Chè đậu đỏ không liên quan tới ngày Thất Tịch

Hồng đậu là một loại hạt có hình trái tim, mang ý nghĩa biểu trưng cho tình yêu và sự chung thủy, phát âm trùng tên với loại đậu đỏ phổ biến.

Lễ Tình nhân của người Trung Quốc là ngày mùng 7/7 âm lịch (Thất Tịch). Nguồn gốc của ngày này xuất phát từ truyền thuyết vợ chồng Ngưu Lang - Chức Nữ mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần trên cầu Ô Thước.

Nếu chocolate là món quà đặc trưng của Lễ Tình nhân truyền thống 14/2, với nhiều người, đậu đỏ trở thành món ăn “cầu duyên”, không thể thiếu vào ngày Thất Tịch.

Vào ngày này, giới trẻ lại mách nhau những người còn độc thân nếu ăn chè đậu đỏ thì sẽ thoát cảnh lẻ bóng, có người thương, theo Cambridge Network.

 Vào ngày 7/7 âm lịch, những người trẻ còn cô đơn rủ nhau ăn chè đậu đỏ để thoát F.A.

Vào ngày 7/7 âm lịch, những người trẻ còn cô đơn rủ nhau ăn chè đậu đỏ để thoát F.A.

Tuy nhiên, ăn chè đậu đỏ không phải là truyền thống lâu đời, cũng không liên quan gì tới ngày Thất Tịch.

Thời điểm đầu thế kỷ 21, ngày Thất Tịch chưa phải là ngày lễ thịnh hành trong giới trẻ tại đất nước tỷ dân.

Năm 2001, chủ tịch Tập đoàn Hồng Đậu dựa vào bài thơ Tương Tư của thi sĩ Vương Duy thời Đường có nhắc đến chi tiết “hồng đậu” trùng với tên công ty, đã quyết định tổ chức event vào ngày 7/7 âm lịch, đặt tên là "Thất Tịch - Hồng Đậu Tương Tư Tiết”.

Mục đích của công ty là vừa quảng bá tên tuổi doanh nghiệp, vừa ca ngợi giá trị phong tục truyền thống.

Trên thực tế, loại hồng đậu nhắc đến trong bài thơ nổi tiếng không phải là món chè đậu đỏ phổ biến mọi người thường nghĩ.

Hồng đậu (tên tiếng Anh: Adenanthera pavonina) theo nghĩa gốc trong bài thơ là một loại hạt sinh trưởng ở miền Nam Trung Quốc, phân bổ nhiều tại các tỉnh như Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, Vân Nam.

Tên gọi của loại hạt này trong tiếng Trung phát âm giống với loại đậu đỏ thường ăn.

Hồng đậu mọc ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc, có cách phát âm tên gọi giống với loại đậu đỏ phổ biến.

Vì vậy, những người tổ chức đã chọn loại đậu ăn được và phổ biến hơn để nấu chè.

Sự kiện thành công ngoài mong đợi và từ đó, người trẻ dần coi việc ăn chè đậu đỏ và cầu duyên, cầu phúc cho tình yêu vào ngày Thất Tịch là điều không thể bỏ qua mỗi dịp tháng 7 âm lịch.

So với đậu đỏ, loại hồng đậu (còn được gọi là đậu tương tư) có ý nghĩa sâu xa trong văn hóa Trung Quốc. Hồng đậu có màu đỏ tươi, vỏ ngoài cứng, rắn chắc và hình dáng giống hình trái tim. Loại hạt này có thể bảo quản trong thời gian dài mà không sợ bị thối rữa hay phai màu.

Trong văn chương thời xưa tại Trung Quốc, hồng đậu là vật tượng trưng cho cả tình yêu đôi lứa, nói ra nỗi niềm tương tư của người đơn phương.

Do đó, hồng đậu thường được sử dụng với ý nghĩa biểu trưng cho tình yêu và sự chung thủy. Theo thời gian, người Trung Quốc đã sử dụng hồng đậu để gửi gắm tình cảm giữa những người yêu nhau và cả ngầm giãi bày nỗi niềm tương tư.

Đàn ông tặng hồng đậu cho người yêu của họ thay cho lời hứa chung thủy, gắn bó, trong khi phụ nữ đeo trang sức làm từ loại hạt này để đem lại một cuộc sống hạnh phúc, theo CGTN.

Còn đối với những cô gái đang yêu đơn phương, hồng đậu sẽ thay họ nói lên ý muốn trong lòng đến chàng trai, ví dụ một hạt tượng trưng cho lòng chỉ một hình bóng, hai hạt ngầm hiểu rằng cả hai là đôi tình nhân, ba hạt thay câu nói “em yêu anh”…

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/che-dau-do-khong-lien-quan-toi-ngay-that-tich-post1123976.html