Cháy rừng: Xót xa sau biển lửa

Những cánh rừng xanh tốt chỉ sau vài chục giờ đồng hồ xảy ra vụ cháy đã trở thành tro bụi với đất trống đồi trọc đầy xót xa. Trách nhiệm không chỉ thuộc về những người gây ra cháy rừng mà còn là của người có trách nhiệm và liên quan đến bảo vệ tài nguyên rừng.

Nhiều ngày qua, những vụ cháy rừng liên tiếp xảy ra tại nhiều tỉnh thành khúc ruột miền Trung khiến người dân cả nước quan tâm, lo lắng, đặc biệt tại các “chảo lửa” Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam…

“Chảo lửa” Hà Tĩnh – nơi vừa trải qua những vụ cháy rừng lịch sử, thời điểm này, những ngọn lửa hung tàn đã được dập tắt nhờ sự nỗ lực của hơn 15.000 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, chính quyền các cấp, kiểm lâm viên, dân quân tự vệ và người dân.

Những ngày qua, để khống chế những vụ cháy rừng trên diện rộng và vô cùng phức tạp, hàng chục nghìn người với hàng nghìn phương tiện máy móc, thiết bị đã căng mình trong cuộc chiến với “giặc lửa” để lại những hình ảnh cảm động về sự nỗ lực, hi sinh của họ.

Sau mỗi vụ cháy rừng...

Sau mỗi vụ cháy rừng...

Là cảnh hoang tàn tro bụi với đất trống đồi trọc đến xót xa. Ảnh: VGP.

Bất chấp sức nóng khủng khiếp từ ngọn lửa phát ra từ những vụ cháy rừng cùng với thời tiết nắng nóng, hanh khô, bất chấp những điều kiện khó khăn gian khổ với những bữa ăn vội vàng với ổ bánh mì, thậm chí chỉ gói mì tôm khô…hàng nghìn con người không kể ngày, đêm lăn lộn dập lửa với quyết tâm cứu rừng, bảo đảm tính mạng và tài sản của nhà nước và nhân dân.

Thật cảm động với hình ảnh những người lính cứu hỏa lao mình sát “biển lửa” để phun nước, những chiến sĩ quân đội, nhiều người khác như dân quân, quân đội…đến các đoàn viên thanh niên nối nhau kéo dài những dây cứu hỏa, căng mình dựng hàng trăm mét đường băng cản lửa, ngăn lửa rừng lan ra diện rộng để hạn chế tối đa thiệt hại do đám cháy gây ra trong thời tiết nắng nóng 40 độ C, gió lào và trong màn bao phủ của bụi than mịt mờ.

Thật xúc động với hình ảnh những chiếc áo ướt đẫm mồ hôi, những gương mặt đen nhẻm vì tro bụi, họ vẫn thay nhau quần mình đến kiệt sức dưới thời tiết khắc nghiệt để giành nhau từng mét đất với “giặc lửa” đang tàn phá những cánh rừng mà không có những phút giây nghỉ ngơi.

Ảnh: Báo Hà Tĩnh.

Thật xót xa khi trong nhưng cuộc cứu rừng ấy, có người đã bị thương, thậm chí có người đã tử vong để bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên của đất nước và sự sống của nhân dân. Ai cũng nặng lòng khi chứng kiến những hình ảnh những cán bộ chiến sĩ lau cho nhau những giọt mồ hôi ướt đẫm trên khuôn mặt, thậm chí là những giọt nước mắt đớn đau khi chứng kiến rừng bị ngọn lửa thiêu đốt, người tử vong khi tham gia chữa cháy.

Và cũng thật đau đớn khi dù họ đã nỗ lực hết mình, thậm chí đã vắt kiệt sức lực nhưng trước sự hung dữ của ngọn lửa, nhiều ha rừng đã vĩnh viễn thành tro bụi, vĩnh viễn mất đi. Chỉ trong mấy chục giờ đồng hồ, những cánh rừng hàng chục năm đã bị xóa sổ thành nơi đất trống, đồi trọc.

Những chiến sĩ căng mình chồng "giặc lửa". Ảnh: Công an Hà Tĩnh.

Và những hình ảnh khiến bao người thương xót của lực lượng tham gia cứu rừng.

