Chen lấn dâng sao giải hạn: Do người dân hiểu sai

Phật giáo không có lễ dâng sao giải hạn mà chỉ có cúng cầu an, nhưng do người dân hiểu sai mình bị 'sao chiếu hạn' nên tìm cách giải.

Trước thềm năm mới 2020, Ban Trị sự Tổ đình Phúc Khánh (TP. Hà Nội) thông tin về việc tổ chức lễ cúng cầu an đầu năm mới cho người dân sẽ không còn cảnh ngồi tràn ra mặt đường Tây Sơn như mọi năm.

Để thực hiện được điều này, Tổ đình Phúc Khánh sẽ bố trí các khóa lễ phù hợp với lượng người tham dự. Các Phật tử dự lễ sẽ ở trong khuôn viên chùa chứ không ngồi tràn ra đường như mọi năm.

Việc Tổ đình Phúc Khánh thay đổi khóa lễ cầu an đầu năm được đưa ra sau khi có văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng dẫn việc tổ chức nghi lễ nguyện cầu bình an phục vụ nhu cầu xã hội trong dịp Tết cổ truyền Xuân Canh Tý 2020.

Cảnh người dân ngồi chật kín đường khi cúng "dâng sao giải hạn" dịp đầu năm tại Tổ đình Phúc Khánh.

Cảnh người dân ngồi chật kín đường khi cúng "dâng sao giải hạn" dịp đầu năm tại Tổ đình Phúc Khánh.

Ngày 22/1/2020, trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, Đại đức Thích Thanh Khang chia sẻ, từ nhiều năm nay người dân đang có sự hiểu nhầm về lễ cầu an của Phật giáo thành lễ "dâng sao giải hạn".

"Trong giáo lý nhà Phật, không có lễ dâng sao giải hạn mà chỉ có lễ cầu an cho nhân dân. Một người làm nhiều việc có lỗi với lương tâm và người khác thì không có cách nào có thể giải hạn được cho mình. Chỉ khi, người đó sám hối, nhận ra được những lỗi lầm để có được sự an nhiên trong tâm và cho xã hội" - Đại đức Thích Thanh Khang nói.

Vị Đại đức này cũng chỉ ra, trong cuộc sống phát triển ngày nay, khi mà có sự phân hóa giàu nghèo rõ rệt, con người có thêm nhiều nỗi lo, gánh nặng thì lại dễ bị rơi vào mê muội, nghĩ rằng "sao xấu" chiếu mệnh nên gặp phải những điều tai ương trong cuộc sống.

Tuy nhiên, những tai ương xảy đến đều là Luật Nhân - Quả mà ra. "Nếu chúng ta không làm việc xấu, không quá tham lam thì sẽ không phải gặp những điều tai ương" - Đại đức Thích Thanh Khang nói.

Thượng tọa Thích Gia Nguyễn - Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Bình cũng cho hay, việc người dân ngồi tràn ra lòng lề đường cúng cầu an mỗi năm ở chùa Phúc Khánh là đang tự đem đến nguy cơ tại họa cho mình và khiến cho nhiều người khác bị ảnh hưởng.

"Cúng giải hạn nhưng hạn giải được chưa thì không biết nhưng chính bản thân người đó lại đem đến hạn cho mình khi phải chen lấn, xô đẩy nhau. Hơn nữa, trong Phật giáo chỉ có cúng cầu an - cầu cho bản thân, gia đình, xã hội bình an. Không có vị thần, phạt nào có thể giải được hạn cho người khác trừ khi chính bản thân người đó tự giải hạn cho mình bằng cách thành tâm sám hối..." - Thượng tọa Thích Gia Nguyễn bày tỏ.

Ngọc Khánh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/chen-lan-dang-sao-giai-han-do-nguoi-dan-hieu-sai-3395657/