Chè shan và người - càng gần càng xa!

Chịu đựng nắng, gió, sương mù, băng tuyết, cùng đời sống khắc nghiệt của miền cao… nhưng qua hàng trăm năm, thậm chí ngàn năm dãi dầu, cây chè shan cổ thụ vẫn trường tồn. Ấy thế mà khi con người đến sống gần với chè, cây bỗng dần lụi tàn…

Có cơ duyên dự phần những chuyến đi khảo sát, tìm hiểu về các vùng chè shan tuyết cổ thụ, tôi nghiệm ra một chân lý, ấy là giống cây này chẳng ưa gì người. Mặc dù người khẳng định rằng, cây chè shan có đến ngàn năm tuổi, sống gắn bó với miền cao Đông - Tây Bắc từ bao đời, rằng tục uống trà của dân Việt cổ cũng có từ xa xưa, lan tỏa trong dân gian cho đến chốn hoàng cung vua chúa. Mục đích để lập luận rằng mối quan hệ giữa chè và người, hẳn phải gần gũi, thân thiết lắm, nhưng “mối tình” của cặp đôi như trong mơ ấy, khi tìm hiểu, thật chẳng như mơ.

Chè tổ Suối Giàng năm 2013, dấu hiệu suy yếu của cây đã thấy rõ.

Chè tổ Suối Giàng năm 2013, dấu hiệu suy yếu của cây đã thấy rõ.

Để được gọi là chè shan tuyết cổ thụ, nhà nghiên cứu nông nghiệp như GS-TS. Nguyễn Quốc Vọng cùng các chuyên gia trong Hiệp hội Chè Việt Nam đã đưa ra một số tiêu chí cơ bản để đánh giá: chè shan tuyết cổ thụ phải là cây trên 100 năm, mọc ở độ cao trên 1.000m thuộc các vùng núi cao ở Đông - Tây Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên…

Để xác định tuổi của cây, ngoài yếu tố kiểm tra bằng khoa học, người làm chè dựa trên những cây chè công nghiệp đã trồng từ 1927 ở Cầu Đất, Đà Lạt, đạt đường kính trung bình 20cm, để định tuổi chè shan. Cứ điểm qua các vùng chè shan cổ thụ, từ Hoàng Su Phì (Hà Giang), hay Sùng Đô (Yên Bái), qua Tủa Chùa (Điện Biên)… không thiếu những gốc cây đường kính trên cả mét, cao 30 - 40m là chuyện thường, chứng tỏ cây chè ít nhất cũng phải năm - bảy trăm năm tồn tại. Những cây chè shan đã được xác định tuổi và công nhận cây Di sản Việt ở các địa danh như Suối Giàng (Yên Bái), Nậm Ty (Hà Giang), Sùng Đô (Yên Bái)… đều trên 600 năm tuổi với thân hai - ba người ôm.

Nhắc đến mối liên hệ giữa chè shan và người, lấy địa danh Suối Giàng thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái làm điển hình. Đây là nơi người H’mông bản địa tiến hành lễ cúng cây chè để tạ ơn đất trời đã ban cho họ một loại “thần dược” quý hiếm. Đây cũng là nơi từng rộ chuyện… “chuyển hộ khẩu” cho cây chè, khi bứng cả cây từ núi cao đem về trồng làm cảnh trong các tư gia giàu có.

Tỉnh Yên Bái từng phải đánh số thứ tự, gắn định vị cho cây chè cổ thụ để hạn chế việc khai thác chè shan trồng cảnh. Tiếc rằng, hễ bị dời khỏi nơi cư trú nguyên thủy, chỉ sau một đến hai năm, cây cứ dần héo mòn rồi chết, phong trào trồng trong nhà cây trà shan cổ thụ nhờ vậy tạm lắng, rồi xẹp hẳn.

Thầy cúng Giàng Nhà Lử cử hành lễ cúng chè của người H’mông Suối Giàng.

Trong số những vùng chè shan cổ thụ của Việt Nam, sản phẩm chè Suối Giàng được biết đến rất sớm, trở nên nổi bật ở những năm 1990 - 2000, không chỉ ở thị trường trong nước mà còn là sản phẩm xuất khẩu. Với hơn 200ha chè cổ thụ, tạo thành vùng nguyên liệu giá trị, chè shan Suối Giàng mang lại nguồn kinh tế chủ đạo cho địa phương. Cây chè shan được dân bản trân quý, giữ gìn, khai thác, nhưng có một điều lạ: cứ hễ người đến gần với cây chè, làm nhà cư ngụ quanh cây chè, chỉ vài năm sau, cây bỗng dưng chết đứng!

Ở góc độ khoa học, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, bản thân cây chè shan là giống tự nhiên, mọc hoang dã trong rừng, nên rất nhạy bén với việc biến đổi khí hậu. Việt Nam trong nhóm năm quốc gia chịu ảnh hưởng xấu về biến đổi khí hậu, nên ít nhiều có ảnh hưởng đến vòng đời của cây chè trên núi cao.

