Chế tài nào với cha mẹ trong những vụ tai nạn trẻ em?

Ở Việt Nam, khi trẻ em gặp tai nạn, trách nhiệm của cha mẹ dường như bị bỏ quên.

Một buổi tối tháng 4 năm 2010, chị Raquel Nesol dắt theo 3 đứa con từ xe buýt bước xuống một trạm dừng ở thành phố Marietta, bang Georgia (Mỹ).

Bốn mẹ con chị vừa trở về từ bữa tiệc sinh nhật sớm được tổ chức chung cho chị và 2 con vì có ngày sinh sát nhau.

Nhà chị ở khu chung cư bên kia đường, nhưng phần vạch trắng dành cho người đi bộ cách đó những 500m. Mẹ con chị và nhiều người khác vừa xuống xe quyết định băng qua đường để đi gần hơn.

Ngay lúc đó, cậu con trai 4 tuổi A.J. Newman tuột khỏi tay chị. Bà mẹ vội chạy theo túm lấy tay cậu bé, nhưng mọi thứ diễn ra quá nhanh. Chiếc mô-tô lao tới..., chị gái cậu bé và cả Nelson. A.J. Newman tử vong ngay sau đó.

Dư luận Mỹ tranh cãi một thời gian dài về vụ việc này vì Nelson - bà mẹ vừa mới mất con - bị cáo buộc tội ngộ sát cấp độ 2 và phải đối mặt với mức án 3 năm tù giam. Trong khi đó, tài xế lái mô-tô - người trực tiếp gây ra cái chết của cậu bé Newman chỉ bị tuyên 6 tháng tù giam.

Hơn 1 năm sau, nhờ quá trình đấu tranh pháp lý mạnh mẽ cùng các luật sư, chị Nelson chỉ phải nộp phạt 200 USD vì tội sang đường sai quy định. Các tội danh khác của chị được xóa bỏ.

Vụ án Raquel Nelson được dư luận ghi nhớ là một ví dụ điển hình cho thấy nước Mỹ không “đùa” với việc bảo vệ sự an toàn cho trẻ em trước những dấu hiệu vô trách nhiệm của cha mẹ.

Trong lịch sử, từng có nhiều trường hợp phụ huynh phải ngồi tù vì để xảy ra những sơ sẩy đánh đổi bằng tính mạng của con mình.

Năm 2009, một bà mẹ ở Antioch, California nhận 4 năm tù treo sau khi lái xe gây tai nạn trong tình trạng say xỉn khiến cậu con trai 1 tuổi ngồi trong xe tử vong.

Một người mẹ ở Las Vegas cũng từng đối mặt với mức án 24 đến 60 tháng tù giam sau khi đứa con 2 tuổi của cô chết đuối trong hồ bơi ở sân sau. Bản án nói rằng sự việc chỉ được coi là tai nạn “khi một bà mẹ không giám sát con trong 5 phút, chứ không phải là 5 giờ đồng hồ”.

Tất nhiên, để một đứa trẻ tử vong thì cũng chưa cần đến 5 phút lơ là của phụ huynh.

Những vụ tai nạn gây thương tích cho trẻ em ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới cho thấy cha mẹ phải chịu trách nhiệm rất lớn trước pháp luật. Còn ở Việt Nam thì sao?

Tính từ đầu năm 2020, ở Việt Nam, có không dưới 5 vụ trẻ em rơi từ tầng cao chung cư xuống đất. Nguyên nhân từ các vụ việc này đều là ban công và cửa sổ không lắp lưới an toàn. Một số trường hợp, khi tai nạn xảy ra, bố mẹ trẻ không có nhà.

Với trẻ nhỏ, chỉ cần không để tâm vài phút, cha mẹ phải trả giá rất đắt, ân hận suốt đời. Hồi đầu tháng 4, tại Hà Nội, cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 24 của tòa chung cư xuống đất tử vong. Mẹ của nạn nhân khi thấy con ngủ yên trong phòng thì quay ra làm việc khác. Sau đó bé tỉnh dậy, trèo qua cửa sổ phòng ngủ không có lưới an toàn và dẫn đến tai nạn thương tâm.

