'Chế độ yêu tinh' chỉ chĩa mũi dùi vào phụ nữ

'Goblin mode' dường như chỉ trích lối sống bê tha, thiếu kỷ luật của phụ nữ, trong khi đàn ông có thể hành xử tương tự mà không bị gọi là 'yêu tinh'.

"Goblin mode" (tạm dịch: chế độ yêu tinh) đã được công ty phát hành từ điển tiếng Anh Oxford chọn làm từ của năm 2022. Thuật ngữ này chỉ "kiểu hành vi buông thả, lười biếng, cẩu thả hoặc tham lam theo cách bác bỏ chuẩn mực hoặc kỳ vọng của xã hội".

Đây là lần đầu tiên, từ của năm được dân mạng bình chọn trực tuyến trong một cuộc bình chọn công khai kéo dài 2 tuần. Theo ông Casper Grathwohl, Chủ tịch Oxford Languages, từ này phù hợp phản ánh tâm trạng và mối quan tâm của con người trong năm thứ 3 của đại dịch.

Tuy nhiên, có nhiều chỉ trích xung quanh "goblin mode". Một trong những thực tế gây tranh cãi là cụm từ này dường như tập trung hơn tới lối sống bê tha, thiếu kỷ luật của phụ nữ, trong khi đàn ông có thể hành xử tương tự mà không bị gọi là "yêu tinh", theo Glamour.

Trong một bài viết trên tạp chí Harper's Bazaar, tác giả Hayley Peppin nhận định "goblin mode" là một từ khóa viral trên Internet, nhưng nó không nên bị "gắn mác" và nhắm mũi dùi vào phụ nữ.

Phụ nữ bị phán xét

"Goblin mode" vốn là một từ lóng, rất khó để xác định cụ thể thời gian nó xuất hiện. Cụm từ này được ghi nhận rộng rãi lần đầu vào năm 2009, trong bài đăng của chủ tài khoản Twitter @jenniferdujour, theo The Hustle.

 "Goblin mode" trở thành từ khóa phổ biến trên mạng xã hội trong thời kỳ đại dịch. Ảnh: Beth Sacca.

"Goblin mode" trở thành từ khóa phổ biến trên mạng xã hội trong thời kỳ đại dịch. Ảnh: Beth Sacca.

Nhưng với nhiều người, lần đầu tiên họ biết đến "chế độ yêu tinh" là vào ngày 15/2 năm nay, bằng loạt tin giả bịa đặt về phát ngôn của diễn viên Julia Fox sau khi cô chia tay Kanye West: "Anh ấy không thích khi tôi bước vào goblin mode".

Dù sau đó nữ diễn viên đã phải lên tiếng đính chính rằng mình không hề nói như vậy, hàng loạt trang tin và chủ đề bàn luận đã xoay quanh từ khóa này.

Ngay sau đó, Google Trends ghi nhận mức viral của thuật ngữ này đạt "đỉnh" vào khoảng cuối tháng 2, lượt tìm kiếm tăng đột biến.

Trong các cuộc bàn luận và trào lưu trên mạng xã hội, "chế độ yêu tinh" chủ yếu khiến người ta hình dung ra một phụ nữ thiếu chỉn chu, ít chăm chút tới ngoại hình, có phần lười biếng.

Trang iNews mô tả "goblin mode" là: "Ngày mà bạn mặc quần thể thao, chiếc quần mua từ năm 2009, tóc búi cao ra sau và da phủ một lớp bụi bẩn".

Trong khi đó, The Guardian người bước vào "chế độ yêu tinh" là khi "dành cả ngày trên giường để xem bộ phim 90 Day Fiancé và lướt mạng xã hội không ngừng".

Phóng viên công nghệ của NPR, Bobby Allyn, đã tweet: "Chế độ yêu tinh giống như khi bạn thức dậy lúc 2h sáng và lê bước vào bếp, không mặc gì ngoài chiếc áo phông dài để kiếm một món ăn vặt kỳ lạ, chẳng hạn như phô mai tan chảy trên muối".

Theo Peppin, mọi người, đặc biệt là phụ nữ, đang bị chỉ trích vì trở nên thoải mái và xuề xòa về ngoại hình của họ khi ở nhà, chỉ vì một từ mới gây xôn xao trên mạng xã hội.

"Nghiêm túc mà nói, chúng ta không nên bị phán xét hay coi mình là thảm hại, lười biếng khi tận hưởng tiện nghi tại nhà. Tôi không phải là chuyên gia, nhưng rõ ràng dành một ngày lười biếng ở nhà cũng có ý nghĩa tích cực với sức khỏe tinh thần như ra ngoài uống cà phê với một người bạn", Peppin bày tỏ.

Kỳ vọng không thực tế về phụ nữ

"Goblin mode" là xu hướng trái ngược với "That girl" - trào lưu nổi bật trên TikTok, trong đó các cô gái thể hiện sự hoàn hảo, biết chăm chút cho ngoại hình, ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và có cuộc sống quy củ.

Hashtag #thatgirl đã hút hơn 3 tỷ lượt xem trên TikTok, trong đó cho thấy các cô nàng Influencer sắp xếp tủ lạnh chứa đầy rau củ mới cắt, làm bữa sáng hữu cơ và thực hiện các quy trình chăm sóc da phức tạp - đó là hình mẫu phụ nữ được kỳ vọng.

Xu hướng này đã đặt ra một kỳ vọng không thực tế cho các cô gái khi nghĩ rằng nếu họ không dậy sớm, tập thể dục thì cuộc sống của họ sẽ không thể tốt đẹp và ổn định.

"Goblin mode" được coi là trái ngược với xu hướng "that girl" - những cô nàng hoàn hảo. Ảnh: Esme Blegvad/The Guardian.

Trên TikTok, #goblinmode thường đi kèm với cụm từ liên quan #feralgirlsummer. Hashtag này có 366.000 lượt xem và các cô gái tuyên bố là họ đối lập với "that girl" – hình mẫu hào nhoáng, được tuyển chọn kỹ lưỡng phổ biến những năm gần đây.

Trong một bình luận cho Grazia Daily, nhà báo Marianna Manson lập luận rằng "chế độ yêu tinh" đã bị sử dụng để nói về phiên bản không phù hợp với tiêu dùng công cộng, đặc biệt là phụ nữ.

Trên mạng xã hội, phiên bản tốt nhất của phụ nữ được kỳ vọng là những người dành thời gian và tiền bạc cho việc trang điểm, chăm chút ngoại hình thường xuyên, chú ý đến mọi thứ từ ngôn ngữ cơ thể đến kiểu tóc.

"Tôi đánh liều đoán rằng một người đàn ông mặc bộ quần áo thể thao ố màu và đút tay vào quần gãi ngứa sẽ không tự coi họ là 'yêu tinh'", Manson bày tỏ.

Theo Manson, không cần thiết phải tìm ra một thuật ngữ hài hước để miêu tả trạng thái thoải mái khi một người tận hưởng khoảng thời gian thư giãn ở nhà.

"Có thực sự cần phải coi chuyện một phụ nữ không trang điểm và đi giày cao gót lúc ở nhà là bí mật bẩn thỉu không?", cô bày tỏ.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/che-do-yeu-tinh-chi-chia-mui-dui-vao-phu-nu-post1382320.html