Chênh vênh nghề biển (Kỳ III): 'Điểm tựa' để ngư dân bám biển

Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã thổi bùng khát vọng cho ngư dân miền Trung đóng những con tàu to, đủ sức vươn khơi bám biển dài ngày.

Vậy nhưng, sau 5 năm thì “những con tàu 67” đã phải gối bãi dài ngày, loay hoay tìm cách bù lỗ chi phí đi biển vì số lần ra khơi đánh bắt không đạt được hiệu quả như mong đợi.

Những vướng mắc không được tháo gỡ đã đẩy ngư dân vào thế bế tắc không thể xoay sở.

Những vướng mắc không được tháo gỡ đã đẩy ngư dân vào thế bế tắc không thể xoay sở.

Khan hiếm thuyền viên

Trong những năm qua, cùng với các chính sách về tín dụng đã hỗ trợ ngư dân tích cực đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá nâng cao năng lực sản xuất, đội tàu cá của các tỉnh tiếp tục phát triển nhanh và hiện đại hơn. Nhờ đó, ngư dân đã vững tin hơn khi đối mặt với những khó khăn, nguy hiểm giữa trùng khơi để tiếp tục bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tuy nhiên, vấn đề thật sự nằm ở việc ngư dân sau khi đóng tàu lại hoạt động không hiệu quả dẫn đến rơi vào nợ xấu, áp lực đối với việc ra khơi cũng như trả nợ. Việc ra khơi đánh bắt thủy hải sản lại trở thành nỗi lo của ngư dân khi không có gì đảm bảo rằng sau mỗi chuyến ấy, ngư dân sẽ trả được bớt nợ hay sẽ là nợ thêm?

Ông Tạ Văn Lâu chủ tàu QNA - 93719 nói rằng, để khai thác tàu vỏ thép tốn nhiều chi phí lớn, trong khi đầu ra sản phẩm chưa ổn định. Tàu ông Lâu có từ 12-16 thuyền viên, mặc dù đánh bắt có hoặc không thì mỗi tháng ông phải trả mức lương cơ bản cho các thuyền viên đi cùng trên 4 triệu đồng/người. Ông Lâu nhẩm tính, mỗi chuyến đi biển trở về bán được tầm 250 triệu đồng thì mới chỉ đủ chi phí, dưới con số này thì chắc chắn lỗ; tầm 300 triệu mới hy vọng có lãi.

Điều mà ông Lâu cũng như nhiều ngư dân khác quan ngại là đến thời điểm này vẫn chưa có chính sách hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ. Chính điều này đã làm cho họ bất an vì vỏ tàu bị hoen gỉ sau nhiều năm đánh bắt. Chưa kể, trong quá trình lênh đênh giữa biển, máy móc đôi khi bị trục trặc, chết máy cục bộ khiến ngư dân chưa thể vươn khơi xa, nhiều tàu phải nằm bờ vì chưa được duy tu bảo dưỡng định kỳ.

“Nếu như hoạt động không hiệu quả thì chi phí duy tu, sửa chữa ngư dân cũng chịu không nổi chứ đừng nói đến việc đóng lãi hàng tháng. Mà biển giờ đâu còn nhiều cá như ngày xưa, việc đánh bắt càng khó khăn hơn, nhiều người nóng vội đóng tàu để giờ ngồi trên đống nợ mà không có hướng giải quyết”- ông Lâu nói thêm.

