Chết ở Cửu Long

LTS: 'Mekong - phù sa phiêu bạt' là hành trình du ký của nhà báo Khải Đơn, tìm đến những ngóc ngách ẩn mật của năm quốc gia hạ nguồn đang thụ hưởng nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhân văn mà dòng Mekong mang lại: Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam, để khám phá một đời sống che đậy bên dưới cái lạ, cái mới, sự hào nhoáng bề mặt, và lưu giữ lại trên trang viết những con người bình thường, những cảnh sống trôi nổi, những sinh phần buồn bã... Người Đô Thị trích đăng một phần nội dung của hành trình du ký đầy cảm nghiệm dấn thân, thấu hiểu và yêu thương của một nhà báo cá tính.

Người đàn ông dong chiếc đò mỏng manh ra khỏi cửa sông. Ngoài kia là nước biển. Không lẫn được. Nước sông đục, trong khi biển sạm dần rồi xanh biếc ra. Thuyền lả lướt như mảnh lá không định điểm rơi. Ông đi tìm mộ đứa con mình ngoài cồn kia. Cái cồn đó là doi đất vừa biến mất dưới dòng nước sau một đợt lở bờ dữ dội.

Hình ảnh đó, thầy giáo tôi thu vào một cuốn phim. Tôi muốn hỏi xem người đàn ông ấy có tìm được mộ con không nhưng đã im lặng. Trong phim, người đàn ông trở vào. Mất xác con. Mất cồn. Mất mái lá xanh xao đọng trong mắt. Xanh thẳm có thể nuốt chửng cả vùng đất tím dài kéo ra tới biển.

Mộ phần là biểu tượng nhắc người sống về sự tồn vong của gốc rễ. Họ từng yêu lắm một ai. Họ từng có cha đứng chờ trên đò. Họ từng có má phơi cá trên đồng nắng. Người chuyển động. Thở. Mất đi. Đã có mộ phần làm mỏ neo. Người sống nhận ra mình không chỉ sống vì một ai đó còn thở, mà còn sống trong lưu dấu của người đã rời cõi trần. Nhưng ở Mekong thì sao? Nếu mộ phần rã theo làn nước và trôi ra biển?

Với những cù lao lở dần ở An Giang, Đồng Tháp, sự sinh tồn của người nông dân lam lũ giờ đây bất định hơn bao giờ hết. Ảnh: Khải Đơn

Tôi hỏi người đàn ông búi tóc và mặc bộ bà ba màu lam nhạt, dấu chỉ cho thấy ông theo đạo Hòa Hảo. Một tôn giáo ít nhiều xa lạ với tất cả những đứa trẻ chưa từng lớn lên ở Mekong. Sông Vàm Nao cứa qua cù lao Phú Tân, gỡ từng khối đất, bẻ từng cọc bê tông và cấu trúc nhà cửa nhận chìm xuống nước. Sông cười vào tất cả những tự mãn và hào nhoáng của con người. Kè sông. Kè biển. Trục sắt đúc bê tông khối. Luồng sóng cắn nát cả một quãng Quốc lộ 91. Ông già nói: “Nước lũ lên, nhiều khi mộ phần trôi đi. Người đạo tui sống lấy việc thiện làm bổn phần. Đức Thầy dạy vậy. Mình chết sống biết ngày nào đâu, đường nào cũng ra sông. Mà ra sông thì làm phù sa thôi chứ gì...”.

Ý nghĩ thân thể mình mềm đi, tan vào nước, trở thành phù sa thật kỳ lạ. Hạt cát mỏng lang thang đâu đó trên dòng chảy, bấu nhẹ vào thân mềm cỏ cây, làm bụi lục bình nở tím biếc quãng sông, làm xanh mướt những dải đồng lá mềm như nhung. Con cá quẫy đạp. Phù sa có thể nhìn thấy mắt cá mỉm cười. Thấy con cái lớn lên. Thấy tình yêu kéo dài và tạo sinh thành đồng bằng. Hay trôi ra biển. Thấy cuộc đời trước mặt mềm mại như sóng xanh khơi khơi lan đi cùng trời cuối đất. Ước gì người đàn ông dong đò ra khơi tìm xác con trong buổi cồn lở được nghe ý niệm đó của ông lão tôi gặp ở Phú Tân, chắc tim sẽ yên bình đôi chút trong cơn đau đáu kiếm tìm vô vọng.

