'Chệch đường ray' trong chuyển giao quyền lực ở Đức

Kế hoạch chuyển giao quyền lực quan trọng của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã 'chệch đường ray' sau khi người kế nhiệm do đích thân bà lựa chọn là Annegret Kramp-Karrenbauer bất ngờ rút khỏi vị trí nổi bật này.

Thất bại tự tạo

Kramp-Karrenbauer, hay còn được biết đến là AKK, là nhân vật vốn được bà Merkel “chọn mặt gửi vàng”, nhưng hôm 10/2 thông báo rằng, bà sẽ không đứng trên cương vị ứng viên đại diện cho đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) ra tranh cử Thủ tướng Đức trong cuộc bầu cử liên bang sắp tới. Không những thế, theo thông tin từ văn phòng báo chí của CDU, bà cũng đã từ chức chủ tịch của đảng này.

Bà Kramp-Karrenbauer (trái) lên nắm quyền lãnh đạo Đảng CDU của Đức từ cuối 2018 và tưởng như sẽ kế nhiệm Angela Merkel ở chức thủ tướng, đã bất ngờ từ bỏ tất cả. Ảnh: Reuters

Bà Kramp-Karrenbauer (trái) lên nắm quyền lãnh đạo Đảng CDU của Đức từ cuối 2018 và tưởng như sẽ kế nhiệm Angela Merkel ở chức thủ tướng, đã bất ngờ từ bỏ tất cả. Ảnh: Reuters

Cần nhắc lại, sau gần 15 năm nắm giữ vai trò thủ tướng, năm 2018, bà Merkel đã tuyên bố rằng sẽ không tiếp tục tranh cử khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào năm 2021. Khi ấy, bà cũng từ chức lãnh đạo đảng CDU và tín nhiệm trao lại chiếc ghế này cho người kế nhiệm Kramp-Karrenbauer. Thế nhưng, chỉ hơn 1 năm sau đó, nỗ lực nhằm bảo đảm sự chuyển giao có trật tự quyền lực, cũng như di sản của Merkel, dường như đã tan thành mây khói.

Theo CNN, một số quan điểm cho rằng, mớ bòng bong này là sản phẩm do chính bà Merkel tạo ra. Henrik Enderlein - Hiệu trưởng Trường Quản trị Hertie tại Berlin nêu ý kiến: “Với tôi, thất bại này là biểu hiện cho thấy cách bà Angela Merkel thực thi quyền lực. Bà chưa bao giờ cho phép bất cứ ai trỗi dây trong chính quyền liên bang và trở thành một người kế nhiệm tự nhiên”. Theo Enderlein, sau khi Merkel thôi chức lãnh đạo CDU hồi năm 2018, có 3 ứng viên sáng giá nhất cho vị trí để trống là Friedrich Merz - người có nhiều năm hoạt động ngoài chính trường, cùng 2 chính khách khá non trẻ - đó là bộ trưởng y tế 38 tuổi Jens Spahn và bà Kramp-Karrenbauer.

“AKK (Annegret Kramp-Karrenbauer) khi ấy vẫn chỉ là một thống đốc khu vực khá thiếu kinh nghiệm của một bang nhỏ ở Đức”

Henrik Enderlein - Hiệu trưởng Trường Quản trị Hertie tại Berlin

Bà Merkel đã 4 lần đảm nhiệm chiếc ghế Thủ tướng Đức. Ảnh: DPA

Rối ren di sản chính trị của Merkel

Cũng bàn về câu chuyện đang dậy sóng trên sân khấu chính trị tại Berlin, Florian Hense - một chuyên gia phân tích làm việc tại ngân hàng Berenberg, nhận định rằng dù rối ren là vậy, song khả năng bà Merkel thay đổi quyết định và tái tranh cử vào năm 2021 là rất hãn hữu. Ông cho rằng Merz cùng Armin Laschet - thủ hiến bang North Rhine-Westphalia có thể sẽ là những ứng viên hàng đầu trong cuộc đua tranh chức lãnh đạo sắp tới. Merz đã để thua sít sao trước AKK hồi năm 2018, còn Hense tuyên bố ông có lẽ là người phù hợp hơn để đảm nhiệm vai trò tại đảng cực hữu, sự lựa chọn thay thế cho nước Đức so với các ứng viên lãnh đạo khác. Ông chắc chắn sẽ là một lựa chọn được lòng dân, nhất là đối với những ai đang trông ngóng một sự thay đổi lớn hơn khi thời đại của bà Merkel khép lại.

