Chênh vênh cầu treo

Tỉnh Quảng Nam có hàng chục cầu treo đang xuống cấp, trở thành mối hiểm họa rình rập người dân.

Tỉnh Quảng Nam có hàng chục cầu treo đang xuống cấp, trở thành mối hiểm họa rình rập người dân.

Nhiều cầu treo tại tỉnh Quảng Nam đang xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: Hoàng Sơn

Hư hỏng hàng loạt

Theo thống kê của Sở GTVT Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh này hiện có tổng cộng 162 cây cầu tại 9 huyện miền núi, trung du. Trong số này có 63 chiếc cầu tạm do người dân tự xây dựng để đi lại, tất nhiên những chiếc cầu tạm sẽ không có bản vẽ thiết kế để khẳng định tính an toàn. Số còn lại gồm 99 cầu treo kiên cố do các huyện quản lý cũng đang xuống cấp nghiêm trọng với 56 cầu (chiếm tỉ lệ hơn 56%). Đáng chú ý, H.Nam Trà My có 83 cầu treo thì có đến 60 cầu tạm. Cá biệt, H.Đông Giang có 13 cây cầu treo kiên cố thì tất cả đều hư hỏng, H.Nam Trà My có 20 cầu thì hư hỏng 17 cầu, H.Tây Giang có 22 cầu cũng hư hỏng 17 cầu... Ông Arất Bình, Trưởng thôn K8 (xã Sông Kôn, H.Đông Giang) cho biết, cầu treo nối hai khu dân cư tại thôn đã xuống cấp nhiều năm nay tuy nhiên, đây là tuyến độc đạo nên người dân phải “nhắm mắt” đi liều.

Theo ghi nhận, hiện cầu treo tại thôn K8 đã bị hư hỏng nặng tại nhiều vị trí. Trong đó, nguy hiểm nhất là phần ván lót trên mặt cầu đã mục rỗng để lộ nhiều khoảng trống huơ mà chỉ cần nhìn qua là đã thót tim. Không những vậy, hạng mục quan trọng nhất là dây cáp đã bị hoen gỉ, nguy cơ đứt rất cao khi phải chịu tải trọng nặng. Để gia cố cây cầu này, người dân đã dùng nhiều vật liệu chắp vá, ghép nối trên thân cầu. Ông Arất Bình cho biết thêm, thời tiết thuận lợi thì người dân sử dụng các phương tiện đi lại dưới lòng suối; còn vào mùa mưa lũ, cây cầu treo là con đường duy nhất để đi lại. “Không qua cầu thì chỉ có nước bó gối”, ông Bình nói. Cũng tại H.Đông Giang, nhiều cầu treo tại các thôn Điềm, Nà Hoa (xã Tư) cùng nhiều thôn tại xã Cà Dăng, Jơ Ngây, Arooih… cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

Khẩn cấp cắm biển cảnh báo

Biết là nguy hiểm nhưng hằng ngày, người dân vẫn “đánh đu” số mạng trên những chiếc cầu treo như thế vì không còn lựa chọn khác. Và trên thực tế, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn khi người dân qua những chiếc cầu treo. Nhiều người dân cho biết, tại cầu treo thôn K8 đã có ít nhất 2 trường hợp bị rơi từ trên cầu xuống suối với độ cao trên 8 m, bị thương nặng. Tương tự, tại cầu treo thôn BhơHôồng 1 (xã Sông Kôn) cũng xảy ra 4 vụ khiến nhiều người bị thương. Sốt ruột trước những vụ tai nạn này, chính quyền xã Sông Kôn đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp để xin kinh phí nâng cấp, sửa chữa cầu treo. Tuy nhiên, do chưa có nguồn vốn nên người dân lại phải tiếp tục “treo mình” trên những chiếc cầu treo nguy hiểm.

Ông Trương Văn Cận, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam cho biết, sau vụ đứt cầu treo tại bản Chu Va 6 (xã Sơn Bình, H.Tam Đường, Lai Châu) khiến 8 người chết, hàng chục người bị thương, sở đã có văn bản chỉ đạo các địa phương lên phương án xử lý những cầu treo hư hỏng. Ban An toàn giao thông của tỉnh phối hợp với các địa phương thành lập các đoàn kiểm tra cầu treo và phải xử lý gấp những cầu hư hỏng nặng để đảm bảo an toàn. Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá toàn bộ hệ thống cầu treo dân sinh trên địa bàn. Văn bản cũng nêu, sau khi kiểm định chất lượng cầu treo, các địa phương phải có phương án khai thác phù hợp, lắp đặt biển báo quy định tải trọng, lưu lượng người và phương tiện được qua lại. Ngoài ra, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, những nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, ngành chức năng phải có hướng dẫn bằng tiếng bản địa…

Hoàng Sơn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/nhip-song-dia-phuong/chenh-venh-cau-treo-86450.html