Cái chết ở Mekong thường mỏng như làn khói. Nó được định danh trong buổi chuyện trò. Người rời bỏ sự sống thảng hoặc được nhớ lại, nhắc tên, vẩn vương đâu đó trong cảnh huống quá khứ lẫn lộn mà người kể chuyện từng có họ đâu đó giữa đời.

“Đứa con gái mười chín tuổi, con của cô, nó yêu thằng Din cồn bên, rồi thằng đó lên Sài Gòn mần ăn. Đi mất dạng mấy năm trời. Thằng Din về quê lại bồng bế vợ con theo. Con bé đi chợ về nhìn thấy xe máy chở người công kênh rồi vượt dốc lên cồn. Nó chạy về nhà khóc như mưa. Đêm đó uống thuốc rầy rồi đi luôn. Cô với chú giờ cứ vầy cho qua ngày tháng. Chú nhớ con tới ngẩn ngơ”.

“Cô hay mơ thấy hai thằng nó về con ạ. Sớm đó thằng anh còn bảo để nay nó đi làm thay thằng em. Mà thằng em không hiểu sao cũng ra công trường.

Cây cầu sập. Cô chạy ra thì người ta bảo con bà chôn đâu lút dưới đám cọc. Lúc lôi được nó ra cũng mấy ngày. Anh em nó giống nhau lắm con. Thằng em thương má vất vả, nó làm giả chứng minh để đi làm đó con, bảo làm có tiền cho má. Nó không đi làm thì đâu có chết, nó lên Sài Gòn làm rồi mà làm được nhiêu đâu vào tiền cơm tiền nhà hết. Cứ tưởng con về gần mình thì mình đỡ lo. Vậy mà ở ngay nhà mà nó bỏ mình đi mất”.

“Ba nó bồng bế hai đứa về đây rồi đi mất dạng sáu năm rồi. Mình làm ông không lẽ bỏ cháu bơ vơ. Mẹ tụi nhỏ chết bệnh. Hồi còn bồng nó khóc suốt ngày suốt đêm. Tới khi quen hơi ông mới ngừng khóc. Mà thả ra cái là không ngủ. Con nhỏ nó cũng biết đó, nó biết mất người ôm ấp, tưng tiu”.

Cái chết ở Mekong thường giáng thẳng vào đầu tôi như cú đòn không thể dự tính trước. Nó ngang nhiên chen vào đời sống thường nhật. Kết luận sự sống một người bằng thứ bi kịch có thể làm đau cả người không can dự. Lẽ ra cô gái ấy có thể chọn khác đi. Lẽ ra hai người con trai sinh đôi có thể lớn lên như tôi, học hành và an vị đâu đó ngoài phố thị. Lẽ ra chàng trai kia có thể chọn khác đi khi vợ anh chết, khi hai đứa bé cần ai đó ôm ấp ru ngủ những đêm khát sữa. Tôi tưởng tượng ra vô vàn ý niệm “lẽ ra”. Tôi toan bày sắp đặt cho số phận ai đó được sống tiếp, yêu thương người khác, không phải mất mát trong một sáng mặt trời chưa mọc trên Hậu Giang. Ý nghĩ liều lĩnh đó thường làm tôi - một người ngoài cuộc vô can - cảm thấy đau đớn. Hốt nhiên không thể chịu nổi ai đó chừng tuổi mình, lẽ ra phải tiếp tục thở và sống tiếp cuộc đời mát lành này, lại trút hơi thở đâu đó và bỏ lại dòng sông.

Phải chăng họ bị nghiền nát bởi đớn đau vô hình nào đó không thể sờ chạm được? Họ bị xay thành tro bụi trong cỗ máy bất tận tàn bạo của những câu hỏi như dao xoáy vào lồng ngực: Ta sẽ sinh tồn ra sao? Ta sẽ làm gì để có tiền? Về Sài Gòn có tiền không? Làm sao để con mình sống tiếp? Làm sao để chịu nổi cơn đói dặt dẹo trong chiều ở khu nhà trọ với đứa trẻ không còn sữa mẹ? Họ sợ hãi, bất an, tuyệt vọng và thả tay xuống dòng sông mềm mại. Làm phù sa đôi khi không phải là chọn lựa, nhưng là hóc đường cuối cùng họ bước vào.

