Chế tài xử phạt đã đủ sức răn đe người vi phạm?

Nghị định 46/2016/NĐ-CP (NĐ46) ngày 26-5-2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2016 đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành của người tham gia giao thông nhờ tăng mức xử phạt. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, Nghị định cũng bộc lộ nhiều khó khăn trong công tác xử phạt của lực lượng có thẩm quyền, nhiều hành vi vi phạm cần tăng nặng xử phạt để đủ sức răn đe.

Lực lượng chức năng xử phạt người vi phạm an toàn giao thông.

Lực lượng chức năng xử phạt người vi phạm an toàn giao thông.

Khó khăn khi xử lý

Sáng 10-4, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã tổ chức Hội nghị sơ kết hai năm thi hành NĐ46. Phó Vụ trưởng Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục ĐBVN) Hoàng Hồng Hạnh đánh giá, hiện nay, mức xử phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 40 triệu đồng đối với cá nhân, thấp hơn so với mức phạt tiền của đường sắt, đường thủy nội địa trong khi tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của các hành vi vi phạm đường bộ có phần phức tạp, nguy hiểm hơn.

Theo bà Hạnh, trong hai năm thực hiện NĐ46, lực lượng Thanh tra giao thông đã thực hiện hơn 15 nghìn cuộc thanh tra; gần 200 nghìn cuộc kiểm tra, phát hiện hơn 240 nghìn vụ vi phạm, xử phạt hơn 500 tỷ đồng, tạm giữ 1.420 ô-tô. Lực lượng công an đã xử lý vi phạm trong lĩnh vực đường bộ hơn bảy triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 4.600 tỷ đồng; tước gần 600 nghìn GPLX, tạm giữ hơn gần 100 nghìn phương tiện; lĩnh vực đường sắt xử phạt gần 3.000 trường hợp, phạt tiền hơn 1,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bà Hạnh cho rằng, vi phạm trên đường cao tốc đang có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt tình trạng lùi xe, đỗ xe, đón trả khách trên đường cao tốc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) và đã có vụ việc bị khởi tố. Tình trạng sử dụng rượu bia, ma túy khi điều khiển phương tiện cũng tăng cao thời gian qua, gây ra một số vụ TNGT nghiêm trọng.

Về thực thi công vụ, bà Hạnh cho rằng vẫn còn một số cán bộ thực thi công vụ hạn chế về nghiệp vụ, chưa nắm vững các quy định liên quan, chưa phát huy tinh thần trách nhiệm trong quá trình giải quyết, xử lý vi phạm; để xảy ra một số vụ sai sót, tiêu cực. "Hiện cũng chưa có cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính, chưa có cơ chế chia sẻ và cung cấp thông tin các đối tượng vi phạm, nên rất khó xác định trường hợp vi phạm nhiều lần, tái phạm để xử phạt tăng nặng", bà Hạnh bày tỏ.

Cá biệt, nhiều hành vi vi phạm trong thực tế chưa thể xử lý vì thiếu phương tiện kỹ thuật như mức độ khí thải, âm lượng còi, độ ồn,... thậm chí hành vi lắp thêm đèn chiếu sáng trước xe ôtô gây ảnh hưởng, mất an toàn đối với xe đi ngược chiều hiện vẫn chưa được quy định trong Nghị định xử phạt.

Thừa nhận về quy định đối với người điều khiển chứng kiến khi lập bên bản vi phạm hành chính còn tồn tại nhiều khó khăn và vướng mắc, đại diện Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an (C08) cho rằng, tìm thêm một người làm chứng để ký vào biên bản lập hành vi vi phạm của chủ xe là không cần thiết, đồng thời gây bức xúc cho người lái xe phải chờ đợi để hoàn tất thủ tục, phức tạp cho các lực lượng chức năng.

“Luật Xử lý vi phạm hành chính yêu cầu xử phạt vi phạm phải có hai người làm chứng, vào ban ngày thì còn dễ chứ ban đêm thì lấy đâu hai người làm chứng,” đại diện C08 nêu bất cập, khó khăn trong thực tiễn.

