Chi 10.000 tỷ cho hạ tầng giao thông, TP.HCM đầu tư chỉ ngang Hải Phòng

TP.HCM rót 10.000 tỷ đồng/năm cho hạ tầng giao thông. Mức đầu tư này chỉ ngang với Hải Phòng - thành phố có 2 triệu dân...

Báo cáo với đoàn giám sát của HĐND TP.HCM về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án giao thông trọng điểm, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết ngành giao thông được TP quan tâm và bố trí nguồn vốn lớn để thực hiện chương trình đột phá hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm báo cáo đoàn giám sát của HĐND TP.HCM về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án giao thông trọng điểm

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm báo cáo đoàn giám sát của HĐND TP.HCM về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án giao thông trọng điểm

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giao thông TP.HCM cho rằng kinh phí đầu tư cho ngành giao thông đem so với một số tỉnh thành khác thì còn hạn chế.

Ông lấy ví dụ năm 2019, TP Hải Phòng dành khoảng 10.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Trong khi đó, TP.HCM trong cả giai đoạn từ 2015-2020 vốn dành cho giao thông chỉ hơn 50.000 nghìn tỷ, trong đó ngân sách dành cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chiếm đến 50%.

Ông Lâm đưa ra so sánh này để thấy được quy mô của TP.HCM lớn gấp nhiều lần so với Hải Phòng. Cụ thể, dân số Hải Phòng khoảng 2 triệu dân, số km chiều dài đường giao thông bằng 1/10 so với TP.HCM nhưng kinh phí đầu tư hạ tầng giao thông gần như tương đương. Việc này thể hiện sự bất cập, thiếu đồng bộ, dẫn đến quy hoạch giao thông của TP.HCM hiện nay chậm hơn so với các khu vực khác.

Nhận xét về hạ tầng giao thông của TP hiện nay, ông Lâm cho biết vẫn còn thua kém so với một số khu vực và quy hoạch giao thông của TP chậm so với quy hoạch được duyệt.

Theo quy hoạch được duyệt thì đường vành đai 2 đến năm 2020 hoàn thành nhưng đến nay dự án vẫn đang ì ạch. Đường vành đai 3 cũng tương tự nhưng đến nay nhiều đoạn vẫn chưa đầu tư và chưa thể khép kín.

Đường cao tốc, theo quy hoạch kết nối TP.HCM với các vùng kinh tế khác sẽ có 5 tuyến nhưng đến nay chỉ mới có 2 tuyến.

"Nếu so sánh với đồng bằng Sông Hồng thì hệ thống đường cao tốc ở khu vực này đã cơ bản. Còn theo quy hoạch thì hiện nay toàn bộ đường sắt, cao tốc, đường vành đai… trên địa bàn TP.HCM đều trễ hết. Như vậy, nếu không đầu tư vào hạ tầng giao thông thì đến năm 2025 năng lực đáp ứng vượt mức 1,55 lần, rồi 2030 sẽ vượt mức 1,6 lần nếu như chiếu theo mức độ tăng số lượng phương tiện 9,6% mỗi năm"- ông Lâm nhận xét.

Dù vậy, người đứng đầu Sở vẫn cho rằng trước các yếu tố bất lợi như quy hoạch giao thông chậm, dân số tăng, phương tiện tăng nhưng từ năm 2015 đến nay, tình hình ùn tắc, tai nạn giao thông đều giảm. 172 dự án thuộc chương trình giảm ùn tắc, tai nạn giao thông thì đến nay đã có 78 dự án khởi công và 39 dự án hoàn thành.

Kẹt xe kéo dài trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh

'Khai tử' hai dự án BOT, rà soát 13 dự án BT

Trước đó, báo cáo với đoàn giám sát của HĐND TP.HCM, ông Nguyễn Trung Anh - Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, hiện UBND TP đang giao cho các sở ngành rà soát lại các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư PPP (BOT, BT). Trong đó, có 13 dự án thực hiện theo hình thức BT.

Hiện sở đã rà soát 10 dự án này và trên tinh thần hoàn thiện pháp lý để tiếp tục triển khai.

Ông cũng thông tin 2 dự án BOT gồm dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) và cầu đường Bình Triệu 2 (Bình Thạnh) đang đàm phán để chấm dứt hợp đồng.

Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết 2 dự án BOT đang triển khai mà dừng lại khi chuyển từ đầu tư từ PPP sang đầu tư công thì chưa có tiền lệ. Việc dừng dự án là thực hiện theo nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuấn Kiệt

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an-toan-giao-thong/rot-10-000-ty-dong-moi-nam-nganh-giao-thong-tp-hcm-van-than-thieu-von-647891.html