Cháy lớn ở Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú

Đến chiều nay (8-4), đám cháy tại tiểu khu 296B thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú (thuộc địa bàn xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Trong sáng cùng ngày, đám cháy tiếp tục bùng phát tại khu vực Bưng Trường (thuộc xã Hàm Minh). Lãnh đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, UBND huyện Hàm Thuận Nam đến hiện trường trực tiếp chỉ đạo công tác dập lửa. Ngoài lực lượng của Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, tham gia chữa cháy sáng nay còn có Đội Kiểm lâm cơ động PCCC rừng, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, lực lượng dân quân các xã trong khu vực núi Tà Cú.

Đám cháy diễn biến phức tạp trong rạng sáng 8-4 do có gió mạnh.

Trong đêm 7 và rạng sáng nay 8-4, lực lượng chữa cháy phối hợp được huy động khoảng 100 người nỗ lực dập lửa suốt đêm nhưng đám cháy vẫn không bị khống chế mà còn diễn biến rất phức tạp; khu vực cháy có gió xoáy, gió mạnh cấp 7 – 8. Trong gần 2 ngày qua, việc chữa cháy được thực hiện chủ yếu bằng công cụ, phương tiện thô sơ như: rựa, cào cỏ,… 12 máy thổi gió cản lửa hoạt động hết công suất tuy ngăn được sự bùng phát mạnh nhưng vẫn chưa ngăn được sự lan rộng của đám cháy.

Ông Võ Hữu Phương, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú cho biết, đám cháy ban đầu được phát hiện khoảng 10h sáng 7-4, tại khu vực rừng trồng (keo lá tràm) trong tiểu khu 296B với diện tích gần 1.000m2, nhưng sau đó đám cháy đã lan rộng lên đến hàng chục ha. Hiện chưa thể thống kê chính xác thiệt hại do đám cháy gây ra. Đến chiều 8-4, ước có khoảng 60 ha rừng trồng bị thiệt hại do cháy.

Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra nguyên nhân gây cháy cũng như thống kê mức độ thiệt hại vụ cháy gây ra.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú nằm ở phía Nam, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) là một khu rừng biệt lập bởi cộng đồng dân cư 6 xã và thị trấn bao bọc. Theo phân loại của các tổ chức quốc tế, Khu bảo tồn thiên nhiên này thuộc điểm nóng về đa dạng sinh học Miến Điện - Đông Dương, thuộc vùng sinh thái Trường Sơn, một trong 221 vùng sinh thái quan trọng trên thế giới và nằm trong tiểu vùng sinh thái quan trọng cần bảo tồn khẩn cấp.

Cho đến nay, tại Khu bảo tồn này ghi nhận có khoảng 1.200 loài thực vật bậc cao, trong đó, ít nhất là 36 loài thực vật nguy cấp được đề cập trong sách đỏ Việt Nam (2007) hay Danh lục đỏ thế giới (IUCN 2009). Động vật ghi nhận có 454 loài, trong đó côn trùng chiếm 160 loài. Đặc biệt, chỉ với khoảng 1.000 ha, nhưng Khu bảo tồn này có đến 6 loài linh trưởng trong đó có 2 loài mói ghi nhận trong những năm gần đây như Chà Vá Chân Đen, Voọc Bạc Trường Sơn có số lượng cá thể trong quần thể khá lớn. Khu bảo tồn này hiện còn nhiều loài động vật hoang dã, đặc biệt là lớp chim có những loài nguy cấp và bị đe dọa như Gà lôi hồng tía, Tô sao, Gà tiền mặt đỏ, Trĩ sao, Công...

T.Bình - M.Hải

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/chay-lon-o-khu-bao-ton-thien-nhien-ta-cu-485721/