Cháy rừng chưa xong, miền Trung lại lo chống lũ

Sau thời gian dài nắng nóng, đất bị khô nứt, đặc tính của đất bị phá vỡ và cháy rừng đã xảy ra ở khu vực Bắc miền Trung, bề mặt thảm phủ bị suy giảm, mưa lớn trên diện rộng gây nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ do nghẽn dòng, lũ bùn, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh vùng núi phía Bắc, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.

Mưa lớn diễn ra sau thời gian nắng nóng kéo dài, cháy rừng, nguy cơ gây ra lũ quét - Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Mưa lớn diễn ra sau thời gian nắng nóng kéo dài, cháy rừng, nguy cơ gây ra lũ quét - Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Theo báo Hà Tĩnh, vụ cháy rừng khủng khiếp xảy ra tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vốn đã cơ bản được khống chế vào lúc 8 giờ sáng 30.6. Tuy nhiên, do nắng nóng và gió Tây Nam thổi mạnh làm “hồi sinh” những đám cháy nhỏ, khiến nỗ lực ngăn chặn lửa rừng đến 15 giờ chiều qua (1.7) vẫn còn tiếp diễn. Việc lửa được dập rồi lại bùng cháy vì thời tiết nắng nóng là chuyện không chỉ của riêng Hà Tĩnh mà còn là một loạt tỉnh ở Bắc Trung bộ những ngày gần đây.

Trong lúc cháy rừng diễn biến phức tạp, việc đưa nước lên chữa cháy gặp nhiều khó khăn thì người ta chờ đợi những cơn mưa đến chữa cháy một cách triệt để. Do vậy, khi dự báo thời tiết xuất hiện bản tin về khả năng xuất hiện mưa vào hôm nay (2.7) thì nó được ví von như mưa vàng. Chỉ có điều, niềm vui mưa dập tắt cháy rừng chưa tới thì đã xuất hiện nỗi lo lũ lớn ở miền Trung. Thậm chí, do cháy rừng làm mất thảm thực vật giữ nước sẽ khiến mưa lũ còn nguy hiểm hơn.

Rạng sáng nay, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương vừa phát đi Cảnh báo: Trên các sông, suối khu vực Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-5m. Mực nước đỉnh lũ trên sông Thao có khả năng đạt BĐ1, các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh còn dưới BĐ1. Sau thời gian dài nắng nóng, đất bị khô nứt, đặc tính của đất bị phá vỡ và cháy rừng đã xảy ra ở khu vực Bắc miền Trung, bề mặt thảm phủ bị suy giảm, mưa lớn trên diện rộng gây nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ do nghẽn dòng, lũ bùn, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh vùng núi phía Bắc, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa đến Quảng Bình.

Ngày 1.7, khi các đám cháy rừng ở Hà Tĩnh còn diễn biến phức tạp thì Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn đã phải thay mặt UBND tỉnh ký ban hành Công điện số 08 /CĐ-UBND ngày 1.7.2019 chỉ đạo các ban, ngành, địa phương, đơn vị về việc chủ động ứng phó vùng áp thấp trên biển và mưa lũ trên địa bàn tỉnh.

Hôm nay (2.7), rãnh áp thấp có trục đi qua khu vực Bắc Bộ nối với áp thấp nhiệt đới trên khu vực Bắc Biển Đông.

Dự báo: Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp đi qua khu vực Bắc Bộ kết hợp với rìa phía Tây của áp thấp nhiệt đới nên trong ngày hôm nay (2.7), ở Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa, riêng khu vực Nam Đồng Bằng Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông (lượng mưa phổ biến 30-70mm/12 giờ, có nơi trên 100mm/12 giờ). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh

Từ đêm nay đến ngày 4.7, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và di chuyển về phía đất liền nên ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 100-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt); ngày 3-4.7, vùng núi Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt); từ đêm nay đến ngày 3.7, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to (lượng mưa phổ biến 50-100mm/đợt).

P.V

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/chay-rung-chua-xong-mien-trung-lai-lo-chong-lu-116262.html