Cháy rừng ở Indonesia, khói mù lan rộng

Năm nay là mùa khô khốc liệt đối với Indonesia. Các vụ cháy rừng ở quốc gia này tăng vọt khiến khói mù lan rộng tới một số quốc gia Đông Nam Á. Nguyên nhân là do nhiều vụ đốt rừng bất hợp pháp tại khu vực Sumatra và Kalimantan. Chính phủ Indonesia đã cố gắng ngăn nạn đốt rừng với mức phạt cho hành vi này lên đến 700.000 USD và 10 năm tù, nhưng nạn đốt rừng vẫn tiếp diễn.

Học sinh bang Sarawak (Malaysia) đeo khẩu trang tránh khói khi đến trường. Ảnh: Reuters.

Học sinh bang Sarawak (Malaysia) đeo khẩu trang tránh khói khi đến trường. Ảnh: Reuters.

Những cáo buộc

Ngày 15/9, Bộ trưởng Môi trường Indonesia - bà Siti Nurbaya Bakar cho biết, một số vụ cháy rừng trên lãnh thổ của họ bắt nguồn trên vùng đất được các công ty của công ty Malaysia sử dụng. Đây được coi là “lời giải thích” về nguyên nhân khói mù từ Indonesia do các vụ cháy rừng, đã lan sang nhiều nước trong khu vực, đặc biệt là với Malaysia. Đáp lại, phía Malaysia cáo buộc khói từ các vụ hỏa hoạn trên đảo Sumatra và Borneo (Indonesia), suốt hơn 20 ngày qua đã lan cả sang bên kia biên giới, buộc Malaysia phải đóng cửa các trường học và đưa ra cảnh báo về sức khỏe với cộng đồng. Teresa Kok- Bộ trưởng Malaysia phụ trách về dầu cọ, cho biết bất kỳ báo cáo nào về các vụ hỏa hoạn trên đất Indonesia do các công ty Malaysia kiểm soát là “một cáo buộc nghiêm trọng”. Bà Kok cho biết bà đã liên lạc với 4 công ty Malaysia liên quan và họ sẽ hợp tác với chính quyền để “điều chỉnh cáo buộc này”.

Suốt những ngày qua, các vụ cháy rừng đã buộc chính quyền Indonesia đã phải triển khai nhiều máy bay trực thăng cứu hỏa và hàng ngàn nhân viên an ninh để ứng phó thảm họa. Theo Trung tâm Khí tượng chuyên ngành ASEAN có trụ sở tại Singapore, số “điểm nóng” có nguy cơ cháy cao được vệ tinh ghi nhận tăng mạnh từ 861 lên 1.619 ở Borneo và Sumatra chỉ trong vòng một ngày (hôm 12/9).

Hơn 930.000 ha rừng đã bị thiêu rụi ở các vùng Sumatra và Kalimantan. 9.000 nhân viên cứu hỏa được triển khai khống chế đám cháy. Bụi mù từ các đám cháy ở Indonesia lan sang Malaysia và Singapore khiến ô nhiễm không khí tăng lên mức nguy hiểm. Cơ quan xử lý thảm họa quốc gia Malaysia đã phải phân phát nửa triệu khẩu trang ở bang Sarawak, nơi chứng kiến chỉ số ô nhiễm không khí (API) tăng vọt. Hơn 400 trường học ở bang này đã đóng cửa từ hôm 10/9. Tính đến nay, 11 trong số 16 bang và vùng lãnh thổ của Malaysia có mức API “không an toàn”. Còn chỉ số ô nhiễm không khí ở Singapore cũng tăng lên mức “không an toàn” kể từ hôm 11/9.

Với Malaysia, khói từ Indonesia tràn sang đã khiến Tòa tháp đôi nổi tiếng chìm trong “màn sương trắng” khói bụi. Còn tại Singapore, các cao ốc đều đã “bạc đầu”.

Căng thẳng

Việc cháy rừng ở Indonesia không còn xa lạ đối với bản thân quốc gia này cũng như với các nước láng giếng. Vào trung tuần tháng 8/2005, do e ngại khói tràn sang, Malaysia đã lên kế hoạch tạo mây ở tỉnh Sumatra và Kalimantan (Indonesia). Theo Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Indonesia Jamaluddin Jarjis, việc tạo mây gây mưa sẽ được tiến hành cho đến khi các đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Trong khi tại thủ đô Kuala Lumpur và các khu vực xung quanh và bờ biển phía tây Malaysia bị bao trùm bởi những đám khói dày đặc. Còn Phó chỉ huy nhóm cứu hỏa và cứu hộ Zurkarnian Mohamad Kasim cho biết, với 3 máy bay quân sự đưa các binh sĩ đến tỉnh Riau của Indonesia, thì mới có thể hy vọng dập lửa từ mặt đất.

Việc cháy rừng dữ dội ở Indonesia khiến cho quan hệ với nước láng giềng Malaysia trở nên căng thẳng. Trong 2 năm 1997 và 1998, Malaysia cũng đã đưa lính cứu hỏa đến Indonesia để “tăng sức ép” lên nước này nhằm giải quyết những trận cháy rừng làm ảnh hưởng đến nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á.

Cháy rừng ở Indonesia trên thực tế cũng đã trở thành quan ngại cho nhiều quốc gia. Các quan chức môi trường Nhật và Hàn Quốc đã từng phải hội đàm cùng những người đồng nhiệm ASEAN để bàn cách hỗ trợ Indonesia giải quyết nạn cháy rừng. Malaysia và Singapore từng kêu gọi các nước ASEAN hợp tác chống nạn khói bụi hàng năm. Theo Raman Letchumanan- người phụ trách vấn đề môi trường của ban thư ký ASEAN, Nhật có thể giúp tạo mây trên bầu trời Sumatra của Indonesia, nơi vấn đề nghiêm trọng nhất, và cung cấp máy bay để dập lửa từ trên cao.

Bên cạnh đó, các quan chức một số nước trong ASEAN cũng kêu gọi Chính quyền Indonesia cần có hành động cứng rắn hơn đối với những kẻ đốt rừng. Đến nay, những đám cháy ở Sumatra và Kalimantan đã giảm bớt, nhưng cũng không thể nói chắc là không tái diễn.

N.Mai (theo AFP, Guardian)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/moi-truong/chay-rung-o-indonesia-khoi-mu-lan-rong-tintuc447445