Chế độ tài sản theo thỏa thuận - hợp đồng tiền hôn nhân

Tổng thống Trump từng chia sẻ rằng: tôi khuyên các bạn nên có bản hợp đồng (HĐ) tiền hôn nhân, đó không phải vì không tin tưởng vào người bạn đời của mình mà đơn giản để tránh những rắc rối về sau, khi HĐ giúp phân định rõ tài sản (TS), giảm thiểu những tranh cãi, mâu thuẫn về tiền bạc và giúp giải quyết ly hôn nhanh chóng, tiết kiệm. HĐ hôn nhân, HĐ tiền hôn nhân hoặc hôn ước đều là tên gọi nhằm chỉ những thỏa thuận của hai bên về những vấn đề xoay quanh đời sống hôn nhân, là loại HĐ khá phổ biển ở các nước phát triển. Ở Việt Nam, mặc dù HĐ hôn nhân còn khá xa lạ nhưng ít ai biết rằng pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam đã có quy định cụ thể, tạo hành lang pháp lý giúp cho các cặp đôi thiết lập HĐ hôn nhân. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 (Luật HN&GĐ), ngoài chế độ TS theo luật định, pháp luật đã cho phép và ưu tiên các cặp đôi được quyền lựa chọn áp dụng chế độ TS theo thỏa thuận - được thỏa thuận với nhau những vấn đề về TS giữa vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân trước khi kết hôn. Các bên có thể thỏa thuận TS nào là TS chung và TS riêng của vợ, chồng; hoặc thỏa thuận giữa vợ và chồng không có TS riêng mà tất cả TS do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc TS chung; hoặc ngược lại giữa vợ và chồng không có TS chung mà tất cả TS do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được TS đó... Điển hình vụ án ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng “Vua cà-phê Trung Nguyên”, giá như ngay từ ban đầu ông Vũ và bà Thảo lựa chọn áp dụng chế độ TS theo thỏa thuận đã không dẫn đến các thiệt hại phát sinh lớn như hiện nay. Tuy nhiên, không phải mọi thỏa thuận về xác lập chế độ TS của vợ chồng đều có giá trị pháp lý. Theo quy định tại Điều 50 Luật HN&GĐ, thỏa thuận về xác lập chế độ TS của vợ chồng bị vô hiệu trong các trường hợp sau: Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan, cụ thể như: vợ hoặc chồng chưa đủ tuổi kết hôn hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự ở thời điểm xác lập thỏa thuận; tại thời điểm xác lập thỏa thuận, vợ hoặc chồng hoặc người thứ ba không tự nguyện; mục đích và nội dung của giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; hình thức thỏa thuận không được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực hoặc thỏa thuận không được lập trước khi kết hôn. Vi phạm một trong các quy định tại Điều 29, 30, 31, 32 Luật HN&GĐ về: nguyên tắc chung về chế độ TS của vợ chồng; quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng; giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà pháp luật không quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.

Luật sư PHẠM VĂN THANH

CHUYÊN MỤC NÀY CÓ SỰ HỢP TÁC VÊ CHUYÊN MÔN CỦA CHI NHÁNH CÔNG TY LUẬT TNHH PHẠM VÀ LIÊN DANH TẠI TP ĐÀ NẴNG. ĐƯỜNG DÂY NÓNG HỖ TRỢ TƯ VẤN: 0236.3572456; 0903573138

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_230700_che-do-tai-san-theo-thoa-thuan-hop-do-ng-tie-n-hon-nhan.aspx