Trước đó, cũng ở Hà Nội, một em bé khác may mắn hơn được một "người hùng" đỡ kịp khi rơi từ tầng 12 tòa nhà. Có thể nói đây là một phép màu khi em bé được cứu sống, nhưng phép màu lại hiếm khi xảy ra.

Ngoài tai nạn rơi chung cư điển hình của đô thị hiện đại thời gian gần đây, các trường hợp trẻ em tử vong vì đuối nước, bỏng, cháy nổ, tai nạn giao thông… trên khắp cả nước vẫn đang là một thực trạng báo động ở Việt Nam.

35,5% trẻ em tử vong do tai nạn thương tích

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có hơn 900.000 trẻ em và vị thành niên dưới 18 tuổi tử vong do thương tích, trong đó 90% là thương tích không chủ ý.

95% tử vong do thương tích trẻ em xảy ra ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.

Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm 15-19 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất 43%, tiếp đến nhóm tuổi 5-14 tuổi chiếm 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 chiếm 19,5%.

Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp một năm - chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trên toàn quốc do tất cả các nguyên nhân.

Tỷ lệ trẻ em bị tai nạn thương tích theo độ tuổi. (Số liệu từ Bộ Y tế)

Thống kê tại thành phố Hà Nội, mỗi năm vẫn có khoảng 90.000 trường hợp mắc tai nạn thương tích, trong đó có gần 700 ca tử vong với những nguyên nhân khác nhau.

Tại Khoa Cấp cứu - Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương), trung bình mỗi năm tiếp nhận từ 1.000 đến 2.000 trẻ bị tai nạn thương tích do hóc dị vật, ngộ độc do uống nhầm xăng, thuốc diệt cỏ, bị bỏng, điện giật… Tại Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, trẻ em chiếm khoảng 50% tổng số nạn nhân bỏng tại bệnh viện, trong đó lứa tuổi từ 1 đến 5 tuổi chiếm khoảng 50%-60%.

Tuy nhiên, gần như chúng ta chưa từng ghi nhận một trường hợp phụ huynh nào bị truy cứu trách nhiệm sau các thương tích mà trẻ em phải gánh chịu, trong đó cao nhất là thiệt mạng. Văn hóa “buộc tội cha mẹ” của chúng ta cũng mới chỉ le lói ít nhiều trên mạng xã hội thay vì những cáo buộc rõ ràng theo các luật pháp.

Cần chế tài cụ thể và nâng cao năng lực xử phạt của cơ quan hành pháp

Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, trong các bộ luật của pháp luật Việt Nam như Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân gia đình hay Phòng chống bạo lực gia đình đều đã có những quy định về mặt nguyên tắc. Tuy nhiên, trong lộ trình sắp tới khi sửa đổi các nghị định, các cơ quan chức năng cần đưa vào chế tài cụ thể, đặc biệt là xử lý về mặt hành chính đối với các hành vi không làm hết trách nhiệm về chăm sóc, giáo dục trẻ em, bảo vệ trẻ em của cha mẹ và các thành viên trong gia đình.

“Các hành vi vô ý của cha mẹ và các thành viên trong gia đình nhưng gây hậu quả, tác động xấu đến sự phát triển của trẻ em cũng cần được xử lý theo pháp luật. Ngoài ra, việc thực thi pháp luật trong đời sống phụ thuộc nhiều vào các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử lý cả về hành chính và hình sự. Các cơ quan này cần tăng cường việc điều tra, khởi tố, truy tố những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng tới tính mạng và sự phát triển của trẻ, cho dù cha mẹ không cố ý”.

Bên cạnh đó, theo ông Nam, chúng ta cũng nên tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho phụ huynh về các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ nhỏ trong môi trường gia đình.

Nguyễn Thảo

Nguồn VietnamNet: https://premium.vietnamnet.vn/che-tai-nao-voi-cha-me-trong-nhung-vu-tai-nan-tre-em-n-474654.html