Cháy nhà dân ở thành phố lớn: Vì sao thương vong nhiều?

Chỉ trong hơn chục ngày đã xảy ra 3 vụ cháy lớn làm 13 người chết, thiệt hại nhiều tài sản, ảnh hưởng đến môi trường và trật tự an toàn xã hội.

Vụ cháy xảy ra tại một con hẻm nằm trên đường Cao Lỗ, phường 4, quận 8, TP.HCM khiến 3 người gồm hai vợ chồng cùng con gái chết cháy; vụ cháy ở một căn nhà cấp 4 nằm ở phường Cát Lái, thành phố Thủ Đức, TP.HCM khiến 6 người trong một gia đình thiệt mạng, hay gần đây nhất là vụ cháy ở phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội đã bốc cháy làm 4 người tử vong đều diễn ra ở những thành phố lớn và đã để lại hậu quả đau lòng.

Trả lời cho câu hỏi: Cháy nhà dân ở thành phố lớn vì sao thương vong nhiều? Đại úy Nguyễn Danh Luân – Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) – Bộ Công an cho biết, vì là nơi đất chật, người đông, “tấc đất tấc vàng” nên người dân ở các thành phố lớn thường tận dụng tối đa diện tích. Với dạng nhà ống, 3 mặt đều tiếp giáp với các hộ liền kề, chỉ có 1 cửa chính và là cửa thoát nạn duy nhất. Bên cạnh đó, rất nhiều các gia đình xây khung sắt ở ban công, sân thượng (thường gọi là chuồng cọp) để chống trộm.

Với tường xây kiên cố, khi xảy ra cháy nổ người dẫn không thoát được ra ngoài dẫn đến thiệt hại nặng nề. Thêm vào đó, nhiều gia đình sử dụng cửa cuốn nhưng lại không trang bị hệ thống điện dự phòng dẫn đến khi xảy ra cháy cửa cuốn không hoạt động, lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ mất nhiều thời gian để phá cửa tiếp cận với khu vực bị cháy và cứu người bị nạn.

Cùng với đó, hệ thống điện cũ nát hoặc thiếu hiểu biết trong quá trình sử dụng điện (dùng điện quá tải gây chập cháy; sạc xe đạp điện, xe máy điện qua đêm; chủ quan trọng quá trình sử dụng điện, không kiểm tra định kỳ hệ thống điện...) là những nguyên nhân chính gây cháy nổ ở các nhà dân.

Hiện trường sau cháy tại nhà số 311 Tôn Đức Thắng, Hà Nội

Hiện trường sau cháy tại nhà số 311 Tôn Đức Thắng, Hà Nội

Ngay khi xảy ra vụ cháy ở phố Tôn Đức Thắng, trên mạng xã hội đã lan truyền thông tin, nguyên nhân dẫn đến chết người là do lực lượng phòng cháy chữa cháy quá chậm trễ, dù người dân đã báo tới tổng đài 114 nhưng cả tiếng sau mới thấy xe chữa cháy đến.

Theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, thông tin đó là sai sự thật. Báo cáo số 604 của Công an quận Đống Đa về vụ cháy xảy ra tại nhà dân số 311 phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột cho thấy: Hồi 0h25’ ngày 04/04/2021, Công an quận đã nhận được tin báo cháy. Ngay sau đó, Công an quận đã chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm và một số đơn vị cử 6 xe chữa cháy, 1 xe cứu nạn cứu hộ, 1 xe thang và các phương tiện cứu nạn cứu hộ cấp cứu người bị nạn, tiến hành khám nghiệm và tổ chức các biện pháp điều tra theo quy định.

Khi đến hiện trường, đám cháy đã lan trên diện tích các tầng 1, 2, 3 và tầng tum. Tuy nhiên, cửa cuốn tại tầng 1 lại khóa và chỉ có 1 lối tiếp cận duy nhất. Chỉ huy chữa cháy đã phải phá cửa và sử dụng các lăng chữa cháy công suất cao tiến hành vào trong để chữa cháy và kết hợp tìm kiếm người bị nạn. Đến 0h50’ (tức 25 phút sau khi nhận được tin) đám cháy đã được khống chế và đến 02h30 phút, đám cháy đã được dập tắt.

