Chelsea vs MU - trận đấu đi tìm giá trị

Ngày 25/1/2021, Chelsea đưa ra tin sốc khi quyết định sa thải huấn luyện viên Frank Lampard, huyền thoại và thần tượng ở sân Stamford Bridge.

Đối lập với bên MU, Ole Gunnar Solskjaer yên bình đứng đó, trong giông bão hay trên đà chiến thắng, chiếc ghế vẫn vững như bàn thạch. Hình ảnh đối lập như cho thấy sự khác biệt văn hóa giữa hai đội bóng này.

Lúc 23h30 ngày 28/2, khi Chelsea gặp Manchester United, đấy là trận đấu đi tìm giá trị. Trong lựa chọn hôm nay, bên nào mới là đúng?

Tháng 7/2003, tỷ phú người Nga Roman Abramovich mua lại Chelsea, giống như một phù thủy với cây đũa thần đến và hỏi “Tại sao con khóc”.

Roman Abramovich đem đến cho Chelsea vinh quang, tiền bạc, bước lên mâm trên, xen vào thế song mã của Manchester United với Arsenal và dần trở thành thương hiệu có tính toàn cầu, với viên ngọc trên đỉnh vương miện là chức vô địch Champions League mùa giải 2011/12.

Trong kỷ nguyên của ông chủ người Nga, Chelsea giành 5 danh hiệu vô địch Premier League. Và 5 cũng là con số mà Alex Ferguson có thể có được từ khi Chelsea đổi chủ. Cùng khoảng thời gian đó (2003-2021), cả hai đội đều có một lần vô địch Champions League, 1 lần về nhì, nhưng Chelsea thậm chí có mặt ở bán kết giải đấu danh giá nhất châu Âu nhiều hơn MU.

Ở FA Cup, trong khi MU có 2 chiếc cup vào mùa 2003/04 và 2015/16, thì Chelsea có 5 lần giương cao danh hiệu ở đấu trường này. Có nghĩa là gì?

Trên một bình diện lịch sử kéo dài từ khi thành lập đội bóng, Manchester United có thể trên tầm Chelsea. Nếu xét riêng trong kỷ nguyên của Roman Abramovich, Manchester United chưa chắc hơn Chelsea.

 Solskjaer sẽ đối đầu với Tuchel đêm nay. Ảnh: Getty.

Solskjaer sẽ đối đầu với Tuchel đêm nay. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, trong kỷ nguyên của ông chủ người Nga lại có một vấn đề khá đặc sắc. Thứ nhất là ông luôn cố gắng đi tìm bản sắc cho đội bóng áo xanh.

Trong cuốn tự truyện nổi tiếng “Quiet Leadership: Winning Hearts, Minds and Matches” (tạm dịch: nhà lãnh đạo thầm lặng) của Carlo Ancelotti, chiến lược gia này đã kể lại lời yêu cầu của Abramovich cho mình, đó là: “Tôi muốn tìm một nhà cầm quân có thể mang lại cho Chelsea bản sắc. Bởi vì tôi không nhìn thấy bản sắc lúc xem Chelsea thi đấu. Đấy là thứ người ta dễ dàng nhận ra ở Barcelona và Manchester United. Tuy nhiên, chúng tôi chưa có thứ bản sắc ấy”.

Có một thực tế đã bị hiểu lầm theo kiểu đóng đinh suốt hơn một thập niên qua về việc Abramovich luôn “đua đòi” cái gọi là “sexy football”. Nếu bị ám ảnh vì điều này, ông đã không chọn nhiều các chiến lược gia Italy đến vậy (Roberto Di Matteo, Antonio Conte…). Hay kể cả Felipe Scolari, cũng là một bậc thầy thực dụng nổi tiếng của Brazil. Điều ám ảnh Abramovich đơn giản là hai chữ “bản sắc”.

Phòng ngự cũng được, mà tấn công cũng được, chỉ cần người ta nhìn vào biết đó là Chelsea. Cho nên điều thứ nhất đã dẫn đến điều thứ hai, 19 năm làm chủ tịch đội bóng London, Abramovich thay 16 HLV từ chính thức đến tạm thời.

