Chảy máu mũi hơn 30 phút không cầm được, đi khám phát hiện khối u

Hơn một năm nay, bé trai thường xuyên bị chảy máu mũi. Đáng chú ý, mỗi lần chảy máu mũi kéo dài có lúc trên 30 phút vẫn chưa cầm được.

Ảnh: BVCC.

Ảnh: BVCC.

Chiều 22/12, thông tin trên báo chí, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tuấn Như, Khoa Tai – Mũi – họng Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết, đơn vị vừa phẫu thuật nội soi cắt bỏ khối u mũi trái cho bé trai (13 tuổi, ngụ Tây Ninh).

Trước đó, vào ngày 22/11, bé trai nhập viện do chảy máu tái phát nhiều lần, mỗi lần chảy máu trên 30 phút, khó cầm.

Theo phía người nhà cho biết, hơn một năm nay, bé trai có dấu hiệu chảy máu. Mỗi lần chảy máu, bé được người nhà nhét bông gòn hoặc chườm đá cầm máu, sau đó mức độ chảy máu thường xuyên hơn.

Thực hiện sơ cứu, sau khi hút sạch máu mũi, các bác sĩ phát hiện bé có một khối u trắng đục bên mũi trái nên được nhét vật liệu cầm máu, chích thuốc cầm máu. Bên cạnh đó, bé trai còn có tình trạng thiếu máu.

Các bác sĩ sau đó quyết định chụp CT scan, tắc mạch cấp máu nuôi khối u để tránh mất máu trong cuộc mổ rồi mới tiến hành lấy trọn khối u.

Khi thực hiện tắc mạch, các bác sĩ đã theo mạch máu từ vùng bẹn của đùi đặt một dây dẫn đi theo mạch máu lớn đến khối u, sau đó thả coil vào tắc mạch cấp máu cho khối u.

Một tuần sau khi thực hiện tắc mạch, đánh giá máu không còn nuôi khối u, vào ngày 12/12, ca mổ được tiến hành kéo dài 5 tiếng. Ca mổ diễn ra thuận lợi khi bệnh nhi chỉ mất 300 ml máu, được truyền một đơn vị máu 250 ml.

Năm ngày sau phẫu thuật, bệnh nhi được rút vật liệu cầm máu và xuất viện sau 5 ngày hậu phẫu.

Các bác sĩ đánh giá phương pháp nội soi kết hợp thuyên tắc mạch tỉ lệ tái phát hầu như không có, ưu điểm vượt trội so với phương pháp mổ hở truyền thống.

Theo các bác sĩ, trước đây kỹ thuật phẫu thuật nội soi chưa được áp dụng, bệnh nhân có khối u xơ vòm hầu họng thường được mổ hở đối diện với nhiều biến chứng như để lại sẹo xấu, chảy máu, nhiễm trùng cao, tái phát khối u lên đến 25% do các khối u có mạch máu ăn sâu.

Khối u vòm hầu thường rất chắc, mạch máu rất nhiều, chỉ cần chạm vào là phun máu khủng khiếp và không biết cầm ở đâu. Vì vậy, khi mổ hở, bệnh nhân thường phải mất từ 1 lít đến 1,5 lít, dễ dẫn đến biến chứng tụt huyết áp rất nguy hiểm. Sau đó, bệnh nhân phải nằm viện theo dõi từ 15 ngày cho đến 30 ngày thậm chí nhiều hơn nếu có biến chứng nặng.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/chay-mau-mui-hon-30-phut-khong-cam-duoc-di-kham-phat-hien-khoi-u-GAUXeIxMg.html