Chênh vênh quan hệ với Mỹ, Nhật Bản tính kế hoạch B

Báo Nikkei số ra gần đây có bài viết với tiêu đề 'Cạm bẫy ràng buộc với Mỹ - con đường Nhật Bản nên chọn vì an ninh châu Á'. Sau đây là những nhận định chính.

Xa Washington là bão tố

Đàm phán Mỹ - Triều gặp nhiều trắc trở, chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vẫn tiến triển. Trong bối cảnh đó, vấn đề an ninh của Nhật Bản, vốn phó thác rất nhiều vào Mỹ, giờ sẽ ra sao?

Đây là điều mà không chỉ Tokyo, mà nhiều đồng minh khác của Washington, cũng đang vắt óc suy nghĩ. Mỹ hiện tại đã dừng công việc được gọi là “cảnh sát toàn cầu” dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama. Ngay cả khi ông Donald Trump thôi giữ chức Tổng thống sau 2 năm hoặc 6 năm nữa, xu thế này có lẽ cũng không thể đảo ngược.

Tất nhiên đối với Nhật Bản, trong khi vẫn kiên trì quan hệ đồng mình với Mỹ thì Australia và châu Âu có thể là giải pháp tốt và họ buộc phải hết mình với giải pháp này. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được cho là đã đề cử trao giải Nobel hòa bình cho Tổng thống Mỹ Donald Trump, đổi lại Nhật Bản không bị bất lợi trong vấn đề Triều Tiên. Không có gì là sai khi ông Abe đang thể hiện hết mình trong mối quan hệ cá nhân với ông Trump, tuy nhiên, nếu chỉ như vậy thì vẫn chưa đủ.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AFP)

Song ngay cả khi Nhật Bản đảm bảo được một liên minh chặt chẽ với Mỹ thì trong tương lai không thể nói trước được việc sức mạnh của Mỹ sẽ không suy yếu. Vì vậy, không chỉ núp dưới cái ô bảo vệ của Mỹ, Nhật Bản trong thời đại này phải chuẩn bị cho những nguy cơ mới như vậy.

Thực tế này ít nhiều lý giải ngân sách quốc phòng cao kỷ lục của Nhật Bản trong những năm gần đây, cũng như sự sốt sắng của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong việc sửa đổi Điều 9 Hiến pháp, nhằm chính thức công nhận Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) và cho phép JSDF tác chiến tại nước ngoài. Song theo tính toán năm 2012 của Giáo sư Yasuhiro Takeda, Đại học Phòng vệ Nhật Bản, nếu Nhật Bản từ bỏ phụ thuộc vào quân đội Mỹ và xây dựng hệ thống phòng vệ đạt tiêu chuẩn, nước này sẽ phải bỏ ra một khoản kinh phí là 23.000 tỷ yen (tương đương 205,6 tỷ USD).

Trường hợp Nhật Bản phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân, chi phí sẽ ở mức khổng lồ hơn, chưa kể đến sức ép quốc tế. Do đó, lựa chọn thay thế cơ chế đồng minh Nhật - Mỹ rất khó thành hiện thực. Việc có thể tự xây dựng sức mạnh răn đe bao gồm cả vũ khí hạt nhân do Mỹ cung cấp là cực kỳ khó khăn.

Nhìn về phía Tây

Dù vậy, việc tìm kiếm một kế hoạch B là điều cần thiết và Nhật Bản cần thảo luận, tiếp xúc với các đồng minh của Mỹ như Australia và Pháp. Ngày 19/2, các quan chức Nhật Bản và Australia đã tổ chức đối thoại kín cấp chuyên gia và quan chức về tình hình quốc tế. Chiến lược an ninh phụ thuộc vào Mỹ cần được thay thế bằng một chiến lược khác độc lập hơn, tối đa hóa lợi ích an ninh quốc gia.

Về phía Australia, tháng 7/2018, các cựu quan chức quốc phòng Australia đã đưa ra chính sách quốc phòng với khái niệm kế hoạch B bao gồm 10 mục. Những cuộc thảo luận của các nhà chiến lược quân sự đã bắt đầu. Nội dung chính là việc trang bị đầy đủ, mở rộng sức mạnh quân sự bằng các tàu ngầm hạt nhân, chi phí quốc phòng và tăng cường binh sĩ. Tuy nhiên, một bộ phận chuyên gia Nhật Bản quan ngại rằng thiếu vắng sức mạnh hạt nhân răn đe của Mỹ, Nhật - Australia sẽ không thể tự bảo vệ bản thân mình.

Điều này khiến họ nhìn về sáng kiến Quân đội châu Âu của Pháp. Trong số các nước đồng minh của Mỹ, Pháp là nước đầu tiên có kế hoạch B. Quốc gia này đang tiếp tục duy trì sức mạnh phòng vệ tự chủ như sở hữu vũ khí hạt nhân, gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tháng 6/2018, ý tưởng về một liên minh quân sự tự nguyện ở châu Âu mà không có Mỹ được Pháp đưa ra. Trường hợp châu Âu gặp nguy hiểm, liên minh này sẽ can thiệp mà không phụ thuộc vào Mỹ. Đáp lại lời kêu gọi của Pháp, 10 nước châu Âu như Đức, Anh, Hà Lan… cho biết sẽ quyết định tham gia liên minh này. Lý do mà Pháp đề xuất một liên minh quân sự riêng cho châu Âu là giả định trong tình huống xấu nhất.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề cập về ý tưởng Quân đội châu Âu ngày 12/11. (Nguồn: The Independent)

Tất nhiên Tokyo sẽ không thể áp dụng y nguyên cách tiếp cận của Paris và Canberra, khi xung quanh nước này là các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân như Trung Quốc, Nga và Triều Tiên. Đối với Nhật Bản, sức nặng trong quan hệ với Mỹ lớn hơn hẳn so với Pháp và Australia. Vì vậy, bên cạnh việc coi trọng quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ, Tokyo cần xem xét nhiều hơn đến những nước khác khi liên minh với Washington sụp đổ.

Trong chiến lược phòng vệ của Nhật Bản có 5 lựa chọn. Hai lựa chọn thực tế nhất là xoay quanh trục đồng minh Nhật - Mỹ và hệ thống an ninh khu vực do Mỹ dẫn đầu. Điều này một lần nữa tái khẳng định, việc kiên trì lộ trình này và theo đuổi nó là nguyên tắc lớn nhất của Nhật Bản. Dù có lo lắng như Pháp và Australia, Nhật Bản cũng không thể bỏ qua được liên minh với Mỹ. Để không rơi vào khủng hoảng, Nhật Bản nên thảo luận về 3 lựa chọn còn lại và xem xét cẩn thận các nội dung mà nước này đang thiếu.

Tài chính khó khăn, dân số giảm, Nhật Bản không dễ dàng để có thể gia tăng sức mạnh quân sự lớn như Australia và Pháp. Do đó, Tokyo cần phải tăng cường quan hệ hợp tác sâu sắc về quốc phòng với các nước khác, đồng thời ổn định quan hệ với Trung Quốc. Sự kết hợp giữa các yếu tố chiến lược, đồng thời mở rộng sự lựa chọn là con đường mà Nhật Bản nên hướng tới.

(theo Nikkei)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/chenh-venh-quan-he-voi-my-nhat-ban-tinh-ke-hoach-b-89097.html