Chênh lệch tuổi nghỉ hưu trong lực lượng Công an: Quỹ nào bù vào quỹ bảo hiểm xã hội?

'Hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan cần cân nhắc thực hiện theo Bộ luật Lao động hiện hành', đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về Dự án Luật Công an nhân dân sửa đổi.

“Trường hợp tự nguyện hoặc không có nhu cầu bố trí công tác của tổ chức thì nghỉ hưu như trong dự luật. Sĩ quan cấp tá sức khỏe tốt mà nghỉ hưu sớm là lãng phí nguồn lực”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi cho rằng, tất cả các luật chuyên ngành có liên quan đến tuổi nghỉ hưu đề nghị phải tuân thủ theo luật gốc là Luật Lao động. Chúng ta đã quy định tuổi nghỉ hưu là nam 60, nữ 55 và giờ Chính phủ trình sửa Luật Lao động điều chỉnh tuổi này.

Nếu ngành lao động nặng nhọc độc hại, nguy hiểm chúng ta giảm bớt 5 năm, nếu lao động bị mất khả năng 81% cũng được giảm để nghỉ hưu. Vậy các luật chuyên ngành quy định hạ sĩ quan 45 tuổi, cấp úy 53 tuổi, thiếu tá, trung tá nam 55 tuổi, nữ 53 tuổi.

Như vậy, trường hợp chưa đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định của pháp luật mà Công an nhân dân không có nhu cầu bố trí hoặc không chuyển ngành được, hoặc sĩ quan tự nguyện xin nghỉ nếu nam sĩ quan có 25 năm, nữ sĩ quan có đủ 20 năm phục vụ trong Công an nhân dân thì được nghỉ hưu trước hạn.

“Chỗ này rất gay cho Quỹ bảo hiểm xã hội của chúng ta. Theo quy định này, hiển nhiên tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu là trùng nhau, có nghĩa có người nam 45 tuổi, nữ 38 tuổi sẽ được nghỉ hưu. Vậy không hiểu chênh lệch từ 43 tuổi đến 55 tuổi, 60 tuổi thì quỹ nào bù vào Quỹ bảo hiểm xã hội”, đại biểu Bùi Sĩ Lợi nhấn mạnh.

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi đề nghị tính tuổi nghỉ hưu theo luật lao động

“Nhiều ý kiến cho rằng, phải tách Quỹ bảo hiểm xã hội của lực lượng vũ trang và công chức ra khỏi khu vực có quan hệ lao động để hoạch toán. Nếu cho phép về sớm, phải bù vào Quỹ bảo hiểm xã hội.

Nếu không, đến năm 2025, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội chúng ta tính lương cho người về hưu là bình quân của cả quá trình. Có nghĩa sẽ chia lương bình quân từ đại úy, thiếu tá, trung tá cho đến binh nhất, binh nhì, rõ ràng lương về hưu sẽ rất thấp, rất khó khăn cho an sinh xã hội trong tương lai. Đề nghị không phải chỉ Luật Công an nhân dân mà các luật chuyên ngành phải quay trở về theo nguyên tắc của Luật Lao động”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nói.

Theo đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, có vấn đề đặt ra là cấp bậc đi đôi với chức vụ, đồng thời liên quan đến hạng, tuổi nghỉ hưu trong lực lượng Công an.

“Khi thì trưởng phòng nơi này 60 tuổi nghỉ hưu nhưng chỗ khác trưởng phòng chỉ có 58 tuổi là nghỉ hưu. Nếu ở Thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội thì được lên tới đại tá, thì trưởng phòng công an các thành phố trực thuộc tỉnh, đô thị loại 1 tại sao lại không được lên đại tá, sẽ dẫn đến tình trạng tâm tư, so bì giữa các địa phương. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc quy định cho hợp lý.

Về hạn tuổi phục vụ hạ sĩ quan và sĩ quan, đề nghị cân nhắc nếu giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Công an quy định số hạn tuổi phục vụ đối với trường hợp nghỉ hưu sớm thì trái với quy định của Luật Lao động hiện nay”, đại biểu Nguyễn Tạo nói.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chenh-lech-tuoi-nghi-huu-trong-luc-luong-cong-an-quy-nao-bu-vao-quy-bao-hiem-xa-hoi-126670.html