'Chế tài xử lý video nhảm chưa đủ tính răn đe'

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa của Quốc hội đánh giá nếu không có các biện pháp cương quyết hơn, nhiều người sẵn sàng nộp phạt để đăng video nhảm, câu view kiếm tiền.

Sở hữu hàng triệu lượt theo dõi, thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng, nhưng một bộ phận YouTuber đang mang lại nhiều thứ tiêu cực, độc hại cho xã hội hơn là những nội dung tốt.

Không phải chỉ một, hai trường hợp riêng lẻ mà việc sản xuất video nhảm nhí câu view đang dần trở thành một trào lưu bởi lợi nhuận khủng.

Trao đổi với Zing, ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nói đây là thực trạng rất đáng lo ngại. Ông đề nghị các lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt, cương quyết xử lý các trường hợp này.

Chưa đủ sức răn đe

- Video nhảm nhí, thô tục, câu view từ lâu đã trở thành "u nhọt" trên các nền tảng mạng xã hội. Vì sao việc quản lý của các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế?

- Công nghệ phát triển, sự bùng nổ của vô số nền tảng mạng xã hội đã ảnh hướng đến nhiều mặt của đời sống. Qua Internet, mọi người có thể tương tác với nhau dễ dàng hơn, nhanh hơn, thậm chí kết nối hàng triệu người cùng lúc.

Với xu thế như vậy, những điều tích cực mà nó mang lại là rất lớn, nhưng tất yếu là sẽ có nhiều hệ lụy. Video nhảm, rẻ tiền, trục lợi thông qua câu view được báo chí đề cập thời gian qua là thực trạng đáng buồn đó.

 Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Báo GDTĐ.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Báo GDTĐ.

Nguy hiểm ở chỗ chủ nhân những video này thời gian qua phần lớn thuộc thành phần giang hồ, vi phạm pháp luật, không ít đã bị khởi tố, đi tù.

Rồi gần đây thì hiện tượng Hưng Vlog, Bà Tân Vlog... là những kênh YouTube thường xuyên có những video nhảm nhí, vô bổ ảnh hướng xấu đến văn hóa nghe - nhìn của người dùng Internet và định hướng giáo dục, thẩm mỹ cho giới trẻ.

Chúng ta đã có những chế tài mạnh tay, kịp thời. Nhưng sự xuất hiện của các video như nấu cháo gà nguyên lông, hay diễn cảnh ăn trộm tiền cho thấy các chế tài đó đang chưa đủ tính răn đe.

Và công nghệ càng phát triển, việc sản xuất, phát tán các nội dung như vậy càng dễ dàng, tác động đến càng nhiều người và ngăn chặn càng khó khăn hơn.

- Các video dù có nội dung vô bổ và chất lượng rất kém, lại được YouTube trả nhiều tiền và thường xuyên có được các hợp đồng quảng cáo. Ông đánh giá thế nào về việc này?

- Đây là một thực tế. Phần lớn thu nhập của các YouTuber đơn thuần đến từ số view chứ không về chất lượng nội dung. Để sản xuất video như thế không đòi hỏi đầu tư quá nhiều công cụ, máy móc. Nội dung thì nhảm nhí, vô bổ, quay dựng sơ sài là có thể đăng lên mạng kiếm hàng chục triệu một ngày.

Điều này vô tình khuyến khích họ sản xuất nhiều nội dung tương tự để câu view, kiếm tiền bởi nó quá dễ dàng.

Nếu báo chí, dư luận không lên án, cơ quan quản lý không vào cuộc quyết liệt thì đây có thể trở thành một trào lưu cực kỳ nguy hiểm.

Tôi hoàn toàn tán thành với Chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cùng Bộ Công an vào cuộc, nghiên cứu xử lý nghiêm và có các biện pháp ngăn chặn sớm các nội dung "bẩn". Tôi mong lực lượng chức năng sẽ vào cuộc một cách cương quyết, kịp thời và có giải pháp phù hợp.

Hưng Vlog bị phạt 7,5 triệu đồng do đăng video nấu cháo gà nguyên lông. Ảnh cắt từ video.

Bất chấp vì lợi nhuận

- Có ý kiến cho rằng số tiền phạt chưa tương xứng với lợi nhuận từ những video độc hại này mang lại. Chúng ta có nên cân nhắc nâng mức chế tài với các hành vi tương tự?

- Các hành vi vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo quy định của pháp luật, vi phạm đến mức độ nào thì căn cứ vào khung hình phạt tương ứng để xử lý. Nhưng với hành vi đăng tải các video độc hại lên mạng thì cơ chế xử lý có vẻ chưa tương xứng.

Mỗi ngày, kênh của các Youtuber đó thu được từ vài chục đến hàng trăm triệu thì rõ ràng phạt 10 triệu là không đủ sức răn đe. Thậm chí trong trường hợp này, họ sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục vi phạm vì lợi nhuận quá lớn.

Tôi cho rằng đây là một căn cứ để cơ quan chức năng cân nhắc các biện pháp xử lý bên cạnh phạt hành chính.

- Thủ tướng muốn có các biện pháp cứng rắn, quyết liệt hơn khi giao Bộ Công an vào cuộc xử lý vấn đề này?

- Đúng như vậy. Ngoài việc không phù hợp với thuần phong mỹ tục, cổ súy cho những hành vi lệch lạc, sai trái, những video này có dấu hiệu vi phạm các quy định của Luật An ninh mạng, có các biểu hiện vi phạm pháp luật nhất định.

Khi nó bắt đầu trở thành một trào lưu, có dấu hiệu nghiêm trọng thì chúng ta phải có sự ngăn chặn kịp thời. Thủ tướng giao Bộ Công an nghiên cứu, áp dụng xử lý theo Luật An ninh mạng và thậm chí là Bộ luật Hình sự là hợp lý.

Các văn bản pháp luật được xây dựng ở một thời điểm nhất định. Trong khi đó, các vấn đề liên quan đến không gian mạng diễn biến nhanh, một thời gian ngắn có thể khiến các quy định không còn phù hợp.

Qua các sự việc vừa rồi, các cơ quan chức năng cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật tương ứng để sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa thêm các quy định. Từ đó mới có cơ sở xử lý triệt để các hành vi này.

Bên cạnh 2 video bị xử phạt, Hưng Vlog cũng có nhiều video có nội dung vô bổ, nhảm nhí. Ảnh cắt từ video.

- Các cơ quan quản lý về thông tin mới đang dừng lại ở việc phát hiện, xử phạt. Tuy nhiên, vì sao việc ngăn chặn, kiểm duyệt đang gặp nhiều khó khăn?

- Phần lớn mạng xã hội, nhất là các trang có nhiều người dùng, đều có máy chủ đặt ở nước ngoài. Các cơ quan quản lý của Việt Nam muốn gỡ các video có nội dung không phù hợp phải liên hệ đơn vị chủ quản để xử lý. Vậy việc kiểm duyệt sẽ khó khả thi.

Để ngăn chặn thì ta cần có chế tài xử lý nghiêm khắc để họ không vi phạm. Nếu vi phạm rồi, cơ quan quản lý cần có công cụ phát hiện, khẩn trương thông báo cho đơn vị quản lý trang mạng đó gỡ các video không phù hợp, vi phạm quy định pháp luật Việt Nam.

Sơn Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/che-tai-xu-ly-video-nham-chua-du-tinh-ran-de-post1140281.html