Chế biến gạo xuất khẩu: Theo sát nhu cầu thị trường

Diễn biến trồi sụt của thị trường lúa gạo trong các tháng đầu năm nay cho thấy, ngành lúa gạo không thể chậm trễ trong sản xuất, chế biến. Đã đến lúc phải có sự thay đổi dứt khoát, đầu tư bài bản và theo sát nhu cầu thị trường để có định hướng sản xuất phù hợp.

Xuất khẩu gạo giảm

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 2 tháng đầu năm, XK gạo Việt Nam chỉ đạt 711.759 tấn, thu về 311,59 triệu USD, giảm lần lượt 14,4% về lượng và 23,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018. Giá XK gạo cũng sụt giảm khi chỉ đạt trung bình 424,4 USD/tấn.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc XK gạo sụt giảm đã được cảnh báo khi các thị trường lớn như Philippines, Indonesia đang dần có những thay đổi trong chính sách NK, thậm chí cả thị trường vốn được coi là "dễ tính" như Trung Quốc cũng đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc và ưu tiên NK qua đường chính ngạch. Chưa kể các thị trường như Mỹ, châu Âu có những tiêu chuẩn rất cao, nếu DN không đầu tư bài bản cho vùng nguyên liệu, nhà máy sản xuất, kho chứa, sẽ rất khó cạnh tranh trên thị trường.

Giá lúa gạo được dự báo sẽ khởi sắc hơn trong quý II

Giá lúa gạo được dự báo sẽ khởi sắc hơn trong quý II

Theo ông Nguyễn Chánh Trung - Giám đốc sản xuất nhà máy gạo - các thị trường NK gạo đang ngày một yêu cầu cao hơn, buộc DN phải đáp ứng. Chẳng hạn, với thị trường Hàn Quốc, khi đấu thầu, nhà NK bắt phải ký quỹ 5% và kèm theo những yêu cầu gắt gao về kỹ thuật, nước này cũng đưa ra danh mục hóa chất kiểm soát lên tới 371 chất.

Bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An - trăn trở, chưa năm nào, giá XK gạo lại thấp như năm nay. Giá gạo liên tục sụt giảm, kéo theo giá thu mua trong nước giảm. Vì giá thấp nên trung bình mỗi tháng, công ty chỉ xuất khoảng hơn 1.000 tấn gạo, đạt tương đương so với mọi năm (dù nguồn cung dồi dào).

Đặt chất lượng hàng đầu

Với những diễn biến thị trường như trên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu ngành lúa gạo "giậm chân tại chỗ", không có sự thay đổi trong cách thức sản xuất, chế biến, sẽ khó cạnh tranh trên thị trường. Nhiều DN đã xác định phải liên kết chặt chẽ với người nông dân và có nhà máy chế biến hoàn chỉnh để sản xuất ra những hạt gạo an toàn, chất lượng, vì sức khỏe người tiêu dùng.

Theo ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP. Cần Thơ) - muốn có sản phẩm tốt, phải đầu tư cho quy trình công nghệ. Từ năm 2011, Trung An đã trang bị hệ thống máy móc hiện đại, hoàn toàn tự động từ khâu sấy lúa, xay xát, lau bóng, tách màu đến đóng gói thành phẩm; đồng thời, chủ động đầu tư xây dựng hệ thống kho chứa có diện tích lên đến cả trăm nghìn m2, đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. Nhờ quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ, Trung An vẫn đều đặn XK hơn 100.000 tấn gạo chất lượng cao mỗi năm dù thị trường biến động.

Cùng quan điểm, ông Phạm Minh Thiện - Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp) - chia sẻ: Mỗi năm, chúng tôi đều tự nâng cấp dây chuyền, nhà xưởng theo nhu cầu từ thị trường vì hạt gạo làm ra phải vì người tiêu dùng, vì sức khỏe của họ, mới tồn tại và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An: Từ quý II/2019, thị trường lúa gạo sẽ khởi sắc hơn, tạo thuận lợi cho DN và giá lúa mua cho người nông dân sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, mỗi DN muốn tồn tại, cần có sự đầu tư hoàn chỉnh và được hỗ trợ về vốn.

Thùy Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/che-bien-gao-xuat-khau-theo-sat-nhu-cau-thi-truong-117788.html