Những bi kịch ở dòng sông có thể kể đầy cả con nước. Đi hết những mùa thủy lưu dồi dào đến cạn trơ lòng đáy. Người Mekong nghèo cái gì không rõ, nhưng sống thì vô chừng. Họ kể về cái chết vì cái chết xảy ra. Họ tiếp tục sống bởi nghĩa vụ định đoạt phận người phải tiếp tục thương yêu và sinh tồn, dù phải bơi ngược dòng cả một quãng chảy xiết đầy xoáy và cát lở xói bờ. Người mẹ vẫn sống dù con gái uống thuốc rầy rời bỏ cuộc đời. Hai con sinh đôi có gãy đổ thân người dưới nhịp cầu khổng lồ nhất miền Cửu Long thì bà má vẫn phải sống để qua lại dòng sông đó mà không phải đợi thêm chuyến phà dông dài nào nữa. Và đám trẻ con, chúng lớn lên như cây cỏ ấp trong vòng tay ông bà nhăn nheo, yếu lụi dần. Không ai bỏ cuộc. Không ai oán giận số phận hay bất hạnh nào giáng xuống và nguyền rủa hơi thở họ.

Nhiều năm đi viết, tôi gặp một người già với đôi mắt buồn trong vắt như sông. Ông rời cốc ở Thất Sơn để về Châu Phú, phụ việc cho một trạm xe cứu người. Ông để chuông điện thoại rất to, cả đêm, vì sợ ai đó bị nạn mà không kịp giúp đỡ. Ngày tôi rời Châu Phú, ông viết lên tờ giấy vài câu chữ đẹp nghiêng nghiêng, chúc tôi thật an lành. Người kẹp tờ giấy vào bàn tay tôi, nắm thật chặt, rồi từ biệt, không đòi hỏi một câu hứa gặp lại nào, mà bảo sẽ ước tôi sống mỗi ngày an lạc. Tôi chợt hiểu ông tin vào cái chết như một mẫu số cuối cùng - ta sẽ gặp nhau ở đâu đó, nơi sâu hút cuối con đường ta đi. Nơi đó ta có thể gặp lại nhau, cũng trong làn nước sông. Làm phù sa mềm cát mỏng. Không nên đòi hỏi một câu trả lời nào cho những “lẽ ra” vốn đầy giả tạo và huyễn hoặc, chẳng cách gì níu kéo hay thể hiện lại một thân người đã hóa thành tro bụi.

Sống có nghĩa là nhìn thẳng vào dòng sông chảy không ngơi, thẳng thớm chọn sinh mệnh và con đường của mình: làm phù sa, làm cát, làm mẹ, làm ông, làm bất kỳ ai. Sống không khoan nhượng. Mắt đỏ nhòa nước. Rồi ngẩng lên gạt nước mắt. Họ lại chống xuồng ra sông, mang về một giỏ cá tươi và mớ rau đồng xanh rượi.

Dòng sông là người thân thiết tận cùng, không từ bỏ hay quay lưng với hơi thở nào.

Như người đàn ông mải miết lao ra cửa biển để chào tạm biệt sự ra đi của con gái mình.

Mekong - phù sa phiêu bạt (Phanbook và NXB Văn Học, 8.2018) là cuốn sách thứ năm của tác giả Khải Đơn. So với bốn cuốn trước thuộc thể loại tản văn, ở cuốn sách này Khải Đơn thể nghiệm hướng viết khác: du ký.

Tác giả Khải Đơn tại buổi giao lưu giới thiệu cuốn sách "Mekong - phù sa phiêu bạt". Ảnh: Zing

Cuốn sách chia làm bốn phần: Thái Lan, Campuchia, Lào - Myanmar và Việt Nam. Đây là năm quốc gia hạ nguồn dòng Mekong, cũng là khu vực chịu ảnh hưởng bởi những thay đổi cực đoan đang diễn ra ở vùng thượng lưu dòng sông này. Không tham vọng chuyển tải những quan điểm mang tính đại tự sự, Khải Đơn lặng lẽ với những chuyến du hành cá nhân đơn độc để kể câu chuyện những số phận như hạt phù sa lang thang mà dự phần làm nên cuộc sống lớn lao của Mekong.

Khải Đơn

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/chet-o-cuu-long-15689.html