Chưa kể, theo vị đại diện C08, thủ tục giải quyết các phương tiện bị tạm giữ như chủ xe, người vi phạm không đến nhận còn rườm rà, phức tạp vì thế số lượng phương tiện bị tồn đọng lớn gây lãng phí xã hội, tăng áp lực đối với cơ quan thực thi công vụ.

“Tình trạng khiếu nại trên mạng xã hội nhiều, trung bình mỗi ngày, Cảnh sát giao thông phải xử lý hơn 10 trường hợp khiếu nại, nhiều trường hợp anh em thực thi công vụ làm đúng cũng bị kiện, do vậy cần phải sửa NĐ46 vì người xử phạt và người vi phạm còn chưa đồng nhất,” đại diện C08 nhấn mạnh.

Một số hành vi như vi phạm nồng độ cồn, điều khiển xe khi trong cơ thể có chất ma túy, xe đi ngược chiều trên đường cao tốc,... có tính chất, mức độ nguy hiểm, khả năng gây tai nạn giao thông (TNGT) với hậu quả rất nghiêm trọng nhưng quy định hình thức xử phạt bổ sung gồm tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 4 đến 6 tháng hoặc 22 - 24 tháng là chưa đủ sức răn đe.

Đề xuất tăng nặng mức xử phạt

Tổng cục trưởng ĐBVN Nguyễn Văn Huyện cho biết, hiện nay, số lượng hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành rất ít, thậm chí nhiều trường hợp thanh tra viên không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính mà do Chánh Thanh tra Sở, thủ trưởng cơ quan quản lý đường bộ thực hiện.

Do đó, ông Huyện kiến nghị cần bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ cho Đội trưởng nghiệp vụ Thanh tra Sở GTVT, cơ quan quản lý đường bộ ở khu vực hay các đơn vị thuộc Cục Đường sắt.

Đại diện các cơ quan Nhà nước cũng kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, gồm tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ lên 80 triệu đồng đối với cá nhân; tăng thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, có thể tước bằng lái vĩnh viễn đối với một số hành vi vi phạm giao thông đường bộ có mức độ, tính chất đặc biệt nguy hiểm.

Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh nhận định, nếu chỉ sửa đổi Nghị định 46 mà không sửa đổi các Luật, Nghị định khác liên quan thì hiệu quả sẽ không cao.

“Giữa các cơ quan chức năng Nhà nước hiện chưa xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính, chưa có cơ chế chia sẻ và cung cấp thông tin các đối tượng vi phạm hành chính nên rất khó xác định đối với những trường hợp vi phạm nhiều lần, tái phạm để xem xét tình tiết tăng nặng trong xử lý vi phạm, do đó tính răn đe thấp, đồng thời cần tập trung các giải pháp khác như tuyên truyền, giải pháp đánh nặng vào “túi tiền” người vi phạm,” ông Minh cho hay.

Ngoài ra, Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng cần nghiên cứu quy định về việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép theo thủ tục hành chính để bảo đảm tính khả thi hoặc cho phép người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm có thẩm quyền được tạm giữ xe để ngăn chặn hành vi có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Lực lượng chức năng cũng kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung NĐ46 điều chỉnh mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi như vi phạm quy tắc giao thông trên đường cao tốc; nồng độ cồn và ma túy,...

Ngoài ra, Nhà nước cần tăng cường các điều kiện về trang thiết bị, chế độ cho người thực thi công vụ, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử phạt vi phạm hành chính.

Hiện nay, Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP chưa được ban hành, vì vậy, để bảo đảm tính ổn định, thuận lợi cho người dân và lực lượng chức năng, lãnh đạo Tổng cục ĐBVN và Cục Cảnh sát giao thông đề nghị Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ46 được ban hành sau khi Nghị định 86 được ban hành.

MINH TRANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/39811002-che-tai-xu-phat-da-du-suc-ran-de-nguoi-vi-pham.html