Chế độ ăn hợp lý để phòng và điều trị tăng huyết áp

Ths. BS Lê Thị Ngọc Vân - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP HCM) cho biết, để phòng và điều trị tăng huyết áp, mọi người cần giảm bớt việc ăn muối, tăng cường kali, cung cấp đủ canxi, hạn chế chất béo, hạn chế thực phẩm giàu cholesterol, kiểm soát cân nặng…

Thạc sĩ Bác sĩ Lê Thị Ngọc Vân - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân Dân 115

Ths.BS Lê Thị Ngọc Vân tư vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý để phòng, chống tăng huyết áp:

1. Hạn chế Natri (thành phần chính của muối ăn)

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa muối ăn và bệnh cao huyết áp. Những quần thể dân cư có tập quán ăn mặn luôn có tỷ lệ người cao huyết áp lớn hơn so với các quần thể có tập quán ăn nhạt.

Người dân Bắc Nhật Bản từng dùng 25-30g muối/ngày và 40% dân số ở đây bị cao huyết áp. Trong khi đó, người dân miền Nam chỉ ăn 10g muối/ngày, tỷ lệ mắc bệnh là 20%. Người Eskimô và vài bộ lạc châu Phi rất ít bị cao huyết áp do thói quen ăn nhạt.

Ở Việt Nam, Viện Dinh dưỡng từng điều tra về lượng muối một người tiêu thụ mỗi ngày, kết quả: Người Nghệ An 14g, người Thừa Thiên - Huế 13g; tỷ lệ cao huyết áp ở 2 địa phương này là 18%. Ở Hà Nội, người dân ăn 9g muối/ngày, tỷ lệ mắc bệnh là 11%.

Thực tế lâm sàng cũng cho thấy, một chế độ ăn nhạt, nhiều rau và quả chín có tác dụng hạ huyết áp. Những người bị cao huyết áp dùng thuốc lợi tiểu thải muối sẽ hạ được huyết áp.

Thành phần chính của muối ăn là natri. Natri trong chế độ ăn có từ 2 nguồn: nguồn có sẵn trong thực phẩm và nguồn cho thêm vào thức ăn trong quá trình chế biến.

Một chế độ ăn không cho thêm muối cũng đã cung cấp 1,6 g natri, tương đương với 4,1g muối ăn. Ở người bình thường không nên ăn quá 6g muối/ngày. Đối với bệnh nhân tăng huyết áp không nên ăn quá 4g muối/ngày. Đối với những bệnh nhân bị suy tim không nên ăn quá 3g muối/ngày; không nên dùng các loại nước chấm mặn trong bữa ăn; không nên dùng các loại thực phẩm có nhiều muối như cà muối, dưa muối, mắm, thực phẩm đóng hộp, giò chả… (1 gói mì ăn liền chứa gần 2g muối, 1 muỗng cà phê nước tương, nước mắm tương đương 1g muối, 1 muỗng canh nước tương, nước mắm tương đương 2g muối); hạn chế các loại nước sốt pha sẵn (tương cà, tương ớt…).

2. Tăng cường kali

Chế độ ăn giàu kali (4-5g/ngày) có tác dụng giảm huyết áp. Rau xanh, quả chín là nguồn thực phẩm cung cấp kali chủ yếu. Nhóm rau quả cung cấp nhiều kali như bông cải xanh, rau dền, rau ngót, rau đay, mồng tơi. Các loại quả chín có nhiều kali như táo tây, lê, cam, chuối, đu đủ. Lượng rau quả tươi nên dùng mỗi ngày > 400 - 500g/ngày. Rau quả còn là nguồn cung chất xơ giúp giảm hấp thu cholesterol toàn phần trong thực phẩm. Các loại ngũ cốc, đậu hạt… cũng chứa nhiều kali.

3. Cung cấp đủ canxi

Đảm bảo đủ canxi, magie theo nhu cầu khuyến nghị: Các loại rau lá màu xanh đậm, đậu đỗ, sữa, trứng, tôm cua… có nhiều canxi, magie. Uống 2 ly sữa tách béo mỗi ngày giúp đảm bảo nhu cầu canxi cho cơ thể. Bổ sung vitamin D nếu thường xuyên ở trong mát, thiếu ánh nắng mặt trời.

4. Hạn chế chất béo

Lượng chất béo trong khẩu phần ăn không nên vượt quá 25% tổng năng lượng. Nên hạn chế các loại chất béo no, chất béo dạng trans và cholesterol như mỡ, dầu dừa, bơ, sốt mayonaise (dầu dừa là dầu thực vật nhưng có nhiều axít béo no không có lợi cho tim mạch), nên tăng cường các chất béo có lợi từ mè, đậu phộng, hạt điều, trái bơ và bổ sung ít dầu oliu hoặc dầu cải, dầu nành, dầu mè để cho thêm vào món ăn (trộn salad, nấu canh, súp, kho), tránh dùng các loại dầu này để chiên rán. Hạn chế các món chiên rán, nhiều dầu.

Bệnh nhân bị cao huyết áp nên ăn nhạt

5. Hạn chế thực phẩm giàu cholesterol

Hạn chế thực phẩm giàu cholesterol: lượng cholesterol ăn vào hằng ngày nên < 300 mg. Đối với những người đã bị bệnh tim mạch lượng cholesterol nên < 200 mg/ngày.

Cholesterol có nhiều trong nội tạng động vật như tim, não, cật, gan, lòng đỏ trứng, bơ, mỡ, sữa nguyên kem… (Tuy nhiên, trong lòng đỏ trứng có lecithin giúp chuyển hóa cholesterol, do đó không cần kiêng trứng hoàn toàn mà nên ăn 1-2 quả/tuần). Hạn chế ăn các loại thịt đỏ: thịt bò, thịt cừu, thịt chó, thịt heo... vì có hàm lượng cao cholesterol hơn các loại thịt trắng như gà, vịt, bê…

Nên tăng cường các thực phẩm giàu chất béo omega-3. Các thực phẩm giàu omega-3 như cá mỡ (cá basa, cá ngừ, cá trích, cá bông lao, cá mè...), các loại rau có lá xanh đậm (họ cải, bông cải, cải bó xôi...), đậu nành, dầu hạt cải…

Khuyến khích ăn cá (3-4 lần/tuần) thay cho thịt đỏ: tùy theo trường hợp có thể bổ sung từ 2-6g dầu cá omega 3 mỗi ngày có tác dụng giúp giảm cholesterol- LDL, triglycerides trong máu.

Nên dùng thực phẩm giàu đạm thực vật như đậu nành, đậu hũ, các loại đậu hạt (chứa nhiều chất đạm, chất béo mà không chứa cholesterol). Chọn những loại sữa tách béo, phô mai ít béo sẽ có lợi hơn sữa nguyên kem. Chọn những loại bánh trên bao bì ghi rõ lượng chất béo < 2g/một phần. Hạn chế những thực phẩm chế biến ở nhiệt độ cao như chiên, xào, nướng mà nên thay bằng các món luộc, hấp, kho. Hạn chế dùng những loại thực phẩm công nghiệp có chất béo trans hoặc trên bao bì không đề cập đến lượng chất béo trans là bao nhiêu như mì gói, bánh quy.

Mai Phương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/che-do-an-hop-ly-de-phong-va-dieu-tri-tang-huyet-ap-522510.html