'Chảy máu' khoáng sản

Dù không được cấp mỏ khai thác nhưng một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TT-Huế vẫn ngang nhiên khai thác khoáng sản trái phép (KSTP) nhập cho các nhà máy gạch (NMG), nhà máy xi-măng (NMXM) trên địa bàn tỉnh.

Dù không được cấp mỏ khai thác nhưng một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TT-Huế vẫn ngang nhiên khai thác khoáng sản trái phép (KSTP) nhập cho các nhà máy gạch (NMG), nhà máy xi-măng (NMXM) trên địa bàn tỉnh.

Chiếc xe sau khi "ăn" đầy đất sét ở đập Tre Làng được chở đi nhập cho nhà máy gạch.

Khai thác đất sét ngoài khu vực được nạo vét

Những ngày qua, nhiều người dân xã Phong An (H.Phong Điền, TT-Huế) phản ánh tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng việc nạo vét lòng hồ đập Tre Làng ở thôn Phò Ninh, xã Phong An để khai thác đất sét đem đi bán cho NMG. Có mặt tại đập Khe Làng trưa 12-8, P.V ghi nhận, có nhiều xe ben sau khi "ăn" đầy đất sét lần lượt rời khỏi hiện trường. Con đường nơi những xe ben chạy qua nham nhở, lầy lội, bụi bay mù mịt cả một vùng. Tại khu vực cải tạo đập Tre Làng có 2 xe múc đang chờ các xe ben đến để tập kết đất sét. Cách khu vực đập Tre Làng chừng vài chục mét là những đồi đất bị băm nát. Nhiều người dân địa phương cho biết, rất nhiều khối lượng đất sét được lấy đi khỏi khu vực này, trong khi ở đó không hề được cấp mỏ. "Hễ trời nắng ráo là xe ben lớn nhỏ lại chạy đến vùng này "ăn" đầy đất sét rồi đi. Có ngày cao điểm lên đến cả trăm lượt xe. Người dân cũng không biết ai đã lấy đất sét ở đây mà chỉ biết là khu vực này không có mỏ mà thôi"- một người dân (xin được giấu tên) ở thôn Phò Ninh bức xúc. Điều đáng nói, những khu vực sau khi khai thác đất sét lậu đã tạo thành những hố rộng lớn và sau những trận mưa đầu mùa nước ngập rất sâu. "Đường vào khu vực này là nơi người dân trồng rừng keo tràm. Ban đêm, đi qua khu rừng này điện không có, chỉ cần sơ sẩy một chút thì cả xe và người rất dễ rơi xuống hồ"-một người dân lo lắng.

Trước sự việc này, ông Nguyễn Đôn- Phó Chủ tịch UBND xã Phong An cho biết, đập Tre Làng được Cty TNHH Quý Hưng (Cty) nạo vét, khơi thông và UBND tỉnh cho phép gia hạn vận chuyển đất dôi dư ra khỏi khu vực dự án nạo vét lòng hồ đập và đến tháng 11-2018 thì kết thúc. Theo ông Đôn, xã có biết việc Cty đem đất sét đi bán nhưng bán ở đâu thì không rõ. Ông Đôn cho biết thêm, sau khi nhận được phản ánh của người dân, cuối tháng 6-2018, xã đã kiểm tra thực tế việc nạo vét đập Tre Làng. Qua kiểm tra, nhận thấy Cty đã khai thác đất sét ngoài khu vực đập, xã đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính 4 triệu đồng về hành vi khai thác KSTP. Tiếp đó, từ phản ánh của người dân, ngày 16-7-2018, UBND xã Phong An tiếp tục lập biên bản kiểm tra tình hình cắm mốc nạo vét lòng hồ đập Tre Làng. "Trong hồ sơ thiết kế việc cắm mốc ranh giới xung quanh phạm vi nạo vét được thể hiện 41 mốc bê-tông nhưng thực tế đơn vị thi công chỉ cắm mốc thô sơ không đảm bảo theo thiết kế đã được phê duyệt, vị trí cắm chưa đảm bảo. Ủy ban xã yêu cầu Cty TNHH Quý Hưng khôi phục đầy đủ số mốc theo thiết kế, lập biên bản giáp ranh với các hộ dân có rừng xung quanh lòng hồ để người dân ký xác nhận việc cắm mốc và nạo vét của Cty không làm ảnh hưởng đến diện tích và cây của người dân"- ông Đôn thông tin. Tình trạng lợi dụng núp bóng cải tạo, khơi thông để khai thác đất sét lậu và khai thác bên ngoài khu vực để nhập cho các NMG không chỉ xảy ra ở Phong Điền mà còn xảy ra ở xã Hương Thọ, P.Hương Vân (TX Hương Trà) và xã Dương Hòa (TX Hương Thủy). Sự việc này cũng được cơ quan chức năng địa phương lập biên bản về hành vi khai thác khoáng sản trái phép. Mới đây nhất, vào cuối tháng 7, người dân ở TDP Văn Xá Thượng, P.Hương Vân (TX Hương Trà) phản ánh, một số DN lợi dụng cải tạo, khơi thông đục khoét cả quả đồi để lấy đất sét tạo nên những bãi đất trống nham nhở, hố sâu rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Khi chúng tôi trao đổi với ông Hồ Xuân Phương- Phó Chủ tịch UBND P.Hương Vân thì ông này cho rằng, khu vực mà các P.V phản ánh không có cơ quan chức năng nào cấp phép cả. Sau khi nhận được phản ánh từ báo chí, ông Phương nói rằng, đi kiểm tra thực địa thì mới biết là sự việc khai thác đất sét trái phép tại khu vực trên là có thật.