Việc nợ nần, lãi mẹ đẻ lãi con đã tạo thêm áp lực khiến ngư dân “chùn bước” trong việc ra khơi. Vươn khơi hay nằm bờ, ngư dân đều nằm trong thế khó. Lấy đâu ra động lực để những con người ấy tiếp tục cố gắng vươn khơi bám biển làm kinh tế, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Chưa dừng lại ở đó, nhiều chủ tàu vỏ thép, tàu công suất lớn làm ăn thua lỗ đã phải chấp nhận bán tàu vì nguồn nhân lực thuyền viên đi biển ngày càng khan hiếm. Lý do được các chủ tàu cho biết là trong những năm gần đây, nhiều tổ chức đã về tận những làng quê ven biển để vận động thuyền viên đi xuất khẩu lao động ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản…

Những “miền đất hứa” này có thể đảm bảo ổn định nguồn thu nhập cho ngư dân với mức lương gấp 5,6 lần so với làm thuê nơi quê nhà. Nghĩa là, nếu mỗi tháng đi biển ở quê nhà với mức lương 4 triệu thì ở Hàn Quốc, ngư dân Việt Nam vẫn ra biển nhưng thu nhập từ 20-30 triệu đồng.

Nhiều ngư dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… đã tìm cách “tha hương cầu thực”, bám biển nơi xứ người để mưu sinh.

Khó gỡ vướng cho ngư dân

Về nguyên nhân khiến tàu vỏ thép hoạt động kém hiệu quả, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng cho biết, để phát triển nghề cá bền vững, cần sự phát triển đồng bộ về phương tiện, kỹ thuật, ý thức chứ không chỉ nâng cấp mỗi phương tiện.

Ông Lĩnh quả quyết rằng: “Chúng ta đã không có cái nhìn toàn diện khi đưa ra Nghị định 67, chỉ quan tâm đến việc đóng tàu cỡ lớn, mã lực lớn hơn mà chúng ta quên mất rằng mức độ phát triển của nghề cá hiện nay và nhu cầu của ngư dân mới là yếu tố quyết định”.

Hiện giờ nước ta đang thiếu các trường lớp đào tạo khai thác thủy hải sản chuyên nghiệp, ngư dân chủ yếu đi biển dựa vào kinh nghiệm, trong khi sử dụng tàu vỏ thép thì hoàn toàn chưa có kinh nghiệm.

Ông Lĩnh cho rằng, chúng ta đã quá vội vàng trong việc triển khai Nghị định 67, đến bây giờ có thể thấy những ngư dân có trình độ giỏi nhất đã trở thành con nợ xấu sau khi đóng tàu vỏ thép theo nghị định này.

Chỉ tính riêng Đà Nẵng hiện có 7 chiếc tàu vỏ thép nhưng đến nay vẫn chưa có tàu nào hoàn tất việc trả nợ. Có 2 nguyên nhân: Chính quyền chỉ hỗ trợ đóng tàu vỏ thép, nhưng chưa nghiên cứu kỹ thiết kế, chưa đào tạo chuyển giao công nghệ cho ngư dân; Thứ 2 là vẫn còn kẽ hở trong quản lý, không nắm được cụ thể số tiền lời lãi của ngư dân, các ngư dân cứ báo lỗ thì ngân hàng cũng không thể biết. Và hầu hết các tàu đều báo lỗ.

Theo ông Lĩnh, những người vay tiền đóng tàu vỏ thép đều có trách nhiệm với những khoản nợ của mình, vì họ là những ngư dân giỏi thật sự. Tuy nhiên, bây giờ kiến nghị, xử lý như thế nào là vấn đề khó. Có những ngư dân đòi trả lại tàu cho ngân hàng, vì cho rằng đóng tàu không đúng kỹ thuật, ra khơi không hiệu quả nên nguồn thu trả nợ rơi vào bế tắc.

Thế nhưng, có một thực tế là chắc chắn không ngân hàng nào muốn nhận lại những con tàu đó và lỗi kỹ thuật cũng không thuộc trách nhiệm của ngân hàng.

Giải pháp nào cho ngư dân bám biển?

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) thì sản lượng khai thác thủy sản trong những năm gần đây liên tục giảm mạnh một cách đáng lo ngại. Nếu năm 2017, sản lượng khai thác thủy sản ở mức 765.000 tấn thì vào năm 2020 thì con số chỉ đạt khoảng 500.000 tấn. Đáng quan tâm là mức giảm này chưa có dấu hiệu dừng lại trong các năm tiếp theo.

