Cháy, nổ vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp

Sáng 26-11, Thượng tướng Lê Quý Vương-Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Kế hoạch số 91/KH-BCA-C61 ngày 24-4-2013 về triển khai các biện pháp phòng ngừa ngăn chặn cháy lớn. Đại tá Trần Đình Chung, Phó Giám đốc CATP chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.

Sáng 26-11, Thượng tướng Lê Quý Vương-Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Kế hoạch số 91/KH-BCA-C61 ngày 24-4-2013 về triển khai các biện pháp phòng ngừa ngăn chặn cháy lớn. Đại tá Trần Đình Chung, Phó Giám đốc CATP chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.

Đoàn công tác Bộ công an kiểm tra thường trực sẵn sàng chiến đấu tại CATP Đà Nẵng.

Đoàn công tác Bộ công an kiểm tra thường trực sẵn sàng chiến đấu tại CATP Đà Nẵng.

Kiềm chế các vụ cháy lớn

Theo báo cáo của Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, trong 5 năm qua, trên cả nước xảy ra 15.471 vụ cháy, làm chết 449 người, bị thương 1.070 người, gây thiệt hại về tài sản ước tính gần 10.000 tỷ đồng và gần 6.000 ha rừng. Trong đó có 159 vụ cháy lớn và gần 600 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người. 5 năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC đã không ngừng tăng cường các biện pháp, phương pháp, đổi mới nội dung, hình thức và tư duy trong công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC như: Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương; phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức sinh động như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về PCCC, các cuộc thi sân khấu hóa, cuộc thi sáng tác tranh ảnh chủ đề PCCC; xây dựng các mô hình, phong trào như "Nhà tôi có bình chữa cháy", "Phong trào 3 có", "Phong trào 3 biết", mô hình "Cụm, tuyến dân cư an toàn PCCC", mô hình "Chợ kiểu mẫu đạt chuẩn về PCCC"... Bên cạnh đó lực lượng PCCC cơ sở cũng được huấn luyện và củng cố hơn 172.000 đội với hơn 1,5 triệu đội viên, phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong việc phát hiện, xử lý các sự cố ngay từ khi đám cháy mới phát sinh; tự tổ chức chữa cháy hiệu quả trên 40% tổng số các vụ cháy, nổ xảy ra, ngăn chặn nguy cơ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng...

Cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, tình hình cháy, nổ vẫn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng và diễn biến phức tạp, tỷ lệ thuận với sự phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa. "Đường tốt không phải không có tai nạn, cũng như công trình càng hiện đại thì cháy, nổ vẫn có thể xảy ra, thậm chí là nghiêm trọng", Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh. Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Nguồn vốn đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng, xuất hiện ngày càng nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ cao; nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm như dầu khí, xăng dầu, điện, hóa chất... hình thành và phát triển. Quá trình đô thị hóa tăng mạnh, diễn ra hầu hết ở các địa phương trong cả nước, các khu đô thị, các nhà cao tầng, chung cư xây dựng ngày càng nhiều. Tình hình thời tiết xấu diễn biến hết sức khó lường, khí hậu nắng nóng, khô hạn kéo dài đã tác động không nhỏ tới tình hình cháy, nổ.

Thời gian qua, số lượng cơ sở quản lý về PCCC tăng hơn 54%, số lượng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ cao tăng 47% so với thời điểm trước khi triển khai thực hiện kế hoạch. Hàng năm, công an các đơn vị, địa phương đã tăng cường công tác tham mưu, tuyên truyền về an toàn PCCC tại địa bàn, thường xuyên tăng cường công tác thanh, kiểm tra, qua đó, kịp thời phát hiện và xử lý nhiều sai phạm. Trong 5 năm, lực lượng chức năng đã kiểm tra lập gần 1,5 triệu biên bản, kiến nghị và hướng dẫn các cơ sở khắc phục hàng triệu thiếu sót tồn tại trong công tác đảm bảo an toàn PCCC; xử phạt hơn 70.000 trường hợp vi phạm với số tiền nộp ngân sách gần 190 tỷ đồng, đình chỉ 1.115 trường hợp, tạm đình chỉ hoạt động 1.740 trường hợp và phạt cảnh cáo gần 2.500 trường hợp vi phạm. Một số vụ việc phải tiến hành điều tra truy tố làm rõ trách nhiệm hình sự, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về PCCC gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản như: vụ cháy ngày 15-9-2013 tại Trung tâm thương mại Hải Dương; vụ cháy ngày 1-11-2016 tại quán Karaoke số 68, Cầu Giấy, Hà Nội... Điều đó cho thấy, một bộ phận người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở và chủ hộ gia đình vẫn chưa nhận thức hết vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC... Từ các nguyên nhân chủ quan và khách quan cho thấy tình hình cháy nổ sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp và có khả năng gia tăng cả về số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Nguy cơ cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản ở mức thảm họa luôn luôn tiềm ẩn ở mức độ cao đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH.

Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương yêu cầu công an các đơn vị, địa phương nghiêm túc đánh giá, chủ động hơn nữa trong công tác ngăn chặn cháy lớn. Căn cứ nhiệm vụ và tình hình tại mỗi địa phương để tổ chức, triển khai các công tác đảm bảo an toàn PCCC, ANTT trên địa bàn. Thời gian tới cần tập trung triển khai nhiệm vụ, biện pháp có trọng tâm, trọng điểm. Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các cấp ở địa phương rà soát, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý đối với công tác quản lý Nhà nước về PCCC, không để "lỗ hổng" trong các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC, từng bước thực hiện xã hội hóa công tác PCCC, huy động sức mạnh, tiềm lực trong nhân dân và sự quan tâm, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tự nguyện đóng góp kinh phí mua sắm trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ và đầu tư cho lực lượng PCCC cơ sở. Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, lực lượng Cảnh sát PCCC cần đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, phân loại cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Đảm bảo 100% cơ sở, địa bàn thuộc diện quản lý về PCCC có đầy đủ hồ sơ theo dõi, quản lý. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn PCCC đối với các cơ sở, địa bàn có nhiều nguy hiểm cháy nổ cao và làm tốt quản lý PCCC trong lĩnh vực quản lý điều tra xây dựng cơ bản. Đặc biệt, thời gian tới cần kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm các quy định tiến tới công khai lên các phương tiện thông tin đại chúng. "Mọi vấn đề về an toàn PCCC cần được minh bạch và công khai để người dân, doanh nghiệp biết, đó cũng là một trong các biện pháp để nâng cao nhận thức về PCCC cho người đứng đầu cơ sở". "Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành sẽ đáp ứng được yêu cầu PCCC trong tình hình hiện nay để phục vụ thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Nhà nước. Công an các đơn vị, địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm và vì sự phát triển của đất nước, của mỗi địa phương và vì cuộc sống an toàn, yên lành của nhân dân", Thượng tướng Lê Quý Vương kết luận hội nghị.

MAI VINH

Các lực lượng chữa cháy tham gia tại buổi diễn tập.

Ngày 27-11, Công ty cổ phần quản lý và khai thác Hầm đường bộ Hải Vân phối hợp cơ quan chức năng tỉnh TT-Huế và TP Đà Nẵng tổ chức diễn tập PCCC trong hầm Hải Vân. Tình huống giả định là một xe tải lưu thông theo hướng Bắc Nam đến Km 5+650 nổ lốp đâm vào lan can thành hầm. Lúc này, xe khách chạy cùng chiều phía sau do không giữ được khoảng cách đã tông vào xe tải, làm 12 người trên cả hai xe bị thương. Thùng dầu xe tải vỡ, nhiên liệu tràn ra ngoài làm cháy lan tới xe khách, dẫn đến tắc nghẽn giao thông kéo dài... Qua camera giám sát và thiết bị cảm ứng giao thông, Trung tâm điều hành hầm đã kịp thời phát hiện, nhanh chóng báo động cho lực lượng chữa cháy và lực lượng cứu hộ xuất phát thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, ưu tiên cứu người. Sau đó, lực lượng chữa cháy TP Đà Nẵng và tỉnh TT-Huế nhanh chóng có mặt cùng phối hợp dập lửa. Sau 15 phút, ngọn lửa đã được khống chế, lưu thông qua lại tại hầm trở lại bình thường... Đại úy Lê Văn Lưu, Phó Phòng CS PCCC&CNCH CATP Đà Nẵng đánh giá, buổi diễn tập đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và thực hiện nghiêm túc, an toàn, đảm bảo đúng yêu cầu, kỹ thuật.

NGỌC QUỐC

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_198787_chay-no-van-tiem-an-nhieu-nguy-co-phuc-tap.aspx