Dù việc chữa cháy được tiến hành khẩn trương, thế nhưng đám cháy lớn xảy ra sẽ sinh ra rất nhiều khí độc. Đại úy Nguyễn Danh Luân phân tích, với một đám cháy từ khi mới phát sinh chỉ bằng 1 điếu thuốc lá cháy lan trong một phòng diện tích khoảng 20m2 chỉ trong vòng 3 phút, ngọn lửa đã bao trùm toàn bộ căn phòng. Thường người dân xung quanh chỉ phát hiện ra đám cháy khi thấy có khói bốc ra, nhưng lúc đó đám cháy đã phát triển mạnh.

Thông thường sau khi nhận được tin báo cháy, chỉ 3-4 phút sau lực lượng PCCC và CNCH đã tiếp cận hiện trường nhưng khi đó diện tích đám cháy đã lan rất lớn, hầu như đã trùm toàn bộ tầng 1 và 2. Bên cạnh đó, căn nhà kín, khói lửa không thoát ra được, nhiệt độ bức xạ tích tụ cũng khiến đám cháy nhanh chóng bùng phát.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, có tới 80% người chết trong đám cháy là do hít phải khói, khí độc. Một người khỏe mạnh nếu hít phải khói, khí độc trong 4 phút đã bị ngất, nếu không được cứu kịp thời, chỉ khoảng 10 phút sẽ tử vong.

Một số lưu ý đối với nhà ống, nhà liền kề, nhà ở kết hợp với kinh doanh:

+ Khi thiết kế, xây dựng hoặc cải tạo nhà ống, nhà liền kề cần làm các lối thoát nạn phụ, như lối lên mái, lối qua ban công sang nhà hàng xóm, trang bị thiết bị thoát nạn như thang dây, dây hạ chậm.

+ Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt trong gia đình. Tắt tất cả các thiết bị điện không cần thiết khi ra khỏi nhà, không nạp sạc các thiết bị qua đêm ( xe điện, điện thoại). Không câu mắc điện bừa bãi. Không sử dụng quá nhiều thiết bị điện trên cùng một ổ cắm.

+ Khi đun nấu phải có người trông coi, để xa các chất cháy gần khu vực đun nấu. Vặn van khóa cổ bình gas khi đun nấu xong. Thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng đường dây dẫn gas, ván khóa gas,

+ Khi thắp hương thờ cúng cần phải có người trông coi, đốt vàng mã ở nơi thông thoáng, kín gió, cách xa khu vực có chất cháy.

+ Hàng hóa, đồ dùng vật dụng, ô tô, xe máy để trong nhà cần sắp xếp gọn gàng,không làm ảnh hưởng đến lối và đường thoát nạn, đặc biệt khu vực tầng 1, lối ra cửa chính.

+ Chìa khóa cửa để ở vị trí cố định.

+ Nếu các gia đình có sử dụng cửa cuốn cần có hệ thống điện dự phòng, hoặc cửa cuốn có thể kéo tay.

+ Lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm.

+ Lắp đặt hệ thống báo rò rỉ khí gas (nếu có sử dụng gas)

+ Trang bị phương tiện chữa cháy ban đầu (bình chữa cháy xách tay, quả cầu chữa cháy).

+ Đặc biệt trong gia đình cần thiết kế lối thoát nạn phụ, có phương án thoát nạn khi xảy ra cháy, nổ. trang bị các thiết bị thoát nạn ban đầu (Dây hạ chậm, thang dây, mặt nạ lọc độc, búa, rìu)./.

Thu Hà/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chay-nha-dan-o-thanh-pho-lon-vi-sao-thuong-vong-nhieu-848608.vov