Chết vì 'miệng lưỡi thế gian': Những tiếng chuông đớn đau, cảnh tỉnh

Mỗi ngày, báo chí phải nhận thêm thông tin về những cái chết đau lòng, những cái chết có nguồn gốc sâu xa là đến từ 'miệng lưỡi thế gian', từ đám đông và cả những thói quen có phần 'man rợ'. Lời của đám đông có sức mạnh sát thương ghê gớm...

Nhiều cái chết đau lòng chỉ vì sự đàm tiếu của dư luận. Ảnh minh họa

Những cái chết đau lòng

Cái chết trong tư thế treo cổ của một gia đình 4 người ở một xã miền núi Kỳ Anh, Hà Tĩnh mới đây khiến nhiều người bàng hoàng.

Một người đàn ông trộm chó bị đánh hội đồng đến chết.

Một người đàn ông trộm chó khác cũng bị dân làng bắt giữ và nhốt vào chuồng cùng với con chó đã chết.

Một thanh niên 33 tuổi ở Gia Lai bị nhiều người dân khu vực Nhà thờ Duy Hòa (phường Khánh Xuân, TP.Buôn Ma Thuột) vây đánh vì bị nghi ngờ bắt cóc trẻ em.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết của gia đình anh N.T.T (29 tuổi ở xã Kỳ Hợp, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) mới đây, theo cơ quan chức năng, chính là “những lời ra tiếng vào của hàng xóm”. Sự việc bắt nguồn từ chuyện anh này lấy trộm điện thoại của một người khác, bị hàng xóm đồn đoán và lời ra tiếng vào.

Trong bức thư tuyệt mệnh để lại, người đàn ông xấu số đã ghi những dòng đau xót: “Mong mọi người hiểu và cảm thông cho chúng tôi. Cuộc sống này chán lắm, mọi người à, bao nhiêu áp lực buồn phiền bế tắc dường như không có lối thoát với chúng tôi”.

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, cái chết vì treo cổ của nạn nhân N.T.T là lời cảnh báo đối với xã hội. “Chúng ta có thể mất đi những người thân, người bạn tốt chỉ vì những lời nói vô tình. Con người, ai cũng có những sai lầm. Và vì thế mà cần đến sự rộng lượng, nhân văn của những người xung quanh. Nếu lúc nào cũng khắt khe, chúng ta có thể sẽ phải trả giá bằng những cái kết đau lòng”.

“Mạng chó, mạng người” là cách so sánh đau lòng về cái giá của những người trộm chó. Trong khi dư luận lên án gay gắt, giận dữ với những người trộm chó thì dư luận cũng chứng kiến những cái chết đau đớn vì trộm chó.

Nếu hành vi trộm chó đáng lên án thì việc đánh chết người trộm chó còn đáng bị phê phán hơn. Nó quá kinh khủng, man rợ và không thể chấp nhận được ở một xã hội văn minh!

Quyền lực đám đông

Đặt ra những câu hỏi về góc độ pháp luật, nhà văn Chu Lai - tác giả “Mưa đỏ” - nhấn mạnh, cẩu tặc hay bất cứ loại đạo tặc nào cũng là con người. Việc phạm luật thì phải được xử lý bằng pháp luật chứ không phải bằng “quyền lực đám đông” đầy cảm tính. Một xã hội pháp quyền không chấp nhận bất cứ hành vi nào nhân danh tập thể, nhân danh lẽ công bằng chung chung để tự xử, đoạt mạng người khác.

Cái chết của nam thanh niên 33 tuổi ở huyện Cư M’Gar, Gia Lai vì sự nghi ngờ tội bắt cóc trẻ em hiện vẫn đang được cơ quan chức năng làm rõ.

Về vấn đề này, luật sư Minh Anh (Văn phòng luật sư Trí Minh) phân tích: “Đối với những người dân đánh hội đồng gây ra cái chết với người khác là rất khó xử lý. Đây là hành động bột phát do không kiểm soát được cảm xúc cộng với tâm lý đám đông.

Nếu người dân đã cố tình cùng nhận tội tập thể thì cơ quan chức năng càng khó xác định những người trực tiếp phạm tội. Đã không ít vụ đánh chết người đi trộm chó, cả làng từ người già đến trẻ em ký vào đơn xác nhận đánh chết kẻ trộm chó nên thường các vụ án này đều vào ngõ cụt”.

ĐÀO BÍCH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/dien-dan/chet-vi-mieng-luoi-the-gian-nhung-tieng-chuong-don-dau-canh-tinh-637935.ldo