'Chênh vênh' xóm lưỡi câu

Nhắc đến 'xóm lưỡi câu' (khóm Tây Khánh 8, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên), người ta nhớ ngay đến cái xóm nằm bên dòng Long Xuyên, dài chừng 1km, nhà nào cũng làm lưỡi câu. Nửa thế kỷ nhộn nhịp, tưng bừng, ồn ã tiếng máy móc và rủng rỉnh thu nhập, 'xóm lưỡi câu' trở thành làng nghề tiểu thủ công nghiệp được UBND tỉnh công nhận. Vậy mà, giờ đây tiếng máy dần thưa thớt, lạc lõng bởi con nước cạn. Người dân chẳng muốn bỏ nghề, nhưng phải đi tìm công việc khác. Nỗi buồn ấy sao mà đắng đót, chênh vênh!

14 tuổi, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy bắt đầu theo nghề làm lưỡi câu của gia đình. 30 năm trôi qua, chị vẫn ngồi quay mũi, nhưng mọi thứ giờ khác nhiều lắm. Hồi đó, 1 muôn (10.000 lưỡi câu) chỉ có 11.000 đồng. Con nước lên, mỗi ngày khách mua mấy chục muôn là bình thường. Cả xóm xúm nhau làm ngày, làm đêm mới đủ số lượng cung ứng thị trường. Bên chiếc máy, dưới ánh đèn sáng vừa đủ, người thợ cần mẫn lặp đi lặp lại từng ấy thao tác, chạy đua với thời gian. Còn giờ, 1 muôn tăng giá hơn 10 lần, mà số lượng bán ra cũng giảm từng ấy lần. Bởi vậy, những người thợ gia công như chị Thúy thất nghiệp dần, hoặc chỉ được chủ cơ sở giao hàng làm cầm chừng. Buổi sáng, chị bận rộn bán thức ăn sáng, lo con cái, nhà cửa. Tới 2-3 giờ chiều, chị ngồi miết với máy quay, đến 8-9 giờ tối. Mỗi ngày cần mẫn, chị có thu nhập từ 100.000-150.000 đồng từ cái nghề gia công này. Số tiền ấy nói nhiều không nhiều, nói ít cũng không ít. Nhưng được cái, chị có thể trông nhà, quán xuyến gia đình, tận dụng thời gian nhàn rỗi để kiếm thêm tiền.

Chị Thúy trở mình, tìm một tư thế thoải mái hơn trên chiếc ghế đệm nhỏ, cũ mèm, bung cả ruột. Bàn tay nhanh thoăn thoắt đưa mũi lưỡi câu vào máy mài, mỗi mũi chỉ khoảng 1-2 giây là xong. “Thật ra, năm trước tôi đã buông nghề, chuyển sang kinh doanh. Chỉ có điều, kinh doanh không ổn, tôi lại quay về, nhận gia công lưỡi câu tiếp tục. Công việc tuy không cực, nhưng ngồi riết oải lắm. Chưa kể, bữa nay lưỡi câu sắc nhọn móc vào da thịt, ngày mai máy mài nóng phỏng tay... vẫn phải làm. Tới đâu hay tới đó thôi. Mà chắc qua Tết, tôi sẽ nghỉ làm, đi tìm việc khác...” - chị Thúy chia sẻ, rồi im lặng hồi lâu.

Chiều buông. Trước cửa nhà, ông Huỳnh Long Văn (sinh năm 1957) nương theo ánh sáng còn sót lại, chậm rãi chặt 2 đầu lưỡi câu rời nhau. Đây là một trong những khâu cuối cùng để làm ra thành phẩm. Từng nhát chặt đều đều, đủ lực của ông gỡ dần đám lưỡi câu rối rắm, nhưng lòng người vẫn như mớ bòng bong. “Trước đây, người dân sống nhờ vào nghề làm lưỡi câu, ổn lắm. Hầu như có hàng đặt quanh năm, chỉ riêng mấy tỉnh miền Tây thôi là giao hàng không xuể rồi. Mấy năm nay, nước không về, lưỡi câu ế ẩm, không ai dám sản xuất nhiều. Gia đình tôi cũng vậy, dựa vào mối cũ ở Campuchia, họ đặt bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Nhiều lúc tôi định nghỉ, nhưng họ vẫn đặt hàng, nên tôi ráng làm thêm một thời gian nữa xem sao. Nghĩ cũng ngộ. Hồi xưa, tất cả công đoạn đều chỉ nhờ tay người, làm gì có máy móc. Lưỡi câu lớn không làm được. Lưỡi câu nhỏ thì dùng đe búa đập, vừa chậm, vừa xấu. Bây giờ, máy móc hiện đại, lưỡi câu được cải tiến tinh xảo hơn, năng suất làm được nhiều hơn. Vậy mà... thiếu người mua!”.

Chúng tôi tìm gặp ông Trần Thiện Tâm, tổ trưởng làng nghề, mới hay ông không còn làm nghề này nữa, chuyển sang công việc lao động tay chân khác. Dù việc mới vất vả hơn, chịu đựng nắng mưa hơn, nhưng ông không còn lựa chọn nào. “Năm 2007, khi UBND tỉnh quyết định công nhận làng nghề, có 184 hộ theo nghề. Bây giờ, đếm đi đếm lại chắc còn chừng 20, 30 hộ duy trì, là do họ có mối mang đặt hàng. Số còn lại bỏ nghề, đi làm ăn xa, hoặc chuyển công việc khác thu nhập ổn định hơn. Thật ra, nghề này không khó làm. Hơn 10 công đoạn là ra được thành phẩm: mua dây, kéo thẳng, chặt đoạn, cắt ngạnh, quay mũi, uốn lưỡi, chặt hai, dập đít, trui cho cứng... rồi vào bọc, dán nhãn. Phụ nữ, trẻ nhỏ học việc ít ngày là có thể nhận làm gia công, kiếm thêm chút đỉnh tiền khi rảnh rỗi. Dần dần, nhiều lý do khách quan khiến công việc chựng lại, đầu ra không còn. Một số hộ lỡ mua vài trăm kg dây rồi, thì phải làm lai rai đón con nước. Ai dè, nước không về, hàng chất đống trong nhà. Nghề mai một, cá nhân tôi cũng buồn lắm, nhưng không biết làm cách nào để vực dậy. Đâu phải là thiếu vốn, thiếu người làm...”.

Tôi trở về, trong lòng cứ quẩn quanh hình ảnh bàn tay chồng chất vết thương cũ lẫn mới, bạc phếch mạt inox của những người thợ lành nghề. Tiếng máy "rè rè" ngày càng nhỏ dần, thưa dần, trả lại cho xóm nhỏ những tháng ngày yên tĩnh. Nhưng sự yên tĩnh ấy chẳng ai mong muốn. Điều họ mong là “thiên thời”, để được sống dựa vào nếp mưu sinh mấy chục năm nay, để được rộn ràng làm việc cho các đơn hàng gấp rút. Bao mong muốn giờ đành gói trọn vào tiếng thở dài, vào ước nguyện con nước năm sau...

Bài, ảnh: GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/-chenh-venh-xom-luoi-cau-a259953.html