Chế tạo thực quản tế bào gốc để nghiên cứu bệnh

Lần đầu tiên các nhà khoa học đã làm ra thành công thực quản bằng chính tế bào gốc của bệnh nhân, mở ra triển vọng chế tạo cả hệ thống tiêu hóa để nghiên cứu bệnh lý.

Hình ảnh lớp mô thực quản làm bằng tế bào gốc do các nhà nghiên cứu bệnh viện Nhi đồng Cincinnati chế tạo.

Thành công này là chiến thắng mới nhất của các nhà nghiên cứu bệnh viện Nhi đồng Cincinnati (Hoa Kỳ) trong nỗ lực làm ra cả hệ thống tiêu hóa trong phòng thí nghiệm.

Thực quản là ống cơ quan trọng giữa họng và dạ dày, có chức năng co bóp để đẩy thức ăn xuống bên dưới. Vì thế bất kỳ vấn đề nào ở đây đều có thể làm xáo trộn quá trình dinh dưỡng.

Để hiểu đầy đủ những bệnh lý của ống tiêu hóa, các nhà khoa học cần “nhìn ngắm” toàn bộ hệ thống, mỗi thành phần kết nối với nhau và ảnh hưởng đến thành phần kế tiếp.

Trước đó các nhà nghiên cứu ở đây cũng “làm ra” được dạ dày, gan ruột non và đại tràng. Giờ đây họ có thêm thực quản, nghĩa là chỉ còn miệng, tuyến tụy, mật và hậu môn.

Nhưng ngay cả khi hiện diện một mình, thực quản tế bào gốc cũng có thể là cơ hội lớn cho các nhà khoa học để nghiên cứu những bệnh thông thường và ung thư thực quản mà không cần hỏi bệnh nhân như khi làm các test xâm lấn gây đau hay chờ cho đến khi họ mắc bệnh.

Chẳng hạn chỉ cách đây 20 năm, các bác sĩ đã khám phá một bệnh gọi là viêm thực quản tăng bạch cầu (eosinophilic esophagitis), là một dạng mà bạch cầu máu đặc biệt hiện diện ở thực quản. Bình thường những tế bào miễn dịch này giúp bảo vệ bệnh nhân chống nhiễm trùng, nhưng khi quá nhiều, chúng lại gắn kết và có mặt ở thực quản. Điều này làm cho ống thực quản bị viêm, sưng phù, khiến bệnh nhân khó nuốt.

Trước nay y học đặt giả thiết bệnh này do những phản ứng của thức ăn hay trào ngược thực quản, nhưng bệnh khá mới và người ta chưa hiểu biết đầy đủ. Nếu có được thực quản tế bào gốc, bí ẩn có thể được sáng tỏ. Nhưng không chỉ bệnh này, người ta còn hiểu biết đầy đủ nhiều bệnh lý khác.

TS Jim Wells, người chủ trì nghiên cứu nói: “Có nhiều bệnh lý thực quản và tần suất người dân mắc khá nhiều. Vì thế nếu có mô hình thực quản sống động, y học sẽ có được nhiều hiểu biết hơn”.

Châu Giang
(theo ScienceDaily)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/tin-doanh-nghiep-c-159/thoi-su-tieu-dung-c-178/che-tao-thuc-quan-te-bao-goc-de-nghien-cuu-benh-97142.html