Chế độ với người lao động phải nghỉ việc để cách ly vì Covid-19 được giải quyết như thế nào?

Với những NLĐ phải thực hiện cách ly 14 ngày vì tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì những đối tượng này sẽ không đủ điều kiện để hưởng chế độ BHXH. Bên cạnh đó người lao động phải nghỉ làm, dừng việc do dịch bệnh sẽ chỉ được trả lương theo thỏa thuận với DN, không thấp hơn mức lương tối thiếu vùng.

Không chỉ chịu tác động trực tiếp về thu nhập, mưu sinh cuộc sống, nhiều người lao động đã vô tình trở thành F2, F1, F0… của những người từng nhiễm Covid-19. Nhiều người đã phải thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ là phải tiến hành tự cách ly tại nhà hoặc cách ly tại khu tập trung đủ 14 ngày.

Việc phải mất nửa tháng để cách ly để chắc chắn âm tính với Covid-19 đã làm cho những người lao động này phải gián đoạn công việc của mình. Vì liên quan trực tiếp đến tiền lương để mưu sinh cuộc sống gia đình, nhiều người lao động thắc mắc về chế độ của họ trong thời gian cách ly 14 ngày. Liệu rằng họ có được hưởng Bảo hiểm xã hội (BHXH) không? Và người sử dụng lao động (chủ doanh nghiệp) sẽ có trách nhiệm gì đối với người lao động trong trường hợp này?

Vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Quân (Hà Nội) phải thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày (có quyết định cách ly). Theo đó, ông Quân đã thông báo đến công ty nơi mình đang làm việc và được yêu cầu ông phải làm đơn xin nghỉ phép hoặc nghỉ không hưởng lương để thực hiện việc cách ly này.

Ông Quân có đặt câu hỏi về yêu cầu trên của công ty là đúng hay sai? Những ngày ông thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì có được hưởng BHXH không? Người sử dụng lao động có trách nhiệm gì đối với người lao động trong trường hợp này?

Đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi phải dừng việc để thực hiện cách ly vì Covid-19.

Đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi phải dừng việc để thực hiện cách ly vì Covid-19.

Về vấn đề này, đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có câu trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 và Khoản 1 Điều 4 Luật BHXH năm 2014 thì BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động (NLĐ) khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH. Chính sách BHXH được thực hiện với 5 chế độ là ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất.

Đối với trường hợp NLĐ bị cách ly theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà không thuộc đối tượng có đủ điều kiện để hưởng 1 trong 5 chế độ nêu trên theo quy định của pháp luật sẽ không được hưởng chế độ BHXH.

Như vậy, ông Quân không được hưởng các chế độ BHXH trong thời gian thực hiện cách ly 14 ngày vì không ở 1 trong 5 chế độ theo quy định của pháp luật.

Việc trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho NLĐ trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch Covid-19 được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động 2012, hướng dẫn tại Văn bản số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL ngày 25/3/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Cụ thể, tại khoản 3, điều 98 Bộ Luật Lao động 2012 đề cập đến tiền lương trong trường hợp ngừng việc như sau: Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động (NSDLĐ), NLĐ hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa… thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Trên cơ sở này, nếu NLĐ phải ngừng việc, nghỉ làm do dịch bệnh thì sẽ được trả lương theo sự thỏa thuận với doanh nghiệp, nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đã nêu.

Cuối cùng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đề nghị ông Quân căn cứ vào quy định trên để thực hiện hoặc có thể liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể.

Huyền Phạm

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/che-do-voi-nguoi-lao-dong-phai-nghi-viec-de-cach-ly-vi-covid-19-duoc-giai-quyet-nhu-the-nao/20200907015622315