Chế độ dinh dưỡng giúp người mắc sốt xuất huyết nhanh khỏe

Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng và diễn biến phức tạp, mỗi người dân cần có ý thức phòng chống cho chính mình, người thân và cộng đồng.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, trong tuần vừa qua Hà Nội có 301 trường hợp mắc mới sốt xuất huyết Dengue. So với những tuần trước đó, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) của Hà Nội vẫn đang tiếp tục gia tăng mạnh, tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành, nhất là các quận có tốc độ đô thị hóa mạnh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dấu hiệu của SXH

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, khi thấy các triệu chứng sốt cao đột ngột liên tục 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, đau đầu, đau mình mẩy kèm các dấu hiệu phát ban, nổi hạch, da xung huyết, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chân răng, nên đến bệnh viện khám để xác định sớm SXH và điều trị kịp thời đúng bệnh.

Đặc biệt, với phụ nữ mang thai bị SXH nặng, xuất huyết nội tạng thì có nguy cơ bị sẩy thai hoặc đẻ non.

Mỗi người có thể mắc SXH tới 4 lần bởi các tuýp virus khác nhau, mức độ mắc bệnh lần sau bao giờ cũng nặng hơn lần trước với nhiều nguy cơ bị thể bệnh lâm sàng sốc SXH đe dọa đến tính mạng.

Nếu SXH ở những ngày đầu và chưa có dấu hiệu cảnh báo chỉ cần theo dõi, uống thuốc hạ sốt, bù nước đường uống hoặc truyền nếu có chỉ định của bác sĩ…

Nếu người bệnh được chẩn đoán SXH thì cần được làm các xét nghiệm công thức máu, tiểu cầu hằng ngày để bác sĩ có thể đánh giá mức độ bệnh và có hướng điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, tránh tình trạng người bệnh phải vào viện quá muộn, gây những biến chứng đáng tiếc.

Nếu người bệnh đến ở giai đoạn đầu, chỉ cần hướng dẫn họ theo dõi, uống oresol bù dịch.

Nếu người bệnh ở ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh, có xuất huyết, tiểu cầu giảm nhiều hoặc tổn thương gan, thận thì phải nhập viện để chăm sóc và điều trị. Lúc đó người bệnh SXH sẽ được truyền dịch để giảm cô đặc máu, theo dõi truyền khối tiểu cầu nếu có chỉ định, được bồi phụ nước và điện giải đầy đủ, đo mạch, huyết áp thường xuyên với sự chăm sóc của các nhân viên y tế.

Dinh dưỡng cho người bị SXH

Đối với trẻ em, theo TS Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư, khi bị sốt, rất dễ mất năng lượng và giảm cung cấp dinh dưỡng do ăn uống kém, chán ăn, vì vậy cần cho bé ăn những thức ăn lỏng và mềm như cháo, súp vừa giàu dinh dưỡng lại dễ hấp thu, có thể uống thêm sữa. Đặc biệt với trẻ em bị SXH, sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất, nếu trẻ còn bú mẹ thì nên tiếp tục cho con bú.

Bên cạnh đó, tích cực bổ sung các món ăn giàu chất đạm từ trứng, thịt, sữa… thực phẩm giàu vitamin A, giàu kẽm (thịt bò, gà…) tăng sức đề kháng chống lại bệnh SXH. Không nên cho trẻ ăn những loại thức ăn nhiều mỡ béo, các thực phẩm xào rán, có gia vị chua cay vì chúng thường gây khó tiêu.

Quan trọng nhất là bù nước, vì khi sốt, cơ thể dễ mất nước và bị sốc do giảm thể tích máu, bệnh trở nặng rất nhanh. Người mắc SXH nên uống các loại nước như nước sôi để nguội, nước suối, nước quả ép như cam, bưởi, nước chanh, nước dừa... vì chúng chứa nhiều khoáng chất và vitamin C tăng cường sức đề kháng, giúp thành mạch bền tốt hơn sẽ làm tình trạng bệnh giảm đi.

Nếu bệnh nhân nôn khi uống, cần cho uống lượng nhỏ, uống từ từ và nhiều lần. Trong lúc bị bệnh, không nên cho người bệnh ăn hoặc uống thực phẩm sẫm màu như đỏ, nâu, đen. Mục đích là để nhận biết dễ dàng bệnh nhân có bị chảy máu dạ dày trong quá trình nôn ói hay không.

Lã Hằng

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/y-te-suc-khoe/che-do-dinh-duong-giup-nguoi-mac-sot-xuat-huyet-nhanh-khoe-23059