Cháy nổ xe điện, do đâu?

Với tính năng sử dụng tiện lợi, xe đạp điện đã trở thành phương tiện đi lại chủ yếu của người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, nhiều vụ cháy nổ liên quan đến xe đạp điện khiến nhiều người lo lắng về độ an toàn của phương tiện này. Và câu hỏi được đặt ra là tại sao loại xe này lại thường xảy ra cháy nổ?

Để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng nên chọn dòng xe có thương hiệu hay đã qua kiểm định an toàn

Để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng nên chọn dòng xe có thương hiệu hay đã qua kiểm định an toàn

Chúng tôi đem thắc mắc này trao đổi với anh Ngô Chí Quốc, Trưởng bộ phận kỹ thuật, cửa hàng bán xe đạp điện HKBike (560 Trần Hưng Đạo, phường 2, quận 5, TPHCM) và được anh cho biết:

“Nguyên nhân cháy phần lớn bắt nguồn từ bộ phận ắc quy, tuy nhiên, người sử dụng lại vô tình quên mất điều này. Họ mua xe về và cứ đi mà quên luôn phần bảo trì bảo dưỡng theo định kỳ. Đến khi xe khởi động máy không chạy thì họ mới đem ra tiệm để sửa.

Bên cạnh đó, với nhiều giá thành khác nhau nên xe kém chất lượng thường có bình ắc quy không tốt, cấu tạo từ chì thuộc nhóm chất thải nguy hại; mỗi khi hỏng hóc, lượng chì và axit trong bình tràn ra ngoài gây chập cháy rất nguy hiểm.

Thêm vào đó là những mối hàn, đấu nối của linh kiện không được cách điện tốt, có thể gây ra hiện tượng phóng điện làm hệ thống bị chập và dẫn đến cháy.

Ngoài ra, do người sử dụng không bảo trì bảo dưỡng xe, quá trình sử dụng lại gặp mưa, gió, nước ngập hoặc để xe ở nơi có độ ẩm cao khiến xe và ắc quy, pin xe bị ngấm nước và rò điện”.

Nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn ở loại xe đạp điện. Việc dẫn đến cháy nổ chủ yếu do khâu thiết kế xe không đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật; các hệ thống về đấu nối dây, chất lượng ắc quy, chất lượng động cơ điện, liên kết điều chỉnh trong vấn đề tương tác giữa động cơ điện và ắc quy không làm đúng kỹ thuật… sẽ dẫn đến hiện tượng cháy nổ.

Thế nhưng khi mua sản phẩm, người mua vẫn rất mơ hồ về vấn đề này, họ chỉ mua vì có nhu cầu sử dụng. Tại cửa hàng bán xe đạp điện, xe máy điện (số 156 Võ Thị Sáu, phường 8, quận 3), khi chúng tôi hỏi chị Mai Thị Huê (ngụ tại 231 Lũy Bán Bích, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú), là khách hàng đang có nhu cầu mua xe cho con gái, về vấn đề chị quan tâm nhất khi mua sản phẩm là gì? Thì câu trả lời nhận được là mẫu mã đẹp, tiện dụng, giảm được chi phí so với việc phải đón đưa con đi học ngày 2 buổi, vì có thể sạc điện mà không cần đổ xăng, chứ hoàn toàn chị không quan tâm đến xuất xứ.

Một phương tiện nhỏ gọn, tiện lợi nhưng chúng cũng có thể gây nên sự cố cháy nổ và để lại những hậu quả nghiêm trọng nếu như không được người sử dụng đặt vấn đề cháy nổ lên hàng đầu. Trong quá trình sử dụng, bên cạnh việc phải đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật thì việc thiếu bảo trì, bảo dưỡng trong quá trình sử dụng cũng là nguyên nhân gây nên những sự cố cháy nổ. Thế nhưng, trên thực tế người sử dụng không kiểm tra, bảo dưỡng theo định kỳ, đặc biệt là do sạc pin chưa đúng cách nên dẫn tới cháy nổ. Và khi xảy ra sự cố, phần lớn người dân lại thiếu kiến thức cơ bản để phòng cháy, dẫn đến việc xử lý chậm hoặc quá hoảng sợ dẫn đến mất bình tĩnh nên thay vì lấy bình chữa cháy xách tay phun thẳng vào gốc lửa thì người dân lại đứng nhìn hoặc vứt xe bỏ chạy.

Vậy để quá trình sử dụng không xảy ra tình trạng cháy nổ, chúng ta phải làm gì?

Để đảm bảo an toàn cho mình và mọi người xung quanh, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC07) - Công an TPHCM - khuyến cáo, người tiêu dùng nên chọn dòng xe có thương hiệu hay đã qua kiểm định an toàn; chọn những nơi bán xe điện uy tín chất lượng để đảm bảo xe điện mua được có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đạt các tiêu chuẩn theo quy định nhằm tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra. Định kỳ 6 tháng bảo dưỡng một lần, đặc biệt là phải kiểm tra bộ phận ắc quy. Nếu có dấu hiệu hư hỏng hoặc có mùi khét thì không nên tiếp tục sử dụng mà cần đem đi bảo dưỡng tại các cửa hàng bán những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, để được kiểm tra hoặc đưa xe đi bảo trì bảo dưỡng.

Còn đối với những bộ phận hay xảy ra cháy như bộ sạc, ắc quy, người dùng nên bảo quản và sử dụng đúng cách, không để xe nơi nhiệt độ cao hay ẩm ướt; không sạc điện khi chưa hết pin... Không được để ắc quy đoản mạch trực tiếp không qua cầu chì, vì việc đó sẽ gây ra cháy nổ. Không để xe điện hoặc ắc quy/pin xe điện ở nơi có nhiệt độ quá cao, có lực rung lắc mạnh. Đồng thời, không sạc pin lập tức sau khi xe vừa sử dụng ở nhiệt độ cao, tránh tình trạng để hệ thống bình ắc quy bị ẩm ướt. Trong quá trình sạc cần phải theo dõi và sạc vừa đủ, tránh tình trạng trong lúc sạc để xe gần các thiết bị phát nhiệt khác như xe máy, ổn áp...

Và điều quan trọng nhất là phải theo dõi trong suốt thời gian sạc, bởi chỉ cần một phút lơ là thiếu cảnh giác sẽ để lại hậu quả khôn lường.

Chọn mua xe đạp điện trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ, bản thân mỗi người tiêu dùng đang tự “mua” nguy cơ cháy nổ vào mình. Khi mà những bài học về các vụ cháy mà nguyên nhân là do chập điện bình ắc quy xe đạp điện dẫn đến cháy nổ vẫn còn đó. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh, người sử dùng nên chọn dòng xe có thương hiệu hay đã qua kiểm định an toàn, đặc biệt thường xuyên bảo trì bảo dưỡng, chăm sóc để không những chiếc xe mãi là người bạn đồng hành cùng chúng ta trên những chặng đường, mà còn tránh được những sự cố cháy nổ đáng tiếc xảy ra.

PHƯƠNG THANH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chay-no-xe-dien-do-dau-565110.html