Khai thác đất sét lậu để lại hiện trường nham nhở, xuất hiện nhiều hố rộng lớn mà chính quyền xã Phong An từng xử phạt.

Tuồn khoáng sản phụ gia lậu vào nhà máy xi-măng

Nhận được đơn thư phản ánh của công dân về việc khai thác KSTP, mua bán khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp để cung cấp cho 2 nhà máy xi-măng Đồng Lâm (đóng tại H.Phong Điền) và Lusk (đóng tại TX Hương Trà, TT-Huế), UBND tỉnh TT-Huế vừa chỉ đạo Sở TN & MT vào cuộc điều tra làm rõ. Qua xác minh ban đầu, ông Hồ Đắc Trường- Phó Giám đốc Sở TN & MT tỉnh cho biết, phía nhà máy Đồng Lâm và Lusk đã được cấp mỏ khai thác đá vôi và đất sét để làm nguyên liệu sản xuất xi-măng. Đối với các nguyên liệu khác, các Cty này mua từ bên ngoài, trong đó thạch cao có nguồn gốc từ Lào, Thái Lan. Đối với các loại phụ gia khác được mua của các DN trên địa bàn tỉnh TT-Huế.

Theo ông Trường, qua xác minh cho thấy, một phần phụ gia mua bán của 2 nhà máy nói trên có nguồn gốc không rõ ràng do các DN bán cho họ không được cấp phép khai thác khoáng sản làm phụ gia xi-măng trên địa bàn tỉnh. Theo Sở TN & MT, từ năm 2016 đến nay đã có 7 DN bán khoáng sản làm phụ gia xi-măng cho 2 nhà máy. Trong đó, có đến 6 DN chưa được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh gồm: Cty TNHH và Sản xuất dịch vụ Hải An, Cty TNHH và Thương mại Trường Thắng, Cty TNHH Đại An, CTCP Long Thọ, Cty TNHH Thạch cao Ngọc Khánh và DNTN Nguyễn Sự đều đóng tại TT-Huế. DN còn lại là Cty TNHH Trường Thịnh được cấp mỏ làm vật liệu san lấp, không có mỏ khoáng sản phụ gia nhưng vẫn nhập cho 2 NMXM. Vì vậy, doanh nghiệp này đã bị xử phạt 120 triệu đồng về hành vi khai thác KSTP. Theo ông Hồ Đắc Trường, hiện Sở TN & MT đang phối hợp với Sở Công Thương tỉnh TT-Huế để làm việc với 6 DN nói trên nhằm truy xuất khối lượng, nguồn gốc khoáng sản đã cung cấp cho các NMXM. Điều đáng nói, trong quá trình cung ứng nguồn khoáng sản phụ gia, các DN đều cho rằng, nguồn cung được lấy tại địa bàn TT-Huế. Theo một cán bộ tài nguyên môi trường ở TT-Huế, hiện, nhu cầu nguyên liệu đất sét, quặng sắt, đá sét (phụ gia hoạt tính puzơlan) để sản xuất xi-măng và nhu cầu mua đất sét của các nhà máy gạch trên địa bàn TT-Huế rất lớn. Vì vậy, việc một số DN ngang nhiên khai thác khoáng sản lậu, rồi đem nhập với giá rẻ cho các nhà máy là điều dễ hiểu.

HẢI LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_193774_-chay-mau-khoang-san.aspx