Cháy rừng – đã để lại những thiệt hại nặng nề khi không chỉ tài nguyên rừng bị thiêu rụi mà phải mất rất nhiều thời gian với nhiều công sức, kinh phí mới có thể phục hồi lại được, trong khi đó hiểm họa trước mắt là môi trường sinh thái bị ảnh hưởng nặng nề, hậu quả để lại với đời sống xã hội hết sức nghiêm trọng.

Tại sao trong thời gian qua, dù đã quyết liệt triển khai các biện pháp bảo vệ rừng nhưng những vụ cháy rừng vẫn liên tiếp xảy ra?

Nhiều người cho rằng, những vụ cháy rừng do thời tiết nắng nóng, hanh khô bởi "cháy rừng chỉ đơn giản là một phần của tự nhiên". Tuy nhiên, những vụ cháy rừng vừa qua cho thấy, không hẳn do nguyên nhân khách quan mà chủ yếu do con người gây ra. Vụ cháy rừng phòng hộ thuộc thôn 7 (xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) vừa qua đã được cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân do một người nông dân sống gần rừng dùng bật lửa để đốt rác. Cũng với nguyên nhân tương tự đã khiến xảy ra vụ cháy rừng bạch đàn tại Bình Định.

Những vụ cháy rừng gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế lẫn môi trường ấy lại xuất phát từ những nguyên nhân do con người bất cẩn dù lỗi đó tưởng chừng vô cùng bé nhỏ và vô tình. Thật là xót xa.

Người nông dân đốt rác gây cháy rừng tại Hà Tĩnh vừa bị khởi tố và sẽ phải chịu bản án thích đáng của pháp luật do hành vi đã gây ra nhưng bản án nào đi nữa thì khó có thể bù đắp lại những cánh rừng – vốn được ví như lá phổi nuôi dưỡng sự sống, không thể nào hoàn nguyên lại những tro bụi, củi than thành những cây rừng tươi tốt như xưa.

Tuy nhiên, để xảy ra cháy rừng, cũng cần bàn đến trách nhiệm của cơ quan chức năng như chi cục kiểm lâm, chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng. Khi hệ thống pháp luật bảo vệ rừng khá đầy đủ, khi lực lượng bảo vệ rừng khá hùng hậu? Tại sao việc tuyên truyền ngăn chặn những người dân đốt rác, đốt thực bì rừng sau khai thác không được ngăn chặn hiệu quả dẫn đến những cánh rừng luôn phải báo động về vấn đề cháy rừng thậm chí rừng có thể cháy từ những nguyên nhân vô cùng nhỏ bé đến như thế. Câu trả lời chỉ có thể là sự buông lỏng trong khâu kiểm tra giám sát tình trạng đốt rác, thực bì vào những thời điểm nắng nóng, trong khi việc tuyên truyền phổ biến về công tác phòng chống cháy rừng đến mọi tầng lớp nhân dân chưa hiệu quả.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo, triển khai các biện pháp cấp bách tăng cường phòng chống cháy rừng. Các địa phương phải phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn. Đặc biệt, phải có phương án và sẵn sàng thực hiện sơ tán dân khi cần thiết; chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương làm rẫy; tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng.

Chỉ đạo của Thủ tướng là vô cùng đúng đắn và cần thiết khi để không còn tái diễn những vụ cháy rừng đầy xót xa như vừa qua, ngoài việc xử lý nghiêm đối tượng vi phạm gây ra vụ cháy rừng cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Bởi khi gắn trách nhiệm người đứng đầu thì họ mới quyết liệt vào cuộc sẽ tạo hiệu quả cao trong phòng chống cháy rừng và khiến nhiều địa phương khác chấn chỉnh thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ rừng.

Mất hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm trồng rừng chỉ sau vài giờ, "rừng vàng" thành tro bụi sau “biển lửa”. Đó là sự xót xa đau đớn không chỉ với những người làm công tác bảo vệ rừng mà với nhân dân cả nước và cả các thế hệ sau. Mong rằng, sẽ không còn vụ cháy rừng nào xảy ra mà nguyên nhân xuất phát từ sự cẩu thả, chủ quan của con người như vừa mới xảy ra tại Hà Tĩnh.

Thiên Nga

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/ban-doc-dieu-tra/chay-rung-xot-xa-sau-bien-lua-1244964.html