ngành, GHAI và Quỹ Từ thiện Bloomberg sẽ làm tất cả vì sự an toàn của trẻ em Việt Nam. “Chúng tôi tự hào được đồng hành cùng Việt Nam trong 3 năm tới để triển khai chương trình này”.

“GHAI, với kinh nghiệm của tổ chức hàng đầu Hoa Kỳ về vận động chính sách và y tế công cộng trong nhiều thập kỷ qua tại hơn 60 quốc gia/ vũng lãnh thổ, chúng tôi tin tưởng sự hợp tác của các bên liên quan là mấu chốt làm nên thành công cho một chương trình bền vững”, bà Huyền chia sẻ.

Nguyễn Thảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/chi-30-tre-em-viet-nam-tu-6-14-tuoi-biet-boi-651782.html