'Chế tạo máy đo lực cắn ở người' đạt giải Nhất iUMP lần 1- năm 2020

Trải qua hơn 2 tháng xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc và sự nỗ lực không ngừng, Đội Rahama56 với sản phẩm 'Chế tạo Máy đo lực cắn ở người' đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi sáng tạo, khởi nghiệp trong Y tế (iUMP) lần 1 năm 2020.

 "Chế tạo máy đo lực cắn ở người” đạt giải Nhất iUMP lần 1- năm 2020

"Chế tạo máy đo lực cắn ở người” đạt giải Nhất iUMP lần 1- năm 2020

Ngày 10/10, Trường ĐH Y dược TPHCM tổ chức Vòng Chung kết iUMP lần 1 năm 2020. Tham dự vòng chung kết có 12 đội thi được tuyển chọn sau hơn 2 tháng tổ chức.

Chặng đường tiến đến vòng chung kết, các đội thi đã vượt qua hơn 150 ý tưởng từ vòng loại, gay cấn với “INNOVATHON” - Cuộc đua ý tưởng và rèn luyện thông qua vòng Đấu trường ý tưởng. Các đội thi được 05 chuyên gia đến từ các lĩnh vực trực tiếp đào tạo về Design thinking, Patent, Business Model Canvas đến Pitching - Pitch Deck… và sự sâu sát, tâm huyết của gần 20 mentor đồng hành trong thời gian 30 ngày đã giúp các đội có những phát triển vượt bậc, hoàn thiện nhất những ý tưởng, sản phẩm của mình.

Phát biểu tại Vòng Chung kết, PGS.TS. Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TPHCM cho rằng đây là một sân chơi về sáng tạo khởi nghiệp về y tế dành cho không chỉ sinh viên Y Dược mà còn cho các đơn vị trường bạn để cùng hỗ trợ nhau và làm nên những ý tưởng xuất sắc. “Nền y tế của Việt Nam hiện nay mở ra cho các bạn rất nhiều cơ hội để tìm kiếm ý tưởng đổi mới sáng tạo. Là những y bác sĩ tương lai, chúng ta phải luôn đặt cho mình những câu hỏi, những thắc mắc để từ đó tìm ra được những giải pháp hữu ích, phục vụ phát triển nền y tế nước nhà cũng như công cuộc chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, ông Tuấn nói.

Tại Vòng Chung kết, các đội thi trình bày ý tưởng, sản phẩm và mô hình kinh doanh khởi nghiệp của mình trước Ban Giám khảo và khách mời tham dự.

Các đội thi trình bày sản phẩm của mình trước Ban giám khảo

Kết quả, giải Nhất thuộc về Đội Rahama56 với sản phẩm chế tạo Máy đo lực cắn ở người; 2 giải Nhì thuộc về đội Medtech với sản phẩm Gậy đa năng CEMV và đội Pomelo Power với sản phẩm Nghiên cứu sản xuất viên nang giảm cân, hạ mỡ từ quả bưởi non.

2 giải Ba thuộc về đội EES với sản phẩm SIAI - Phần mềm phân tích và dự báo nhu cầu sử dụng thuốc tại khoa dược bệnh viện và đội Hội Cây Cỏ sạch vơísản phẩm Asco - Nền tảng giúp ngăn ngừa cơn hen cấp

Ngoài ra, BTC còn trao 5 giải Khuyến khích cho các đội gồm đội Học hỏi với sản phẩm Máy bốc thuốc tự động; Đội Mật ong với sản phẩm Chế phẩm bình xịt tạo màng phim chứa mật ong trị viêm loét miệng; Đội Tia chớp đen với sản phẩm Nghiên cứu quy trình sản xuất kẹo thảo dược đinh lăng; Đội Ortho-Innovation với sản phẩm Ứng dụng công nghệ in 3D và bioink trong điều trị thay thế xương thuyền ở bệnh nhân gãy xương thuyền không lành và đội Chào con với sản phẩm Mô hình 3D thai nhi sử dụng dữ liệu siêu âm.

Bên cạnh đó, đội EES với sản phẩm “SIAI - Phần mềm phân tích và dự báo nhu cầu sử dụng thuốc tại khoa dược bệnh viện” đã xuất sắc nhận được Học bổng "Study Trip to Korea" dành cho 2 người trị giá 40,000,000 VND bao gồm tiền vé máy bay, ăn, khách sạn và gặp gỡ học hỏi các công ty khởi nghiệp về Biotech và Y dược học tại Hàn Quốc do SM SINO TECHNOLOGY INVESTMENT tài trợ.

Đồng thời, các đội cũng đã mang về cơ hội tham gia cuộc thi đổi mới sáng tạo năm 2020 do Đại học NCKU Đài Loan tổ chức và 02 ý tưởng xuất sắc nhất được lựa chọn sẽ trở thành đại diện Đại học Y Dược TPHCM tham dự cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2020 do Bộ GD&ĐT tổ chức cũng như được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, Sở hữu trí tuệ và tìm kiếm sự hỗ trợ liên kết thực hiện ý tưởng.

Nguyễn Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/che-tao-may-do-luc-can-o-nguoi-dat-giai-nhat-iump-lan-1-nam-2020-1733563.tpo