Chè Lam Thạch Xá – Đặc sản làm từ 'bông hoa bỏng' từng tặng nghĩa quân Lam Sơn

Khác với đa phần các loại bánh làm từ gạo, bột bánh thường được xay trực tiếp từ gạo, thì Chè Lam Thạch Xá được làm cầu kỳ hơn, được làm từ 'bông hoa bỏng' của gạo nếp. Gạo nếp rang dưới bếp lửa đỏ hồng sẽ nở bung, cho 'bông hoa bỏng', màu trắng, thơm lừng. Sau đó bỏng gạo sẽ được sảy cho sạch, đem xay ra thành thứ bột mịn.

Chè lam Thạch Xá. Ảnh hanoitv.vn

Chè lam Thạch Xá. Ảnh hanoitv.vn

Cách thành phố Hà Nội khoangr 25km về phía Tây Bắc, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội là địa phương nổi tiếng với các nghề truyền thống, nhưng đặc biệt nhất có lẽ là nghề làm Chè Lam, nghề này đã hình thành và phát triển ở đây hàng trăm năm. Chè lam hay được du khách tìm mua mỗi lần đến thăm Hà Nội.

Chè lam nổi tiếng bởi hương vị ngọt thanh, hòa quyện vào hương thơm của gừng, lạc và lúa nếp cái hoa vàng. Tuy nguyên liệu làm bánh ở đâu cũng giống nhau nhưng chỉ khi ăn chè lam Thạch Xá, du khách mới cảm nhận được hết vị ngon của món ăn này.

Theo các cụ cao tuổi trong làng, thứ bánh thơm ngon này ra đời do lòng thành kính của người dân muốn dâng lên Đức Phật một sản vật địa phương vào mỗi dịp lễ, Tết. Nghề làm bánh dân dã này phát triển theo hình thức cha truyền con nối bao đời nay. Vào thế kỷ XV, khi nghĩa quân Lam Sơn qua làng, người dân Thạch Xá đã tặng họ những phong chè lam mang theo làm lương thực dài ngày.

Từ năm 2004, chè lam Thạch Xá đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Hiện nay, rất nhiều hộ dân ở xã Thạch Xá vẫn làm bánh bằng phương pháp thủ công. Nhưng do nhu cầu thị trường nên hầu hết các xưởng làm bánh đều đưa máy móc vào sản xuất, như máy xay bột, máy nhào bánh… vừa đỡ tốn sức lao động vừa đạt năng suất cao. Song, điều quan trọng nhất là bí quyết nghề, như khâu pha trộn nguyên liệu và khâu nấu bánh vẫn giữ nguyên.

Khác với đa phần các loại bánh làm từ gạo, bột bánh thường được xay trực tiếp từ gạo, thì Chè Lam Thạch Xá được làm cầu kỳ hơn, được làm từ “bông hoa bỏng” của gạo nếp. Gạo nếp rang dưới bếp lửa đỏ hồng sẽ nở bung, cho “bông hoa bỏng”, màu trắng, thơm lừng. Sau đó bỏng gạo sẽ được sảy cho sạch, đem xay ra thành thứ bột mịn.

Sau khi đã có bột bỏng, người làm chè lam sẽ chọn những cây mía nhỏ nhưng có vị ngọt đậm, thơm lừng thường được gọi là mía de để kéo mật rồi nấu lên với mạch nha cho đến khi có được một hỗn hợp dẻo và trong suốt.

Sau khi đã có bột và các gia vị, sẽ đến khâu cho bột bỏng nếp và các loại gia vị vào quấy đề trong chảo. Để quấy được bột ngon, người làm chè lam phải kiên trì, đảo đều tay cho tới khi toàn bộ bột dẻo đều và thấm trọn các loại gia vị thì mới đem đổ vào khuôn, cắt thành từng miếng nhỏ và đóng hộp bán ra thị trường.

Bí quyết để có bánh chè lam dẻo thơm, nồng ấm vị gừng, vị quế, hương nếp cái hoa vàng, là sự kết hợp của tất cả các khâu từ rang bỏng, giã bột, quấy bột, trộn bột và pha trộn tỷ lệ hợp với các gia vị cùng với kinh nghiệm của người làm nghề. Chính vì vậy mà chè lam Thạch Xá dù có để lâu (tất nhiên là phải có niên hạn sử dụng) vẫn dẻo thơm, không bị chảy nước cũng như không bị khô trong quá trình vận chuyển đi xa.

Ngày nay, chè lam Thạch Xá không chỉ có một loại sản phẩm truyền thống là chè lam với mật mía, trộn nước gừng, hương quế, lạc rang mà còn có cả chè lam thịt rán. Vào những dịp cuối năm, du khách thập phương thường tìm về Thạch Xá để đặt mua loại chè lam thịt rán đặc biệt này để thưởng thức và làm quà cho người thân.

Nhìn chung, với chè lam Thạch Xá, tuy là một đặc sản ẩm thực dân dã, không cầu kỳ và hào nhoáng như nhiều sản phẩm bánh kẹo khác, nhưng từ lâu đời, nó đã có sức hút đối với người tiêu dùng. Đặc biệt là đối với những người con xứ Đoài ở xa, khi được thưởng thức chè lam, món quà đặc sản của quê hương cùng với chén nước chè nóng sẽ như cảm nhận rõ hơn hương vị quê hương nồng ấm.

Vương Quốc Hoa

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/che-lam-thach-xa-%E2%80%93-dac-san-lam-tu-%E2%80%9Cbong-hoa-bong%E2%80%9D-tung-tang-nghia-quan-lam-son-75653