CHDCND Triều Tiên trong chiến lược ngoại giao 'không mặc cả' của Mỹ

Mới đây, Washington tuyên bố sẽ áp dụng một hướng tiếp cận ngoại giao mới đối với Bình Nhưỡng, nhằm 'giải bài toán' phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Dù có chung mục tiêu với những người tiền nhiệm, nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden và các cộng sự tại Nhà Trắng lại lựa chọn một 'công thức' khác, không kiên nhẫn chiến lược cũng không tìm cách thỏa hiệp.

CHDCND Triều Tiên được coi một trong những thách thức hàng đầu trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Ngày 3/5 (giờ Việt Nam), Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã có cuộc trao đổi về mối quan tâm này với kênh truyền hình ABC News.

Theo đó, ông Jake Sullivan nêu rõ: “Chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên dưới thời Tổng thống Biden không hướng tới sự thù địch mà nhắm vào các giải pháp với mục đích cuối cùng là đạt được việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi sẵn sàng tham gia vào các hoạt động ngoại giao để hướng tới đích đến đã đặt ra, nhưng mọi bước đi phải dựa trên thực tiễn, đảm bảo an ninh cho Mỹ và đồng minh".

 Tổng thống Mỹ Joe Biden đang theo đuổi cách tiếp cận mới về chính sách Triều Tiên. Nguồn: Nikkei Asia.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang theo đuổi cách tiếp cận mới về chính sách Triều Tiên. Nguồn: Nikkei Asia.

Cụ thể, ông Jake Sullivan nhấn mạnh, bốn tổng thống Mỹ trước đây đã không thể đưa Bình Nhưỡng đến ngưỡng đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân. Do đó, chính sách mới đối với Triều Tiên là sự kế thừa và điều chỉnh từ thực tiễn trong từng giai đoạn, không đi theo hướng "kiên nhẫn chiến lược" như thời Tổng thống Barak Obama, hay tìm cách thỏa hiệp, “mặc cả có lợi” như thời ông Donald Trump.

Dù không công bố chi tiết về về hướng tiếp cận mới, nhưng cố vấn Jake Sullivan tiết lộ rằng, các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden đã tham vấn rất kỹ càng và thận trọng cùng các chuyên gia nước ngoài, các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là những quan chức dưới thời ông Donald Trump từng tham gia vào các cuộc trao đổi giữa Washington và Bình Nhưỡng ở Singapore hồi tháng 6/2018 và ở Hà Nội hồi tháng 2/2019.

Bình luận về tuyên bố từ phía Mỹ, Reuters dẫn lời giới chuyên gia phân tích chính trị thế giới cho hay, chính quyền ông Biden đang muốn gửi tín hiệu tới Bình Nhưỡng, rằng Washington sẽ tìm cách phi hạt nhân hóa dựa trên nỗ lực và thiện chí của Triều Tiên, tức là để ngỏ cánh cửa đối thoại nếu Triều Tiên nhượng bộ, hoặc sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt nếu nước này có những động thái gây lo ngại đối với Mỹ và đồng minh.

Jenny Town, Giám đốc 38 North - một chương trình giám sát Triều Tiên có trụ sở tại Washington đánh giá, dưới thời Tổng thống Biden, Nhà Trắng có thể sẽ ít tập trung hơn vào việc phát triển quan hệ hòa hợp với Nhà lãnh đạo Kim Jong-un mà thay vào đó sẽ tham vấn các đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản nhiều hơn. Bà Jenny Town viện dẫn, Hàn Quốc và Nhật Bản trước đó đều cho biết, Mỹ đã tham khảo ý kiến của hai nước này trong suốt quá trình đánh giá chính sách với Triều Tiên, trước khi đưa ra kết luận chính thức.

Hồi tháng 3, Triều Tiên đã phóng hai tên lửa tầm ngắn và hai tên lửa đạn đạo. Ảnh: KCNA.

Những năm qua, Washington và Bình Nhưỡng đã nhiều lần ngồi vào bàn đàm phán để tìm giải pháp cho phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng các nỗ lực đều chưa mang lại kết quả cụ thể vì hai bên chưa thể thống nhất về kế hoạch hành động. Lần công bố chính sách ngoại giao mới này, chính quyền Tổng thống Biden cũng không nhắc đến sự đảm bảo an ninh cho Triều Tiên hay việc chấm dứt chính thức cuộc Chiến tranh Triều Tiên - hai đề nghị của phía Bình Nhưỡng và là một phần trong quy trình lớn hơn mà đội ngũ của ông Trump từng cân nhắc đàm phán.

Hiện chưa rõ cách tiếp cận này có giúp ông Joe Biden thực hiện hóa thành công mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên mà các thời tổng thống Mỹ đặt ra lâu nay hay không. Tuy nhiên, Triều Tiên đã ngay lập tức có những cảnh báo cứng rắn và khẳng định Mỹ sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng ngoài tầm kiểm soát trong tương lai gần, nếu tiếp cận với Triều Tiên theo quan điểm và lối suy nghĩ thời Chiến tranh Lạnh.

CNN hôm 2/5 cũng đưa tin, các quan chức Mỹ có kế hoạch chuyển chiến lược mới này cho các quan chức Triều Tiên, song cũng thừa nhận rằng điều đó không thể thay đổi những tính toán của Bình Nhưỡng trong tương lai gần. Được biết, Washington đã bắt đầu tiến hành đánh giá về hồ sơ Triều Tiên sau khi ông Biden nhậm chức hồi tháng 1.

Chính quyền Tổng thống Biden lần đầu tiên tiếp xúc với phía Triều Tiên qua nhiều kênh khác nhau từ giữa tháng 2, nhưng cho tới nay, nước này vẫn từ chối các hoạt động ngoại giao với phía Mỹ vì muốn Washington và các đồng minh gỡ bỏ các chế tài kinh tế liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân. Hồi tháng 3, Triều Tiên phóng hai tên lửa tầm ngắn giữa lúc Ngoại trưởng Mỹ Blinken có chuyến công du đầu tiên tới châu Á - Thái Bình Dương, vài ngày sau đó, Triều Tiên tiếp tục phóng hai tên lửa đạn đạo ra biển Nhật Bản.

Trong một diễn biến có liên quan, Hàn Quốc ngày 3/5 đã lên tiếng sau những chỉ trích gay gắt về Mỹ của Triều Tiên. Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young khẳng định, căng thẳng không nên gia tăng tại bán đảo Triều Tiên trong mọi tình huống. Liên quan đến việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ thăm Washington ngày 21/5 tới, Bộ trưởng Lee In-young bày tỏ rằng, Seoul sẽ nỗ lực để nối lại đối thoại giữa Triều Tiên và Mỹ sớm nhất có thể, thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa các đồng minh.

Linh Đan

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/chdcnd-trieu-tien-trong-chien-luoc-ngoai-giao-khong-mac-ca-cua-my-639657/