Chênh lệch tuổi chồng Hàn - vợ Việt là 16 tuổi

Tuổi kết hôn trung bình của người chồng Hàn trong gia đình đa văn hóa là 41 tuổi, trong lúc người vợ Việt mới 25. Tuy nhiên, có những cặp vợ chồng có độ chênh lệch tuổi lớn nhất đến 26 năm - theo Trung tâm Giao lưu văn hóa Việt-Hàn tại Hà Nội.

Các cô dâu Việt học nấu các món ăn Hàn Quốc.

Khoảng cách tuổi...

Kết quả này dựa trên khảo sát với 273 cặp vợ chồng Việt - Hàn kết hôn trong 3 năm gần đây, bà Kim Young Shin - Phó GĐ Trung tâm Giao lưu văn hóa Việt-Hàn - phát biểu trên tờ Yonhap News. Một vài chỉ số đáng chú ý khác được đưa ra trong khảo sát về gia đình đa văn hóa Hàn-Việt gồm: Tỉ lệ phụ nữ Việt kết hôn lần đầu là 84%, nam giới Hàn Quốc là 71%. Tỉ lệ tái hôn lần lượt ở nữ Việt và nam Hàn là 16% và 29%.

Trong trường hợp tái hôn, tuổi trung bình của cặp vợ chồng Hàn-Việt lần lượt là 47 và 31 tuổi, mức chênh lệch tuổi như trường hợp khi kết hôn lần đầu. Tuổi tái hôn lớn nhất ở phụ nữ Việt Nam là 39 tuổi, ở đàn ông Hàn Quốc là 68 tuổi. Đáng chú ý, chênh lệch tuổi lớn nhất được ghi nhận trong gia đình Hàn-Việt là 26 tuổi. Theo điều tra, chi phí dành cho kết hôn của người chồng Hàn Quốc là 15-20 triệu won (khoảng 14.000-19.000USD), nữ giới Việt Nam là 600-700USD.

Sự chênh lệch độ tuổi quá lớn cùng những dị biệt văn hóa là một trong những nguyên nhân dẫn đến những cuộc hôn nhân bi kịch không mong muốn của các cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc. Đơn cử, cô dâu Ngô Thị Nga (sinh năm 1993 tại Hải Phòng) là nạn nhân mới nhất trong bi kịch cô dâu Việt tại Hàn. Nga đã bị người chồng đánh chết, trước khi anh ta tự tử.

Phần lớn gia đình đa văn hóa Việt-Hàn thường kết hôn thông qua môi giới mà không tìm hiểu nhau, không biết rõ về nhau. Các cô dâu Việt không hiểu về văn hóa Hàn Quốc, không hiểu về ứng xử tại Hàn Quốc. Đa số đàn ông Hàn Quốc lấy vợ nước ngoài thuộc diện nghèo. Ước tính, có 53,7% tổng số gia đình đa văn hóa thuộc đối tượng có thu nhập thấp và nghèo nhất Hàn Quốc. Song, nhiều cô dâu Việt đã mang theo “giấc mơ Hàn” về một cuộc sống sung túc, mà chưa thực sự hiểu năng lực kinh tế của người chồng Hàn Quốc - bà Kim Young Shin cho biết.

Sống ở nông thôn

Trò chuyện với Lao Động, bà Kim Young Shin cho hay, bà đã từng thúc giục Chính phủ Hàn Quốc cần nâng cao nhận thức cho những người chồng Hàn Quốc và gia đình họ về văn hóa Việt Nam, để tránh những thảm kịch lặp lại..., bởi kết hôn quốc tế là sự hội ngộ của hai nền văn hóa. Không phải cứ đến Hàn Quốc là ngay lập tức các cô dâu Việt có thể ứng xử ngay như người Hàn Quốc.

“Tôi đã sống 20 năm tại Việt Nam, nhưng tôi vẫn là người Hàn. Tôi chỉ có thể nỗ lực tìm hiểu về Việt Nam qua lăng kính của Hàn Quốc, chứ tuyệt đối không thể hành động hay suy nghĩ hoàn toàn như người Việt được. Song, các ông chồng người Hàn cứ nhất mực đòi hỏi vợ đã “nhập gia” thì phải “tùy tục”. Đây là một vấn đề nghiêm trọng trong các cuộc hôn nhân quốc tế” - bà bày tỏ.

Bên cạnh đó, dù xã hội Hàn Quốc đang thay đổi, nhưng phần lớn cô dâu Việt thường theo chồng sinh sống tại các vùng nông thôn - nơi những ảnh hưởng của truyền thống vẫn rất nặng nề. Đây là thách thức mà các cuộc hôn nhân quốc tế phải vượt qua, đòi hỏi sự nỗ lực từ cả ba phía: Người vợ, người chồng và mẹ chồng.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/chenh-lech-tuoi-chong-han-vo-viet-la-16-tuoi-179670.bld