Chè trân châu hoa quả và những món chè thơm ngon, dễ làm

Mùa hè sắp đến, để giải khát vào những ngày nóng nực, hãy thử ngay công thức những món chè ngon và dễ làm dưới đây.

Chè dừa non

Chè dừa non.

Chè dừa non.

Nguyên liệu

Phần thạch rau câu lá dứa:

- 200gr lá dứa

- 500ml nước trắng

- 6gr bột rau câu con cá dẻo

- 100gr đường cát trắng

Phần chè dừa non:

- Ba trái dừa non (chọn dừa không non quá và già quá, nên chọn loại giống như làm mứt dừa non)

- Đường cát trắng: 200gr

- Sữa tươi không đường: 200ml

- Một hộp cốt dừa

- Nước trắng: 400ml

- 100gr bột báng

Cách làm

- Bạn làm phần thạch lá dứa trước, cách làm như sau:

Lá dứa rửa sạch, tráng qua một lần nước sôi cho sạch rồi cắt khúc bỏ vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn lọc lấy phần nước cốt nhất.

Trộn đường với bột rau câu con cá dẻo, ngâm vào 500ml nước cho nở rồi bắc lên bếp đun sôi. Sau khi sôi bắc ra đổ phần nước cốt lá dứa vào khuấy đều. Cách này giữ màu lá dứa cho đẹp. Hớt hết bọt nổi lên trên phần thạch rồi đổ ra khuôn.

- Làm phần chè dừa non:

Bột báng ngâm với nước trắng khoảng 15 phút rồi cho lên bếp, đun lửa vừa, luộc đến khi chín. Vớt ra bát, rửa vài lần nước rồi để riêng. Trong quá trình luộc thỉnh thoảng khuấy đều để bột báng không bám vào đáy nồi gây cháy khét.

Dừa non bổ làm đôi dùng thìa cứng cậy lấy phần cơm dừa, gọt bỏ hết phần vỏ nâu phía ngoài cơm dừa, rửa sạch, cắt miếng nhỏ rồi lại rửa qua vài lần nước nóng cho sạch dầu. Để ráo.

Bắc nồi lên bếp cho 400ml nước trắng, thêm đường, cùi dừa non cắt nhỏ đun sôi trong vòng 20 phút. Sau đó cho bột báng, nước cốt dừa, sữa tươi vào khuấy đều các nguyên liệu, để sôi thêm vài phút rồi bắc ra.

Nếu muốn chè dừa non hơi sền sệt có thể cho thêm 2-3 thìa cà phê bột ngô hoặc bột năng vào.

Chè đậu xanh nha đam

Chè đậu xanh nha đam.

Nguyên liệu

- 2 lá nha đam

- 200gr đậu xanh không vỏ

- 30gr bột sắn dây hoặc bột năng

- Đường phèn hoặc đường cát trắng

- Muối tinh

- Nước cốt dừa (mua hộp sẵn hoặc tự làm)

Cách làm

- Nha đam cắt thành từng khúc nhỏ, dùng dao gọt sạch phần vỏ bên ngoài. Nha đam sẽ bị đắng dù chỉ một ít vỏ xanh bám lại. Gọt lần lượt cho đến hết, rửa lại nhiều lần cho nha đam sạch nhớt và mủ.

- Mang nha đam ra cắt thành hạt lựu nhỏ, tiếp tục rửa lại nhiều lần nước, vừa rửa vừa lấy tay bóp nhẹ nhàng tránh cho nha đam bị nát. Rửa đến khi thấy sạch nhớt là được.

- Cho khoảng 1,5l nước vào nồi đun sôi. Thả nha đam vào luộc đến khi nước sôi lại khoảng 10 phút thì vớt nha đam ra bát nước đá để nha đam được giòn hơn. Đợi nha đam nguội tiếp tục vớt nha đam ra một cái bát, thêm vào đó vài thìa canh đường để nha đam có vị ngọt ngon hơn khi ăn cùng chè. Ngâm như vậy khoảng 20-30 phút cho ngấm đường.

- Đậu xanh vo thật sạch ngâm nước trong 2-3h. Cho đậu xanh vào nồi đổ ngập nước đun sôi, không đậy vung để tránh khi sôi bị trào, hớt bọt, thỉnh thoảng khuấy đều.

Đậu nhừ thì cho đường phèn hoặc đường cát trắng, thêm khoảng 1/2 thìa cà phê muối tinh để chè được đậm đà hơn. Cho 30gr bột sắn dây hoặc bột năng ra bát, thêm vào chút nước khuấy cho tan bột rồi đổ từ từ vào nồi chè, vừa đổ vừa khuấy đều cho nồi chè được sánh theo ý thích.

Đổ tất cả nha đam vào nồi chè cho sôi lại rồi tắt bếp. Khi ăn múc chè ra bát, thêm đá và nước cốt dừa sánh mịn rất ngon.

