Chạy nước rút để giải ngân vốn đầu tư công

Năm 2020, Chính phủ đã có những đổi mới mạnh mẽ trong công tác điều hành nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, coi đây là giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sáu tháng đầu năm mới đạt 33,9% kế hoạch. Nhiều giải pháp quyết liệt đang được triển khai trong những tháng cuối năm để giải ngân vốn đầu tư công 'về đích'.

Dự án xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam nối Nghệ An với Hà Tĩnh được giải ngân, bảo đảm xây dựng đúng tiến độ. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Dự án xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam nối Nghệ An với Hà Tĩnh được giải ngân, bảo đảm xây dựng đúng tiến độ. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Năm 2020, Chính phủ đã có những đổi mới mạnh mẽ trong công tác điều hành nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, coi đây là giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sáu tháng đầu năm mới đạt 33,9% kế hoạch. Nhiều giải pháp quyết liệt đang được triển khai trong những tháng cuối năm để giải ngân vốn đầu tư công “về đích”.

Nhiều địa phương chưa giao hết vốn

Tại hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công diễn ra ngày 16-7, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, điểm mới của năm 2020 là Thủ tướng Chính phủ đã giao tổng vốn đầu tư công theo kế hoạch cả năm từ rất sớm và giao một lần toàn bộ kế hoạch vốn trước ngày 30-11-2019 cho các bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách T.Ư năm 2020, danh mục, mức vốn bố trí của từng dự án (DA) cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND cấp dưới. Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng chậm giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn cho các DA, là nguyên nhân khiến đầu tư công ách tắc, trì trệ.

Cụ thể, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2020 được Quốc hội thông qua là 470.600 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ vốn đầu tư của các bộ, ngành chiếm 22,9%, vốn đầu tư của các địa phương chiếm 77,1%. Đến nay, đã có 52 trong tổng số 53 bộ, ngành và toàn bộ 63 địa phương có phương án phân bổ vốn cho các đơn vị. Tuy nhiên, chỉ có 35 bộ, ngành và 22 địa phương giao chi tiết hết 100% kế hoạch vốn cho các DA với tổng số vốn đủ điều kiện giải ngân là hơn 443 nghìn tỷ đồng, đạt 94,2% kế hoạch. Tiến độ thực hiện và giải ngân một số công trình lớn, quan trọng quốc gia như DA cao tốc bắc - nam phía đông cơ bản đáp ứng theo đúng kế hoạch; DA cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dự kiến đến ngày 20-8-2020 sẽ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng gói thầu khảo sát, thiết kế. Riêng DA thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giải ngân rất thấp, khó đạt tiến độ như đã cam kết của UBND tỉnh Đồng Nai và tiến độ yêu cầu.

Còn theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân đầu tư công sáu tháng đầu năm đạt hơn 159 nghìn tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch, tuy có tăng so cùng kỳ (năm 2019 đạt 28,56% kế hoạch) song vẫn thấp so với yêu cầu. Chỉ có ba bộ, ngành và chín địa phương có tỷ lệ giải ngân hơn 50%; nhiều nơi chỉ giải ngân được dưới 20%, thậm chí có bảy bộ, ngành giải ngân dưới 5%. Thực trạng này cho thấy, cùng một cơ chế, chính sách nhưng kết quả giải ngân vốn đầu tư công tại các ngành, địa phương rất khác nhau, chủ yếu do sự quyết tâm và trách nhiệm của người đứng đầu.

Điểm chung của các bộ, ngành, địa phương nằm trong tốp đầu về giải ngân vốn đầu tư công xác định đây là nhiệm vụ chính trị và quyết liệt đeo bám, tổ chức họp giao ban định kỳ hằng tháng để kiểm điểm tiến độ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Chia sẻ kinh nghiệm tốt về giải ngân đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, ngay từ đầu năm, địa phương này đã thực hiện phân khai vốn được giao để các ngành triển khai thực hiện sớm. Đồng thời, thành lập các tổ công tác đôn đốc chỉ đạo công tác giải ngân, giao một phó chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp điều hành các DA trọng điểm. Các cuộc giao ban hằng tháng đều nêu kết quả giải ngân vốn đầu tư công của từng ngành, địa phương, yêu cầu người đứng đầu phải giải trình và chịu trách nhiệm nếu giải ngân thấp… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc chia sẻ: Các DA trọng điểm có chương trình họp riêng từ hai đến ba tuần để chủ đầu tư báo cáo và thảo luận về tiến độ DA. Ngay cả trong thời điểm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Ninh Bình cũng có phương án riêng cho từng DA. Tỉnh thực hiện phân cấp mạnh nhưng quản lý chặt song hành với đôn đốc tiến độ và kịp thời tháo gỡ vướng mắc. Với các giải pháp quyết liệt đã triển khai, tỉnh Ninh Bình cam kết từ nay đến cuối năm sẽ giải ngân hết 100% vốn đầu tư công và đề xuất Chính phủ phân bổ thêm vốn để tiếp tục hoàn thành các công trình cấp bách.

Điều chuyển ngay vốn “khê đọng”

Theo Bộ trưởng KH và ĐT Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công rất đa dạng, bao gồm cả nguyên nhân cố hữu tồn tại lâu nay chưa được khắc phục triệt để và cả nguyên nhân mới phát sinh. Mỗi một bộ, ngành, địa phương, DA giải ngân chậm đều ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Bài học rút ra là các cấp, các ngành phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Việc phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công có tác động lớn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, cho nên phải triển khai nhanh, hiệu quả, bảo đảm đúng quy định.

Bộ KH và ĐT kiến nghị những tháng còn lại của năm 2020 cần xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để phục hồi và phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn, vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ. Hoàn thành việc giao kế hoạch vốn chi tiết cho các chương trình, DA để giải ngân trước ngày 31-7-2020. Chủ động ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu... Phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, lập kế hoạch giải ngân của từng DA, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng DA, coi đây là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao trong năm 2020. Phối hợp Bộ KH và ĐT, Bộ Tài chính và các bộ chuyên ngành liên quan tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện DA... Đáng lưu ý, số vốn còn lại chưa giao chi tiết cho các DA trong sáu tháng đầu năm là hơn 27 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,8% kế hoạch. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị Chính phủ thực hiện việc điều chuyển vốn giữa các bộ, ngành, địa phương sớm hơn, cụ thể là thực hiện từ tháng 8 thay vì tháng 9 như dự kiến. Đồng thời, đề xuất siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vấn đề chuẩn bị DA và trách nhiệm của người đứng đầu.

Thực trạng giải ngân vốn đầu tư công có xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Thực tế, do khối lượng công việc quá lớn, một số nơi như Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Đồng Nai phải tháo gỡ nhiều nút thắt về thủ tục đầu tư xây dựng cho các DA, công trình trọng điểm cho nên tình hình giải ngân chưa đạt kế hoạch. Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, bộ tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ cùng các ngành về thể chế, tích cực phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền cấp phép xây dựng cho các địa phương; giảm thời gian làm thủ tục xây dựng xuống còn 20 ngày, giảm mạnh đối tượng phải thẩm định thiết kế cơ sở… Các nội dung này được Quốc hội cho phép thực hiện từ ngày 15-8-2020 thay vì chờ Luật Xây dựng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2021.

TÔ HÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/chay-nuoc-rut-de-giai-ngan-von-dau-tu-cong--608903/