Chỉ 1/3 số cơ sở sản xuất tại Indonesia còn hoạt động do dịch COVID-19

Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia cho hay hiện chỉ còn 15.000 trên tổng số 40.000 cơ sở sản xuất vẫn còn hoạt động và 4,7 triệu trong tổng số 17 triệu công nhân vẫn đang làm việc.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Tây Java, Indonesia ngày 4/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Tây Java, Indonesia ngày 4/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto mới đây cho biết, hoạt động sản xuất tại quốc gia này đã sụt giảm mạnh do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khi chỉ 1/3 cơ sở sản xuất của nước này còn hoạt động.

Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến hôm 30/4, Bộ trưởng Airlangga cho hay hiện chỉ còn 15.000 trong tổng số 40.000 cơ sở sản xuất vẫn còn hoạt động.

Trong khi đó, 4,7 triệu trong tổng số 17 triệu công nhân thuộc lĩnh vực sản xuất vẫn đang làm việc.

Nhấn mạnh rằng lĩnh vực sản xuất đóng góp tới 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), ông Airlangga bày tỏ hy vọng các cơ sở sản xuất sẽ nhanh chóng khôi phục hoạt động khi tình hình trở lại bình thường sau đại dịch COVID-19.

Nhiều doanh nghiệp Indonesia đã phải tạm thời đóng cửa hoặc đang phải hoạt động cầm chừng sau khi Chính phủ nước này áp đặt các lệnh hạn chế xã hội quy mô lớn nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Trong khi đó, kết quả một cuộc khảo sát của IHS Markit cho thấy hoạt động sản xuất của Indonesia đã giảm xuống mức thấp lịch sử.

Cụ thể, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Indonesia đã giảm xuống 45,3 điểm vào tháng Ba từ mức 51,9 vào tháng Hai, mức kém nhất 9 năm kể từ khi cuộc khảo sát này được tiến hành.

Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất được Bộ Nhân lực Indonesia công bố ngày 20/4 vừa qua, có tới 2,2 triệu người lao động nước này bị mất việc.

Chính phủ Indonesia đã công bố các chương trình ưu đãi thuế cho ngành sản xuất, bao gồm miễn thuế thu nhập cá nhân, hoãn thu thuế nhập khẩu và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hồi đầu tháng Tư, Chính phủ Indonesia cũng khởi động chương trình thẻ việc làm - trong đó kết hợp trợ cấp thất nghiệp và chương trình đào tạo nghề - dành cho những người lao động hoặc các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Bộ trưởng Airlangga cho biết, các doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi với điều kiện không sa thải các lao động.

Ông Airlangga cũng hy vọng rằng các ưu đãi này trở thành “bộ đệm” giúp bảo vệ người lao động.

Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng cắt giảm mức đóng phí bảo hiểm đối với các công ty cam kết không sa thải lao động.

Theo đó, các công ty có thể được miễn giảm tới 90% phí bảo hiểm tai nạn lao động và phí bảo hiểm xã hội.

Bộ trưởng Nhân lực Indonesia Ida Fauziyah hy vọng rằng việc cắt giảm phí bảo hiểm sẽ giúp các công ty chi trả tiền thưởng tết lễ nhân lễ Idul Fitri sắp tới./.

Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chi-13-so-co-so-san-xuat-tai-indonesia-con-hoat-dong-do-dich-covid19/638034.vnp