Tổng số tiền đền bù hợp đồng cho các HLV kia lên tới 112,5 triệu bảng. Đây cũng xứng đáng là kỷ lục hiếm có của một đội bóng lớn từng bỏ ra chỉ để chi cho việc đền bù hợp đồng.

Ở phía Manchester United thì ngược lại, có một thống kê khá thú vị như sau về lịch sử của Manchester United. Đấy là họ đã giành 20 danh hiệu vô địch quốc gia, nhưng số HLV mang đến cho họ con số khổng lồ này có vỏn vẹn đúng 3 người.

Đấy là Ernest Mangnall, người mang đến cho MU những danh hiệu vô địch đầu tiên trong những năm đầu thế kỷ 20, kế đó là Sir Matt Busby huyền thoại với 5 danh hiệu vô địch vắt qua hai thập niên 50-60 thế kỷ trước, và cuối cùng đương nhiên là Alex Ferguson với 13 danh hiệu vô địch Premier League.

Tổng số năm cầm quyền của 3 HLV này lên tới 60. Điều đó nói lên cho bạn hai điều, thứ nhất là MU coi trọng sự ổn định.

Thứ hai là thành tựu của đội bóng thường rơi vào tay “người được chọn” (143 năm thành lập mà chỉ có 3 HLV giành danh hiệu). Cho nên, trong huyết quản của “Quỷ đỏ” không có sự ăn xổi.

Ngược lại, đội bóng có thừa sự kiên nhẫn nếu nhìn ra chính người đang cầm quân kia có dáng dấp của một “kẻ được chọn” mới. Câu hỏi: phải chăng họ đang nhìn thấy Ole Gunnar Solskjaer điều đó? Rất có thể.

Solskjaer luôn có gặp may khi cần. Ảnh: Getty.

Chẳng hạn như cái cách “chân mệnh thiên tử” lựa chọn ông vào những tình huống ngặt nghèo vậy. Bằng chứng là kể cả khi chịu nhục với tỷ số đậm đà 1-6 trước Tottenham, bị loại khỏi Champions League dù có trong tay 9 điểm, hay trắng tay 2 mùa giải liên tục và thường bị loại ở bán kết, thì ban lãnh đạo MU vẫn xuất hiện sự kiên nhẫn kỳ lạ của Phó chủ tịch Edwood.

Cứ khi nào sắp lên đoạn đầu đài, Solskjaer lại biết cách giành chiến thắng. Có câu nói “Những người suýt chết thường sống rất dai”, con người Ole chính là vậy chăng?

Thế còn trường hợp của Frank Lampard thì sao? Dù được các nhà chuyên môn đánh giá cao về tiềm năng chiến thuật, đấu pháp, đặt cao hơn hẳn Solskjaer, Lampard khi cần thắng thì lại thua, và khi cần thể hiện được tài năng cầm quân với 200 triệu bảng mua sắm thì lại “gãy”. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khiến Chelsea hành động trong việc trảm Lampard, chính là thói quen của Roman Abramovich.

Một người đã dám thay 15 HLV trước đó, thì có tiếc gì mà không xuống tay với người thứ 16, nếu thấy đội nhà đang thua nhiều hơn thắng, và nếu nhìn lại cái quy luật cứ khi nào sa thải HLV thì đội nhà lại đá tốt lên?

MU đá tốt khi họ ổn định. Chelsea đá hay khi thay đổi. Chelsea là điển hình của câu nói “Thay đổi hay là chết”, thì MU lại là điển hình của câu nói “Sự kiên nhẫn đắng chát, nhưng quả của nó lại ngọt".

Đêm nay, khi họ gặp nhau, đấy không đơn thuần là Super Sunday, là trận cầu 6 điểm cho top 4, mà cả hai còn mang những giá trị ngầm lớn lao hơn, khi hai bên sẽ cùng nhau xác định xem chân giá trị nào sẽ chiến thắng trong cuộc chiến hôm nay? Đổi thay hay kiên nhẫn.

Phương Mộc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chelsea-vs-mu-tran-dau-di-tim-gia-tri-post1188097.html