Tiếp cận vùng chè shan Suối Giàng sau nhiều năm, có thể thấy rõ tầm ảnh hưởng của khí hậu lên vùng chè. Những năm 2000, ngay trung tâm xã Suối Giàng, cây chè shan mọc khắp nơi, toàn những thân gốc đại thụ, rêu phong, rất đẹp mắt. Gốc cây chè to nhất vùng, được chọn là cây chè tổ, ước tính hơn 600 năm tuổi, với thân hơn hai người ôm, cành lá mọc um tùm, xanh mướt. Thế rồi những cây chè càng gần với nhà cửa, với cuộc sống người dân có tốc độ suy yếu nhanh hơn, khô dần cành lá và chết đứng.

Cây chè tổ Suối Giàng năm 2009.

Cây chè tổ Suối Giàng ở một vị trí xa với khu dân cư, ngay trên sườn đồi cao, nhưng từ khi trở nên… nổi tiếng, đón nhiều đoàn khách tham quan từ miền xuôi, là nơi diễn ra các nghi thức cúng tế quan trọng của người H’mông tạ ơn cây chè mỗi dịp đầu năm mới, cũng dần suy yếu, dù rằng tốc độ chậm hơn các cây sống cạnh nhà dân. Trong khi cũng ở sườn đồi ấy, các cây chè khác vẫn phát triển mạnh. Điều đó cho thấy, ngay khi tiểu vùng khí hậu quanh cây chè thay đổi bởi những tác động môi trường - thảm thực vật quanh gốc được phát quang, việc leo trèo khai thác, chụp ảnh, tụ họp dưới gốc cây diễn ra thường xuyên - cây chè bèn về chầu trời!

Cụ Giàng Nhà Lử, người H’mông, hơn 80 tuổi, già làng và cũng là thầy cúng chuyên cử hành nghi thức cúng cây chè Suối Giàng hàng năm, khi nhắc đến chuyện chè đang chết dần mòn, ông bảo: “Từ khi sinh ra mình đã gắn bó với cây chè, nhưng chưa bao giờ thấy chè chết nhiều như bây giờ. Cây chè mọc tự nhiên, tươi tốt, con người cứ đến vụ là trèo cây hái chè, không phải lo phun thuốc, không phải lo cắt cỏ, không lo tỉa cành, việc thu hái cũng không nhiều như bây giờ. Ngày xưa mỗi lần hái chỉ đủ dùng”.

Tiếp cận vùng chè shan Suối Giàng từ những năm 2000, việc cây chè bức tử cũng đã được giới chức Yên Bái nghiên cứu nhưng chưa tìm ra cách khắc phục. Những nguyên nhân khiến cây chè qua đời được đúc kết, ấy là khi sống gần với dân bản, môi trường sống của chè bị tác động bởi khói bụi, nguồn nước, thảm thực vật dưới gốc được làm sạch khiến chè mất đi lớp áo bảo vệ, trở nên suy yếu. Trong khi việc khai thác, leo trèo diễn ra thường xuyên, thân chè bị trầy xước do tác động ngoại lực, khiến các loại mối, kiến dễ xâm nhập, đục khoét vào thân chè.

Nhìn lại quanh khu vực, việc khai thác sử dụng chè shan lâu đời nhất là ở Vân Nam - Trung Quốc, người làm chè có cách bảo quản, chăm sóc cây rất kỹ lưỡng khi dựng hẳn một giàn giáo bằng tre bao quanh tán cây, nối từ gốc đến ngọn. Người thu hái chỉ việc leo giàn giáo, không tác động lên thân chè, nhờ vậy cây vẫn tiếp tục phát triển.

Có thể thấy rõ nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm chè shan cổ thụ độ năm năm trở lại đây đã nhiều thay đổi, chè shan được yêu chuộng hơn, chưa cần nói nhiều đến kỹ thuật sản xuất, chỉ cần yếu tố sạch và quý hiếm của chè shan, cũng đã là vốn quý. Có điều, để vốn quý ấy vẫn tiếp tục sinh sôi, phát triển, cần lắm ý thức gìn giữ, bảo tồn, tránh mọi tác động trực tiếp đến cây chè shan.

Năm 2019, thêm các cây chè shan cổ thụ ở Nậm Ty (Hà Giang), Sùng Đô (Yên Bái) được công nhận là Cây Di sản, thực là tự hào, nhưng ngay lập tức thảm thực vật quanh gốc chè được phát quang nhẵn nhụi, khách đến tham quan cây chè nhộn nhịp hơn, và trên thân chè cũng bắt đầu xuất hiện các vết thương do con người tác động. Một viễn cảnh tương tự sắp diễn ra như đã từng ở vùng chè Suối Giàng.

Chè shan, mạnh mẽ trước thiên nhiên, thời tiết núi rừng, nhưng lại rất mong manh, dễ tổn thương khi con người đến gần với nó. Chè quý người, người yêu chè, nhưng không thể sống chung thành cặp đôi hoàn hảo được, bởi nếu làm thế, không sớm thì muộn, chè sẽ đội nón ra đi.

Bài và ảnh: Nguyễn Đình

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/che-shan-va-nguoi-cang-gan-cang-xa-25531.html