Chưa kể, tình trạng khan hiếm nguồn thuyền viên đánh bắt thủy hải sản ở trong nước, nhiều tàu phải gối bờ dài ngày do làm ăn thua lỗ đang là nỗi lo cho nhiều địa phương ven biển miền Trung.

“Nếu như hoạt động không hiệu quả thì chi phí duy tu, sửa chữa ngư dân cũng chịu không nổi chứ đừng nói đến việc đóng lãi hàng tháng. Mà biển giờ đâu còn nhiều cá như ngày xưa, việc đánh bắt càng khó khăn hơn, nhiều người nóng vội đóng tàu để giờ ngồi trên đống nợ mà không có hướng giải quyết”.

Đi biển với chi phí xăng dầu cao, sản phẩm đánh bắt được khi về bờ lại bị tư thương ép giá. Thị trường buôn bán thủy hải sản liên tục biến động. Hậu cần nghề cá chưa được quan tâm đúng mức khiến công tác thu mua, bảo quản còn lạc hậu không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu…

Nhiều hội thảo, hội nghị được tổ chức để họp bàn, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho nghề biển nhưng hiệu quả của những giải pháp được các nhà khoa học đưa ra chưa thể “cứu” được ngư dân ngay được. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tình trạng tàu thuyền của ngư dân “mắc cạn” từ các chính sách từ trên bờ diễn ra ngày càng tăng về số lượng.

“Ngay từ bước đầu tiên khi đưa ra Nghị định đã là sai rồi, cái sai ấy giống như một “con vi rút đã ẩn sẵn trong quả trứng” vậy, bây giờ không thể sửa chữa được nữa rồi. Sự vội vàng của cấp trên đã đẩy ngư dân vào thế bế tắc, không thể xoay xở.” – Ông Trần Văn Lĩnh, chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng phân tích.

ThS Hoàng Văn Hợi – Giám đốc Cty TNHH MTV dịch vụ và công nghệ nuôi thủy sản cho rằng thực tế tiềm năng cũng như lợi thế từ biển của nước ta rất đa dạng, phong phú. Ngoài việc cung cấp ngư trường đánh bắt rộng lớn, nhiều loại thủy hải sản cư ngụ, sinh sống.

“Tuy nhiên, nếu chúng ta không có giải pháp phát triển nguồn lợi thủy sản thì tương lai gần sẽ khan hiếm. Mặt khác, công tác giám sát, xử lý kiểu đánh bắt tận diệt cũng chưa được quan tâm ngăn chặn kịp thời. Nhiều ngư trường đánh bắt gần bờ đã không còn phong phú các loài thủy hải sản cư ngụ, sinh sống.

Chính vì vậy, ngoài việc vươn khơi, bám biển chúng ta phải có giải pháp đồng bộ trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản gần bờ và khu vực các quần đảo lớn, nhỏ của Việt Nam.

Đó là chúng ta một mặt bảo vệ môi trường biển bằng cách triển khai nuôi trồng thủy hải sản lồng bè, ao nuôi di động trên biển. Mặt khác phải duy trì cho ngư dân thói quen bám biển bằng cách hướng dẫn, hỗ trợ họ cách nuôi trồng, chăm sóc và duy trì phát triển các loài thủy hải sản cho thu nhập cao.

Tùy vào ngư trường, khí hậu vùng miền mà có cách triển khai cho phù hợp để nâng cao thu nhập cho ngư dân vẫn bám biển, giữ nghề biển mà không phải tha phương cầu thực ở xứ người” – ThS Hoàng Văn Hợi chia sẻ.

Tuấn Vỹ - Ngọc Thái

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/chenh-venh-nghe-bien-ky-iii-diem-tua-de-ngu-dan-bam-bien-160443.html