Chép bài giỏi, đạo văn hay cũng thành tiến sĩ, quả là mối lo!

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 4/5/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT có biện pháp tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục ở các cấp, đặc biệt là giáo dục đại học và sau đại học, chấn chỉnh việc đào tạo tiến sĩ.

Thời điểm ấy, Thủ tướng không hề biết rằng, chính ông cũng bị một tiến sĩ công tác tại trường ĐH Kinh tế Kĩ thuật Công nghiệp - Bộ Công Thương “chép bài” từ 4 năm trước…

Giỏi chép bài cũng thành tiến sĩ

Năm 2009, khi còn là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc từng viết bài “Đề án 30 - Bước đột phá trong tiến trình cải cách hành chính” đăng trên Báo Nhân dân số 19725 ra ngày 28/8/2009 và báo Nhân Dân điện tử tại địa chỉ: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/17298602-.html

Nội dung bài báo đề cập đến Quyết định 30 của Chính phủ nhằm tạo sự thống nhất, công khai, minh bạch thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Trong bài, ông Nguyễn Xuân Phúc đưa ra nhóm 5 giải pháp để thực hiện tốt đề án. Bài báo này cũng được đăng trên trang Cổng thông tin điện tử Chính phủ cùng ngày và được đông đảo độc giả biết đến.

Bài báo đăng trên báo Nhân Dân ngày 28/8/2009 của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi đó là Bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng Chính phủ đã bị sao chép vào trang 161+162 trong luận án tiến sĩ của ông Trần Hoàng Long (hiện là Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế kỹ thuật - Bộ Công Thương).

Đầu năm 2012, ông Trần Hoàng Long - sinh năm 1975, khi đó còn là Trưởng phòng Đào tạo của của trường ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp - Bộ Công thương bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành thương mại với đề tài: “Hoàn thiện chính sách thương mại nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam”.

Điều đáng nói là nội dung trang 161 - 162 của Luận án tiến sĩ, mục 3.4.2.1 “tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính khi tham gia vào hoạt động kinh doanh” ông Long đã chép nguyên văn 2/3 bài đăng trên báo của ông Nguyễn Xuân Phúc (không trích dẫn nguồn).

Không chỉ chép riêng bài báo của tác giả Nguyễn Xuân Phúc, luận án tiến sĩ của ông Long còn chép nhiều trang chuyên đề của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).

Cụ thể, từ trang 183 – 186, mục 3.4.6 “Khuyến nghị đối với các doanh nghiệp” của Luận án, ông Long đã chép từ quyển Thông tin Chuyên Đề số 09/2009 của Viện CIEM (không dẫn nguồn).

Chưa hết, để trở thành tiến sĩ, ông Long còn chép nhiều trang trong cuốn “Giáo trình Kinh tế Ngoại Thương” của GS.TS Bùi Xuân Lưu do Nhà xuất bản Giáo dục in năm 2002 - trước khi ông Long bảo vệ luận án TS tận 10 năm (không dẫn nguồn).

Làm thầy thiên hạ

Ngày 11/9/2017, phát biểu tại Lễ khai giảng năm học mới trước 17.000 sinh viên, ông Trần Hoàng Long rao giảng về truyền thống nhà trường, về sự nghiệp giáo dục “trồng người”.

Ông Trần Hoàng Long phát biểu trong buổi lễ khai giảng năm học mới. Ảnh: http://www.uneti.edu.vn

Ông biểu dương sinh viên học tập tốt, khuyến khích các em nỗ lực học tập nhiều hơn nữa và hứa hẹn sẽ xây dựng phát triển quỹ học bổng của nhà trường.

Lời nói thì như rót mật vào tai, hành động cử chỉ tao nhã như một học giả lớn, với thần thái ấy không sinh viên nào dám nghi ngờ về tư cách, phẩm giá của người Phó Hiệu trưởng mang học vị tiến sĩ.

Nhưng, trường ĐH Kinh tế Kĩ thuật Công nghiệp có tới hơn 600 giảng viên trong đó 360 người trình độ thạc sĩ và 72 người trình độ tiến sĩ. Họ là những người đang lao động giảng dạy và nghiên cứu khoa học thực sự, từng làm luận án tiến sĩ thực sự.

Hơn ai hết họ hiểu đồng nghiệp của mình. Vậy nên, nghe Tiến sĩ Trần Hoàng Long phát biểu trước toàn trường, những người thầy giáo có lương tâm không khỏi cảm thấy day dứt, ngượng ngùng với nhóm học trò ngây thơ vừa chớm bước vào ngưỡng cửa đại học.

Nhiều trang trong cuốn "Giáo trình Kinh tế ngoại thương" của GS. TS Bùi Xuân Lưu (Nhà xuất bản Giáo dục - 2002) bị ông Trần Hoàng Long chép vào luận án tiến sĩ của mình mà không hề ghi trích dẫn.

Từ chuyện một trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội mỗi năm sản xuất ra trên 300 tiến sĩ, cho đến việc một Giảng viên ĐH Y khoa Thái Nguyên “cam kết” đào tạo tiến sĩ y khoa thành công với giá 200 triệu đồng… giờ lại đến chuyện lãnh đạo trường ĐH lớn của Bộ Công Thương “đạo văn” của Thủ tướng, chép cả giáo trình mà vẫn bảo vệ trót lọt, trở thành tiến sĩ. Có thể thấy, ngày nay làm tiến sĩ không hề khó.

Câu chuyện tiến sĩ “giấy” đang trở thành mối lo ngại lớn trong xã hội, bởi lẽ nếu cứ giao trọng trách vào những tiến sĩ với kiến thức “vay mượn”, những cán bộ lãnh đạo thiếu nhạy cảm chính trị như ông Long thì không biết tương lai của trường ĐH Kinh tế Kĩ thuật Công nghiệp sẽ ra sao?

Nguồn: Cổng thông tin HNB

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//chep-bai-gioi-dao-van-hay-cung-thanh-tien-si-qua-la-moi-lo_n31478.html