Chênh điểm Ngữ văn tại Lạng Sơn: Nếu khác quan điểm, sao không có bài tăng?

Đó là quan điểm của một tổ trưởng chấm Ngữ văn khi nói về 8 bài thi tự luận môn Ngữ văn tại Lạng Sơn bị hạ điểm sau chấm thẩm định.

"Viết kiểm điểm là do yêu cầu của tổ công tác"

Trong kết luận của tổ công tác bộ GD&ĐT về những nghi vấn điểm thi bất thường tại tỉnh Lạng Sơn nêu rõ, so với kết quả của sở GD&ĐT đã công bố ngày 11/7 thì trong 51 bài không có bài tăng điểm lên. Cụ thể: có 43/51 bài thi không thay đổi điểm, có 8 bài thi giảm điểm (chiếm 15,7%). Trong đó, có 4 bài thi giảm 1,25 điểm; 3 bài thi giảm 1,5 điểm; 1 bài thi giảm 1,75 điểm.

Riêng bài giảm 1,75 điểm thực chất chỉ giảm 1,25 điểm nhưng so với điểm của Hội đồng thi của sở GD&ĐT đã công bố thì đã cộng nhầm 0,5 điểm khiến thí sinh được tăng thêm 0,5 điểm so với thực tế điểm thi ghi trên bài.

Chiều 31/7, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, Hội đồng thi tỉnh này đã hoàn thành việc công bố điểm, cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho thí sinh có bài thi phải chấm thẩm định lại và in giấy chứng nhận tạm thời tốt nghiệp cho các thí sinh.

Cụ thể đối với những trường hợp thay đổi điểm sau khi chấm thẩm định, ông Thiệu cho hay: “Ngày 25/7 là hết hạn để các em thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng nên chúng tôi đã giải quyết xong việc công bố điểm chuẩn, cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho những thí sinh nằm trong danh sách có bài chấm thẩm định lại trước thời gian này".

Ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn.

Ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn.

Ngoài ra, Trưởng ban chỉ đạo thi Lạng Sơn cũng cho biết mới đây Sở đã yêu cầu tổ chấm Ngữ văn lên họp và yêu cầu các cô tự viết bản kiểm điểm, tường trình.

Giải thích về lý do yêu cầu giáo viên viết tường trình, kiểm điểm, ông Thiệu nói: “Việc này là do yêu cầu của tổ công tác của bộ GD&ĐT, nên chúng tôi đã làm theo. Tất nhiên, thì việc chấm môn Văn ngoài barem hướng dẫn của bộ GD&ĐT thì cũng còn phụ thuộc vào cảm nhận của mỗi người. Dẫu sao thì đây cũng là việc nên làm để địa phương rút kinh nghiệm trong những kỳ thi tiếp theo”.

Trước băn khoăn của PV về năng lực giáo viên chấm thi môn Ngữ văn vừa qua của địa phương, ông Thiệu khẳng định những người được lựa chọn là những người tốt nhất: “Hội đồng thi đã chọn những cô có năng lực tốt nhất để tham gia chấm thi. Còn sự chênh lệch điểm giữa lần công bố và lần chấm thẩm định là do cảm nhận của mỗi người”.

Chênh 2 điểm có bình thường?

Trao đổi với PV về quy trình chấm môn Ngữ văn, Tổ trưởng chấm thi tự luận tại một địa phương phía Bắc nói: “Ngay sau khi khai mạc Chấm thi thì các giáo viên sẽ cùng nhau chấm chung tối thiểu 10 bài để thống nhất cách chấm và quan điểm. Việc chấm thi phải tuân thủ đúng quy trình của bộ GD&ĐT, tuyệt đối không có sai sót, đảm bảo tối đa quyền lợi của thí sinh”.

Cụ thể đi vào việc chấm bài, giáo viên này cho biết việc chấm Ngữ văn không giống như chấm những môn khác, người chấm cần có sự linh động nhưng vẫn phải đảm bảo đúng quy định.

“Trong quy chế thi tốt nghiệp THPT đã dự liệu sự chênh lệch của các môn tự luận. Mỗi sự chênh lệch đó đều có cách xử lý, nếu chênh nhau 0,5 thì là bình thường, chênh 1 điểm thì các cô sẽ đối thoại với nhau, chênh từ 2 điểm trở lên thì sẽ mời người tổ trưởng chấm lại. Điểm công bố sẽ là điểm của Tổ trưởng quyết định”, vị này nói.

Đi cụ thể vào trường hợp 8 bài chênh môn Ngữ văn tại Lạng Sơn, vị này nói: “Tất nhiên là chấm Ngữ văn do quan điểm của từng người, nên việc chênh điểm sau khi chấm thẩm định cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cũng cần xem xét xem liệu có sự ưu ái nhất định với bài thi của tỉnh nhà hay không? Bởi trong kết luận thì chỉ có điểm giảm đi chứ không có điểm chênh lên. Nếu khác nhau về quan điểm thì sẽ có bài tăng, bài giảm, chứ khó mà bài nào cũng giảm như vậy”.

“Dẫu sao thì tôi cũng tin tưởng vào kết quả chấm thẩm định của bộ GD&ĐT”, vị này nói thêm.

Công Luân

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/cham-diem-mon-ngu-van-khac-ve-quan-diem-sao-khong-co-bai-tang-a380059.html