Cách làm nước cốt dừa: cho 200ml nước cốt dừa vào nồi, thêm 50ml nước trắng, đun sôi cốt dừa thêm vào 2-3 thìa canh đường, một nhúm muối nhỏ để cốt dừa được đậm đà hơn. Cho 2 thìa canh bột năng ra bát, hòa chút nước khuấy cho bột năng tan rồi đổ vào nồi cốt dừa, đun sôi nhỏ lửa cho sánh mịn rồi tắt bếp.

Chè hoa quả trân châu dẻo

Chè hoa quả trân châu dẻo.

Nguyên liệu

- Dưa hấu, dâu tây, bơ, xoài, thanh long...hoặc các loại quả theo ý thích

- Bột năng

- Nước cốt dừa

- Đường phèn hoặc đường thốt nốt

Cách làm

- Đun sôi một nồi nước nhỏ, khoảng 1 lít nước với đường phèn hoặc đường thốt nốt, tùy độ ngọt của mỗi người mà gia giảm. Thêm vào 2 thìa canh nước cốt dừa, khuấy đều, đun sôi và để nguội.

- Các loại hoa quả đem gọt vỏ, cắt hạt lựu nhỏ, để riêng từng loại cất ngăn mát tủ lạnh.

Cách làm trân châu:

- Tùy vào lượng người ăn mà làm nhiều hay ít. Có thể cho 100gr bột năng ra bát to, thêm 1 thìa canh nước cốt dừa, đun sôi nước thật nóng già rồi đổ từ từ vào phần bột năng. Thấy đủ thì dừng lại. Dùng thìa khuấy đều cho bột bớt nóng rồi đi bao tay vào nhào bột. Nếu bột nhão thì thêm bột khô vào nhào đến khi thành khối dẻo mịn là được.

- Nhanh chóng vê tròn thành những viên bi nhỏ. Thao tác phải nhanh chóng vì bột nhồi xong rất nhanh khô. Tiếp tục đun sôi một nồi nước, thả những viên trân châu vào luộc, đến khi nổi lên thì tắt bếp. Đậy vung một lúc rồi hãy vớt ra bát nước lạnh. Đợi nguội vớt ra bát thêm vài thìa đường đảo đều.

- Khi ăn múc các loại hoa quả trộn với nhau, thêm đá, chan nước đường và thả vài viên trân châu vào thưởng thức.

Chè khúc bạch

Chè khúc bạch.

Nguyên liệu

- 250ml sữa tươi

- 250ml whipping cream (kem tươi)

- 15gr gelatin

- Hạnh nhân lát

- Vải, nhãn tươi

- Dầu hạnh nhân nếu có

- Đường cát

- Thêm hoa quả: dâu,xoài...nếu thích

- Bột trà xanh, siro dâu, bột ca cao tạo màu nếu thích.

- Khuôn đựng

Cách làm

- Cho bột hoặc lá gelatin ra bát, thêm chút nước ngâm trong 10-15 phút cho nở.

- Đổ kem tươi whipping cream vào nồi đun nhỏ lửa cho ấm nóng, cho 4-5 thìa canh đường vào khuấy cho tan, tiếp theo đổ sữa tươi vào để hỗn hợp sang một bên.

- Đun sôi nước, lấy một cái bát to đổ nước sôi vào. Đặt bát gelatin giữa bát to, dùng thìa khuấy đều. Nếu đặc quá cho thêm chút nước, khuấy cho gelatin tan chảy. Sau đó từ từ đổ hỗn hợp vào nồi sữa, tinh dầu hạnh nhân, whipping cream, khuấy đều các nguyên liệu rồi đổ ra khuôn. Để vào ngăn mát 4-5h lấy ra cắt miếng nhỏ theo ý thích.

- Hạnh nhân lát rang vàng để nguội.

Nếu dùng nhãn tươi hoặc vải tươi thì bóc vỏ, khéo léo bỏ hạt, đun chút nước với đường phèn, nước sôi bắc noi xuống thả nhãn hoặc vải vào để nguội.

- Khi ăn bỏ khúc bạch vào bát to, chan nước đường nhãn, vải, thêm dâu tây và các loại hoa quả theo sở thích, rắc hạnh nhân lên trên.

- Nếu dùng vải hoặc nhãn đóng hộp thì chỉ việc chan nước vải nhãn có sẵn.

- Nếu muốn vị dâu, bạn cho siro dâu vào hỗn hợp.

- Không nên đun quá nóng các hỗn hợp, nhất là gelatin vì sẽ làm cho hỗn hợp khó đông.

- Nên dùng khuôn để đựng thạch sẽ dễ lấy khúc bạch ra hơn đối với các bạn mới làm.

Tô Hưng Giang

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/che-tran-chau-hoa-qua-va-nhung-mon-che-thom-ngon-de-lam-105086.html