Merkel đã thành lập liên minh lớn với phe trung tả Dân chủ Xã hội (SPD), và một số thành viên trong CDU đã chỉ trích “bà đầm thép” bởi điều mà họ xem là động thái hướng tả. Merz - một luật sư doanh nghiệp từng dành suốt chục năm qua cống hiến trong công ty đầu tư BlackRock, sẽ là cái tên đưa đảng này thiên về cánh hữu. Cũng không loại trừ khả năng Spahn tuyên bố nhập cuộc, dù Hesse cho rằng cơ hội của ông có phần hạn chế hơn, bởi đây không phải là nhân vật được lòng số đông dân Đức.

Armin Laschet, Friedrich Merz và Jens Spahn là những ứng viên hàng đầu thay thế bà Angela Merkel, sau khi Kramp-Karrenbauer từ chức chủ tịch CDU. Ảnh: CNN

Cần phải khẳng định rõ, dẫu cho ai là người trở thành lãnh đạo kế tiếp của CDU, thì chắc chắn một điều rằng, người đó sẽ phải đối diện với thách thức là tái đoàn kết một đảng phái đã và đang bị chia rẽ sâu sắc. Chẳng đâu xa, sự chia rẽ ấy được bộc lộ hồi tuần trước, khi một nhánh khu vực của CDU tại bang Thuringia ở phía Đông nước Đức, phá vỡ điều được cho là cấm kỵ suốt nhiều thập kỷ và hợp sức với AfD để chọn ra một ứng viên phe tự do trở thành thủ hiến bang này. Enderlein phân tích: “Thuringia là một ví dụ cho thấy cánh hữu trong CDU muốn tự chủ đưa ra quyết định và hợp tác ngầm với AfD cực hữu tới mức nào”.

Việc bà AKK không thể buộc các thành viên CDU tại Thuringia bám sát đường hướng chính thức của đảng này chỉ là “giọt nước tràn ly” trong một danh sách dài những động thái khiến vai trò lãnh đạo của bà trở nên yếu ớt. Phát biểu tại buổi họp báo đầu tuần này, bà cho biết quyết định từ chức thi thoảng từng nảy sinh trong suy nghĩ của mình, đồng thời kêu gọi đảng CDU trở nên “mạnh mẽ hơn hiện nay”.

Xét cho cùng, tuyên bố gây bất ngờ của AKK đã đẩy CDU nói riêng và toàn thể nước Đức nói chung vào thế bất ổn về chính trị. Một trong những hệ quả có thể có từ sự kiện này là giới lãnh đạo chính trị tại Đức sẽ dành tập trung lớn hơn vào các vấn đề trong nước. Nếu vậy, đây có thể là tin chẳng mấy vui vẻ với Liên minh châu Âu, vốn đang gồng mình xây dựng ban lãnh đạo hùng mạnh trong quá trình “hồi phục” từ cuộc ly hôn với Anh, tức Brexit.

Tuyên bố gây bất ngờ của AKK đã đẩy CDU nói riêng và toàn thể nước Đức nói chung vào thế bất ổn về chính trị. Ảnh: DPA

Giới quan sát cho rằng, tình thế hiện hữu cho thấy bà Merkel vẫn là “hòn đá tảng” trong nền chính trị nước Đức. Vị nữ chính khách từng 4 lần đảm nhiệm cương vị thủ tướng này sắp sửa rời chính trường, nhưng chắc chắn rằng bà không hề muốn gắn di sản của mình với 2 từ “bòng bong”. Chỉ có điều, rất có thể đây chính là kịch bản khả thi nhất. Sự ra đi của bà Merkel sẽ để lại một khoảng trống lớn, sẽ gây bất ổn sâu cho hệ thống chính trị nước Đức, và đón chờ nền dân chủ nghị viện này là những thăng trầm thử thách không hề đơn giản trong tương lai không xa.

Hoàng Bách

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/chech-duong-ray-trong-chuyen-giao-quyen-luc-o-duc-262289.html